Chống nắng mùa Đông - có cần thiết không?

09/11/2011 06:00
An Ngọc (T.H)
(GDVN) - Vào mùa Đông thường không có nắng, vậy dùng kem chống nắng là không cần thiết. Quan niệm ấy có đúng không? Hãy cùng Cẩm nang đẹp tìm hiểu nhé!
Vào mùa Đông có cần phải chống nắng hay không? (Nguồn ảnh: Yume)
Vào mùa Đông có cần phải chống nắng hay không?
(Nguồn ảnh: Yume)
Nói về tác hại của ánh nắng mặt trời đối với làn da, chắc hẳn chị em phụ nữ đều biết. Bởi vậy nên vào mùa hè, nhu cầu sử dụng các sản phẩm chống nắng (như kem chống nắng, áo chống nắng, găng tay, khẩu trang...) đều rất lớn. Tuy nhiên khi vào mùa Đông, nhiều người trong chúng ta vẫn thường nghĩ rằng: mùa Đông không có nắng (hoặc ít khi có nắng) nên không cần thiết phải sử dụng kem chống nắng. Vậy quan điểm ấy có đúng hay không?
Khi không có ánh nắng vẫn cần phải chống nắng

(Nguồn ảnh: Afamily)
(Nguồn ảnh: Afamily)

Thực chất vào mùa Đông, bạn không nhìn thấy ánh nắng mặt trời do có nhiều mây che phủ hơn mùa hè. Tuy vậy, ánh nắng mặt trời vẫn tồn tại, 80% các tia UVA, UVB vẫn đi xuyên qua được những đám mây. Độ che phủ của mây không thể giúp bảo vệ bạn khỏi tác hại của hai loại tia này. Cường độ chiếu sáng của mặt trời vào mùa Đông thấp hơn, nhưng không có nghĩa là an toàn cho da chúng ta.
Nguyên nhân chính gây nên cho làn da của chúng ta tình trạng cháy nắng là tia UVB, và cường độ của tia này có giảm đi vào mùa Đông. Nhưng riêng tia UVA thì vẫn giữ nguyên cường độ như trong mùa hè. Mặt khác, mức độ phổ biến và nguy hiểm của tia UVA cao hơn tia UVB từ 30 – 50 lần. Bởi vậy, dù là mùa đông ít nắng hay không có nắng thì làn da bạn vẫn rất cần sự bảo vệ để tránh được những tác hại này. 

Thêm một lý do nữa: Khi tiết trời lạnh, làn da dễ bị thiếu độ ẩm, là nguyên nhân khiến cho làn da của nhiều chị em phụ nữ bị thô ráp, bong tróc, nứt nẻ hay mẩn ngứa, da căng lên, mất đi độ đàn hồi. Nếu gặp phải sự tác động từ ánh nắng mặt trời thì da càng dễ bị tổn thương. Vì vậy làn da cần có chế độ chăm sóc đặc biệt trong mùa này, nhất là chống nắng cho da. 

(Nguồn ảnh: Tế bào gốc Việt Nam)
(Nguồn ảnh: Tế bào gốc Việt Nam)

Chống nắng mùa Đông như thế nào?
Thông thường vào mùa Đông, đa phần chúng ta ở bên ngoài ít hơn và mặc nhiều quần áo hơn, nên tần suất tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng giảm đi, nhưng khuôn mặt và bàn tay (thậm chí phần cổ) chúng ta vẫn không tránh được tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời. Khi đó, làn da sẽ dần xuất hiện những đốm nâu, thâm nám và sớm bị lão hóa. 

Để giảm đến mức tối thiểu những thương tổn do ánh nắng gây nên cho làn da, bạn nên dùng kem chống nắng dù ở bất kỳ thời tiết nào.

(Nguồn ảnh: Dinh dưỡng)
(Nguồn ảnh: Dinh dưỡng)

Chọn kem chống nắng: không nên qua quýt
Để phát huy được hiệu quả chống nắng thì bạn phải lựa chọn được một sản phẩm chống nắng chất lượng. 

1. Bạn nên để ý các thành phần hoạt động được ghi trên bao bì sản phẩm. Những thông tin này là cơ sở để bạn biết mức độ bảo vệ làn da khỏi các tia UVA, UVB:

- Nếu sử dụng kem chống nắng vật lý (là sản phẩm có tác dụng phản chiếu hoặc khuếch tán tia UV trước khi đến da), bạn cần chắc chắn sản phẩm bao gồm cả 2 hợp chất oxit titan và oxit kẽm. Các hoạt chất chống nắng này có tác dụng khử được cả hai loại tia UVA và UVB.

- Kem chống nắng hóa học (loại có tác dụng hấp thu tia UV bằng các chất hóa học) thì cần có avobenzone và octocrylene. Phần lớn kem chống nắng hóa học có khả năng chống tia UVA cao hơn kem chống nắng vật lý. 

- Sản phẩm kem chống nắng phổ rộng (bao gồm cả chống nắng vật lý và chống nắng hóa học) cũng là một gợi ý cho bạn lựa chọn.

Lưu ý: Không dùng loại kem chống nắng có cả 2 thành phần avobenzone và octinoxate. 

(Nguồn ảnh: Thông tin online)
(Nguồn ảnh: Thông tin online)

2. Chọn độ SPF cho kem chống nắng
Chúng ta cần biết: 1 độ SPF có nghĩa là kem chống nắng này có khả năng lọc tia tử ngoại một cách tối đa trong môi trường ngoài trời là 15 phút. Như vậy, một sản phẩm chống nắng có độ SPF 20 khi bôi lên da, có thể bảo vệ da 300 phút (5 giờ đồng hồ) khi đi ra ngoài. Khi hết thời gian 5 tiếng đó, kem chống nắng vẫn còn trên da nhưng không còn tác dụng chống nắng.

Ở môi trường, khí hậu Việt Nam, vào mùa Đông, chỉ nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 4 đến 15. 

Nếu sử dụng kem chống nắng có độ SPF lớn, nghĩa là thời gian bảo vệ da khỏi ảnh hưởng của bức xạ mặt trời dài hơn. Tuy nhiên, với điều kiện môi trường khói bụi như Việt Nam điều này có thể gây phản tác dụng. Khi kem lưu trên da quá lâu, kết hợp với các chất tiết của da, dịch mồ hôi... tạo ra các phản ứng hóa học sinh ra các gốc tự do làm tổn thương và biến màu da. Đây là điều kiện tốt để hiện tượng đồi mồi, tàn nhang xuất hiện và nhân lên. 

Lưu ý khi sử dụng kem chống nắng:

- Kem chống nắng thường có tác dụng bảo vệ, chống nắng tốt hơn kem dưỡng hoặc mỹ phẩm trang điểm có chỉ số chống nắng SPF đi kèm (kể cả khi độ SPF bằng nhau).

- Bôi kem chống nắng trên da cần có độ dày nhất định: nếu quá mỏng không đem lại tác dụng; nếu quá dày thì lãng phí và có thể gây bít lỗ chân lông.

- Bôi lên da 30 phút trước khi đi ra nắng.

- Chỉ trang điểm sau khi bôi kem chống nắng từ 15 – 20 phút để kem đủ thời gian thấm và phát huy hiệu quả.

- Để giữ ẩm tốt trong mùa đông, với làn da quá khô, bạn nên chọn kem chống nắng dạng sữa với độ ẩm cao.

An Ngọc (T.H)