Đến bao giờ Bộ Giáo dục mới công nhận kết quả học từ xa?

05/03/2020 06:30
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, hiện dạy trực tuyến hay dạy trên truyền hình đang thay thế cho giảng dạy trực tiếp, mà đã là thay thế thì phải được công nhận.

Mặc dù hiện nay nhiều địa phương đã cho học sinh từ bậc trung học phổ thông trở lên đi học trở lại từ ngày 2/3 sau thời gian dài nghỉ phòng chống dịch Covid-19 tuy nhiên đến nay nhiều người vẫn chưa yên tâm khi tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp.

Chính vì lẽ đó, khi học sinh nghỉ ở nhà thì việc học triền khai diễn ra như thế nào sao cho hiệu quả, chất lượng vẫn được đảm bảo đang được dư luận đặc biệt quan tâm. 

Nhận thấy nhu cầu bức thiết đó, vừa qua, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có một số công văn đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan quản lý nhà nước về giải pháp dùng các hình thức giáo dục từ xa (truyền hình, trực tuyến,...) để giảng dạy cho sinh viên và học sinh trong mùa dịch Covid-19 giúp việc học của các em không bị gián đoạn. 

Nhằm trao đổi cụ thể hơn những nội dung liên quan với giải pháp trên, ngày 4/3, Hiệp hội tổ chức buổi tọa đàm liên quan đến nội dung này. 

Tới dự cuộc tọa đàm có Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam; Tiến sĩ Võ Thế Quân – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Đông Đô, Hà Nội; Tiến sĩ Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội; Tiến sĩ Hồ Vĩnh Thắng – đại diện Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo); ông Phan Thế Hùng – chuyên viên chính Vụ giáo dục đại học; đại diện VTV7,…

Ngày 4/3, Hiệp hội tổ chức buổi tọa đàm liên quan đến nội dung đào tạo từ xa (Ảnh: Thùy Linh)
Ngày 4/3, Hiệp hội tổ chức buổi tọa đàm liên quan đến nội dung đào tạo từ xa (Ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, trong thời gian cho học sinh, sinh viên nghỉ tránh dịch Covid-19 vừa qua, một số trường phổ thông và đại học đã chủ động thực hiện đào tạo trực tuyến, như vậy là tốt.

Tuy nhiên, điều kiện để áp dụng việc học trực tuyến bằng công nghệ cao không phải nơi nào cũng thực hiện được bởi đối tượng người học có hoàn cảnh kinh tế khác nhau bởi không phải học sinh, sinh viên nào cũng có máy tính, điện thoại thông minh,... để học, như thế sẽ rất bất tiện khi áp dụng đại trà.

“Chính vì lẽ đó Hiệp hội kiến nghị lên Thủ tướng giải pháp học tập cho học sinh, sinh viên trong mùa dịch Covid-19 đó là chuyển sang áp dụng đại trà phương thức dạy học trên truyền hình ở quy mô toàn quốc bởi lẽ kế hoạch thời gian năm học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo kéo dài, diễn biến dịch Covid-19 thì chưa chấm dứt, do đó nếu học sinh vẫn tiếp tục nghỉ thì lấy đâu ra thời gian để bù”, Giáo sư Trần Hồng Quân chia sẻ. 

Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam thông tin:

“Giáo dục từ xa không gì xa lạ đối với nước ta, tôi còn nhớ những năm chống Mỹ, trong khi phương thức đào tạo là thường xuyên, liên tục và tại chỗ; mặt đối mặt là thuật ngữ quen thuộc đối với giáo viên thời đó thì chính Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là người đầu tiên đề xuất phương thức đào tạo và bồi dưỡng giáo viên từ xa và lúc đó đã đào tạo được nhiều, kết quả khả quan, đến cuối đời cụ vẫn quan niệm cần phải học từ xa

Do đó, trước tình hình phải đóng cửa trường vì dịch Covid-19 thì chúng ta cần chủ động chuyển phương pháp dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến ở nơi có đầy đủ trang thiết bị và dạy trên truyền hình ở những nơi khó khăn hơn để việc học không bị ảnh hưởng chứ không thể nào không đến trường là học sinh ở nhà chơi”. 

Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (Ảnh: Thùy Linh)
Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (Ảnh: Thùy Linh)

Trong bối cảnh học sinh nghỉ học vì dịch bệnh, là một cơ sở giáo dục, Tiến sĩ Võ Thế Quân – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Đông Đô, Hà Nội chia sẻ, ngay khi nhận được chỉ đạo của thành phố Hà Nội về việc cho học sinh nghỉ từ 3/2 -8/2 thì ngay ngày 3/2, nhà trường đã họp và đưa ra quyết định thành lập ban chỉ huy phòng chống dịch và chỉ đạo giáo viên giao bài tập ôn tập cho học sinh trong tuần đầu tiên nghỉ. 

