Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, có địa phương sau khi cho học sinh đi học lại 2 ngày đã quyết định cho nghỉ thêm 2 tuần như tỉnh Sơn La.
Giáo viên nhiều nơi vừa đi dạy học, vừa lo có thể lại tiếp tục phải nghỉ để tránh dịch Covid-19. Mối lo ngại về việc vỡ kế hoạch giảng dạy không phải không có cơ sở.
Trong khi đó, ngày 22/2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký công văn gửi chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 và đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xem xét việc cho học sinh, sinh viên, học viên đi học trở lại sau thời gian tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh covid-19.
Kế hoạch hội giảng của một trường Trung học phổ thông. |
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên như sau:
1. Kết thúc năm học trước ngày 30/6/2020.
2. Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/7/2020.
3. Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8/2020.
4. Thi trung học phổ thông quốc gia từ ngày 23/7/2020 đến ngày 26/7/2020.
Với khung kế hoạch thời gian năm học có sự thay đổi, giáo viên trung học phổ thông, đặc biệt là giáo viên lớp 12 phải tập trung giảng dạy tốt nhất cho học sinh để các em có thời gian ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, hàng ngày khi học sinh đến lớp, giáo viên ngoài công việc chính là giảng dạy còn phải quan sát, theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh.
Không những vậy, có trường thầy cô còn phải tham gia phong trào hội giảng để thi đua lập thành tích chào mừng 89 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, bản chất của hội giảng là giáo viên lên lớp giảng bài trước 30 học sinh và giáo viên nhà trường. Các giáo viên sẽ theo dõi, quan sát, góp ý.
Bộ trưởng vừa chỉ đạo cắt các cuộc thi diễn, Hải Phòng làm điều ngược lại |
Có trường hơn 100 giáo viên cũng phải tham dự đủ phong trào vì sẽ có điểm danh.
Sau khi dạy xong các môn học được chọn, trường sẽ tổ chức một buổi họp cơ quan nhận xét giờ dạy.
Mỗi giáo viên dạy có ít nhất 10 giáo viên cùng bộ môn góp ý. Bởi là phong trào thi đua nên góp ý cũng nặng tính phong trào.
Đáng nói, dịp 20/11 mỗi năm, đại đa số các trường học đã tổ chức một đợt hội giảng cũng với hình thức tương tự.
Những đợt hội giảng này với không ít giáo viên thì chỉ là để “diễn”. Tất cả đều được chuẩn bị kỹ càng.
Thiết nghĩ, trong lúc giáo viên trung học phổ thông đang phải vắt chân lên cổ để đảm bảo kế hoạch giảng dạy cũng như chất lượng chuyên môn, cùng với đó, thầy cô còn phải đảm bảo các công việc được giao để phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì những phong trào như trên trường nào đã có kế hoạch tổ chức thì nên xem xét để tránh “trăm dâu đổ đầu” giáo viên.