Ngày 4/6/2019 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.
Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo nhưng đến nay Chính phủ đánh giá, tổng các nguồn lực của xã hội thu hút vào khối ngoài công lập còn rất thấp so với tiềm năng.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại nói trên trước hết thuộc về nhận thức của các cấp quản lý, của người học và xã hội.
Các văn bản thể hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng và Chính phủ về huy động các nguồn lực của xã hội đã được ban hành khá đầy đủ với quan điểm, tầm nhìn và định hướng đổi mới trong dài hạn.
Do đó, mục tiêu Chính phủ đặt ra sẽ rất khó hoàn thành, trong khi nhu cầu và triển vọng phát triển Giáo dục tư thục Việt Nam còn rất lớn.
Khu ký túc xá số 4 của Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm được 5 dãy nhà ở sức chứa 2.000 người và một nhà ăn, từ giai đoạn 2003 - 2008. So với quy mô ban đầu là 21 tòa nhà, đáp ứng 8.000-10.000 chỗ ở, phần hoàn thiện này còn khá nhỏ. Ảnh: Giang Huy. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng quản trị Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp (Hà Nội), cho biết:
“Cái mà chúng ta quan tâm chính là các giải pháp trong Nghị quyết 35 của Chính phủ mà trong đó có nêu 5 giải pháp.
Trong đó tôi đề nghị hoàn thiện thể chế cải thiện môi trường đầu tư nên tôi sẽ tập trung nói về điều đó. Tôi có đề nghị thứ nhất:
Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về tiêu chuẩn Hiệu trưởng nhưng không có quy định nhất thiết phải là Đảng viên. Nhưng khi làm thì Sở Giáo dục có ý kiến, thế là các trường phải “lách”, nhưng có những nơi không lách “được”, từ đó dẫn đến nhiều khó khăn.
Nhiều nhà đầu tư xã hội hóa giáo dục phát biểu gay gắt, tại sao cứ phải bắt buộc trường tư tổ chức công đoàn, chi bộ, trong khi họ đã lo và tạo điều kiện cho đời sống cán bộ giáo viên rất tốt.
Những Đảng viên giỏi về trường của họ làm việc đều được tạo điều kiện phát triển rất tốt. Như vậy tôi thấy chúng ta không nên thêm những điều kiện gây rất khó cho các nhà đầu tư xã hội hóa.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường: "Theo tôi những tập đoàn lớn họ đã và đang làm giáo dục, họ sẽ chứng minh bằng thực tế rằng những điều kiện gò bó quá sẽ không phù hợp và họ sẽ tự tháo bỏ, và hiện nay đã như vậy rồi”. Ảnh: Tùng Dương. |
Kiến nghị thứ 2: Nhân cái việc tin hay không tin người dám đứng ra làm, thì cũng cần phải xem xét lại đơn vị công lập nếu làm không ra gì thì cũng phải bị xử lý nghiêm.
Tôi lấy ví dụ khu đất của Đại học Quốc gia rất đẹp, nhưng cả chục năm nay rồi vẫn không triển khai xây dựng xong, trong khi đó tập đoàn Vin Group họ xây cả một trường đại học trong có 14 tháng thì đó là một điều quá phi thường, quá giỏi. Vậy tại sao họ lại làm được như thế?
Cả một khu trường đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế với rất nhiều hạng mục mà họ làm trong 14 tháng, trong khi gần 20 năm chúng ta vẫn không làm xong được khu Đại học Quốc gia Hà Nội. Vậy phải xem xét lại vì càng kéo dài lâu thì càng trượt giá, gây lãng phí nguồn vốn.
Vậy theo tôi cần mạnh dạn tìm những đơn vị giỏi, tuyên truyền mạnh hơn nữa để xem họ làm thế nào mà quản lý được mọi việc nhanh như thế.
Trường chúng tôi từ khi làm móng cho đến tất cả các khâu thực hiện đều được các cổ đông giám sát chặt chẽ, quản lý vật liệu ra sao, lưu mẫu bê tông thế nào…như vậy để nói rằng tiền của các nhà đầu tư mà lại được chính họ giám sát thì sẽ rất tốt, không ai lại đi tham nhũng chính tiền của mình cả.
Tất cả những kiểu quản lý như thế mang lại hiệu quả thiết thực, hơn là kiểu chờ kinh phí sửa chữa và khi đó thì giá thành mọi thứ cũng khác. Đó cũng cách quản lý giữa 2 khu vực công và tư.
Các trường ngoài công lập tôi tạm chia ra 2 giai đoạn, một là các nhà giáo đứng ra làm trường tư thục. Giai đoạn 2 tiếp theo là một số tập đoàn lớn đầu tư vào giáo dục.
Các nhà giáo như chúng tôi làm thì đều tuân thủ quy tắc nhà nước, nhưng trong khi các tập đoàn khi giấy phép xây dựng trường thì họ lại làm khác, và tôi cho chính những tập đoàn này sẽ làm thay đổi giáo dục của Việt Nam, họ đầu tư bài bản và ngoài sức tưởng tượng của mọi người".
Nhiều hộ dân trong khu vực giải tỏa Đại học Quốc gia Hà Nội dù đã nhận tiền đền bù, do chưa có khu tái định cư nên vẫn sinh sống tại khu đất của dự án. Ảnh: Giang Huy. |
Thầy Cường cho biết: "Tôi cũng đã tham gia về thủ tục cho nhiều tập đoàn mở trường học nên tôi biết, họ cầu kỳ đến mức độ là phòng thí nghiệm của học sinh đều được mua từ Anh, phải đúng các chuyên gia của Anh sang lắp mặc dù giá rất đắt.
Nhà bếp cho học sinh họ mua tại Thụy Sỹ, từ bát, thìa, nồi niêu xong chảo…họ đầu chất lượng và đồng bộ như vậy và ngoài ra còn rất nhiều hạng mục nữa.
Có thể nói rằng họ đầu tư như vậy thì cần có người giúp sức, nếu như mình không giữ nguyên cơ chế thì chính họ cũng sẽ góp phần làm thay đổi cơ chế một phần.
Bởi vì cơ chế của chúng ta có Thông tư 13 của Bộ Giáo dục về cơ cấu tổ chức của trường. Khi thành lập trường họ cũng vẫn tuân thủ, nhưng nếu không phá vỡ thì họ cũng sẽ không làm được.
Nếu được quan tâm đầy đủ, Giáo dục tư thục mạnh biết chừng nào |
Họ mời một ông hiệu trưởng là Đảng viên nhưng chỉ phụ trách một phần nhỏ của trường.
Nhưng còn ông tổng phụ trách kia là người nước ngoài, họ được nhà đầu tư giao quyền phụ trách nhà trường, chứ không phải nhà nước quyết định việc này.
Tổng phụ trách người nước ngoài kia sẽ triển khai, giám sát việc dạy chương trình quốc tế của trường, họ giỏi tiếng Anh và trình độ quản lý giáo dục của họ đạt đẳng cấp quốc tế, trong khi ông hiệu trưởng của chúng ta lại không làm được việc này, đó cũng là điều cần phải xem lại.
Vậy theo tôi những tập đoàn lớn họ đã và đang làm giáo dục, họ sẽ chứng minh bằng thực tế rằng những điều kiện gò bó quá sẽ không phù hợp và họ sẽ tự tháo bỏ, và hiện nay đã như vậy rồi”.