Tuy nhiên đến ngày 4/2, nhận thấy tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp hơn thì nhà trường tính đến việc triển khai học trực tuyến và ngay lập tức yêu cầu giáo viên chuẩn bị để tuần kế tiếp dạy học trực tuyến. 

Thầy Quân nói: “Trường tôi triển khai dạy- học trực tuyến theo tiêu chí:

Thứ nhất, dạy đúng giờ, do đó học sinh và thầy cô phải kết nối trước đó 5-7 phút, đúng 7h15 là vào học, tiết học diễn ra như học ở trường. 

Thứ hai, học sinh lớp nào thì học lớp đó, giáo viên đến tiết nào dạy lớp nào thì về đúng phòng học vị trí lớp đó, giáo viên điểm danh hàng ngày. 

Thứ ba, dạy đúng theo tiến độ chương trình nghĩa là tiến độ tuần này dạy bài nào thì sẽ dạy bài đó. 

Thứ tư, giáo viên và học sinh sẽ phải dạy – học theo đúng thời khóa biểu học bình thường, môn nào tiết 1, môn nào tiết 2… cứ như vậy mà thực hiện, 

Thứ năm, đảm bảo sĩ số 100% nghiêm túc, do đó nhà trường thông báo với phụ huynh rằng học trực tuyến đúng như trên lớp, nếu em nào vắng mặt trên hệ thống học trực tuyến thì giáo viên chủ nhiệm liên lạc với phụ huynh yêu cầu phụ huynh kiểm tra việc học của con”.  

Với những tiêu chí như vậy thì nhà trường được phụ huynh rất đồng tình ủng hộ phương thức dạy học này vì nhà trường vừa quản lý được học sinh mà nội dung kiến thức không bị gián đoạn. 

Đến bao giờ Bộ Giáo dục mới công nhận kết quả học từ xa? ảnh 3
Tiến sĩ Võ Thế Quân – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Đông Đô, Hà Nội (Ảnh: Thùy Linh)

Thầy Quân chia sẻ: “Hơn 1 tháng qua, cách dạy và học trực tuyến giúp trường Đông Đô đạt được thành công kép đó là nề nếp, chất lượng giáo dục được đảm bảo, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên – học sinh được nâng lên, tương tác giữa phụ huynh- học sinh – nhà trường khăng khít hơn”. 

Với hình thức dạy học này đã giúp kế hoạch học tập của nhà trường chỉ bị chậm hơn so với năm ngoái 1 tuần (đó là tuần từ 3-8/2 chỉ giao bài ôn tập cho học sinh chứ không học bài mới), tức là 22/5 nhà trường đã kết thúc năm học tuy nhiên theo kế hoạch của Bộ thì phải 30/6 mới được kết thúc năm học.

Chính điều này khiến thầy Hiệu trưởng băn khoăn: “Khi cả thầy và trò cố gắng dạy – học trong giai đoạn khó khăn này nhưng kết quả học tập thì lại chưa được công nhận”. 

Trước nội dung này, Tiến sĩ Hồ Vĩnh Thắng – đại diện Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lại đặt ra giả thiết, nếu giờ chúng ta công nhận ngay kết quả học tập trực tuyến thì đối với các em tham gia học tập trực tuyến nhưng thực chất là không học gì, có được công nhận không?

Ngay sau khi nhận được nội dung này, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Người đứng đầu ngành giáo dục cần phải đưa ra quyết sách nhanh chóng, khẩn trương các biện pháp dạy học trong giai đoạn này và cần chỉ đạo rõ nếu đơn vị nào làm nghiêm túc thì Bộ, Sở sẽ kiểm tra và nếu đạt thì sẽ công nhận kết quả học tập từ xa chứ giờ vẫn còn nghiên cứu thì nghiên cứu đến bao giờ”. 

Sau khi nghe những ý kiến thảo luận, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Khi sử dụng công nghệ vào dạy học thì bản thân công nghệ cũng mang lại nhiều thế mạnh mà giáo dục truyền thống không có được. 

Trong giai đoạn hiện nay, tùy vào điều kiện thì dạy trực tuyến hay dạy trên truyền hình đang thay thế cho giảng dạy trực tiếp, mà đã là thay thế thì quy trình đào tạo và kết quả học tập này phải được công nhận còn việc kiểm tra, đánh giá chất lượng thì hoàn toàn làm được. 

Khi hình thức học tập đào tạo từ xa được công nhận thì các trường sẽ triển khai một cách nghiêm túc hơn, hiệu quả hơn. 

Do đó, chúng tôi đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận các hình thức đào tạo và kết quả này”. 

Thùy Linh