Giáo dục không phải... nắm bông gòn

06/03/2020 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Kiến nghị của chuyên gia cho thấy quanh đi quẩn lại, sau mấy chục năm sáp nhập, chia tách, Bộ Giáo dục lại vẫn là … Bộ Giáo dục!

Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo, góp ý cho “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026” của Bộ này vào ngày 10/02/2020.

Đề xuất của Bộ Nội vụ nhằm “Cắt giảm số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ xuống mức phù hợp thông qua việc tái cơ cấu lại các bộ, cơ quan ngang bộ, sáp nhập các bộ có nhiệm vụ, chức năng gần nhau để vừa giảm số lượng, vừa khắc phục tình trạng trùng, lấn nhiệm vụ, chức năng giữa một số bộ, đúng theo nguyên tắc: bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực”.

Một trong những đề xuất của chuyên gia là tái lập Bộ Giáo dục, thành lập Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo và đưa mảng đào tạo nghề từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo.

Về Giáo dục, người viết trong nhiều bài đăng đã không đồng tình chuyện đưa mảng đào tạo trình độ cao đẳng (và đào tạo nghề) từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (trừ khối Cao đẳng Sư phạm).

Tuy nhiên việc “chia phần” vẫn được thực hiện từ ngày 09/11/2016, cho đến nay chỉ mới được hơn 03 năm thì lại có đề xuất thay đổi.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu. (Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn)
Giáo dục là quốc sách hàng đầu. (Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn)

Tính từ năm 2013 đến nay, người viết đã đề cập sự luẩn quẩn trong chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước ngành Giáo dục trong vài chục bài báo, ví dụ:

Giáo dục và quy luật … "Tít mù”; [1]

Giáo dục: “Quyền rơm vạ đá” ”; [2], [3], [4], [5], [6]

“Hoa thơm mỗi bộ ngành hưởng một tý” [7];

Hoa thơm, mỗi bộ ngành hưởng một tí và chuyện "bờ vùng, bờ thửa"; [8]

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục” (phần 1, 2). [9, 10]

Người viết từng đề cập trong bài “Đổi mới hay chấn hưng giáo dục” phần 2:

“Sau thời kỳ chia ruộng cho nông dân nay đến thời kỳ “cánh đồng mẫu lớn”, thời kỳ tích tụ ruộng đất, vậy Giáo dục còn chia năm xẻ bảy đến bao giờ?

Nếu không sớm thống nhất bộ máy quản lý, đừng nói đến chấn hưng giáo dục”. [10]

Những người tâm huyết với giáo dục nhưng không “nằm” trong hệ thống luôn biết rằng dẫu có viết nhiều hơn nữa, viết đúng thực trạng đến mấy thì cũng chỉ như thân phận dã tràng cặm cụi xe cát.

Tuy phải chấp nhận “xe cát Biển Đông” song vẫn phải viết với hy vọng có người tình cờ đọc được sẽ biết rằng thế hệ hôm nay vẫn có không ít người cam tâm làm dã tràng để cầu may cho con cháu mai sau.

Có thể với chức năng “Viện Khoa học tổ chức nhà nước” thì các quan chức nơi đây phải dành hết thời gian cho nghiên cứu những vấn đề mang tầm “nhà nước” nên việc ít biết (hoặc không biết?) báo chí viết gì về riêng giáo dục cũng là điều không quá khó hiểu.

Vấn đề là những gì đội ngũ hoạch định chiến lược, cụ thể là Viện Khoa học tổ chức nhà nước đang tư vấn cho Chính phủ về tổ chức bộ máy có phải đã hội tụ đầy đủ tính khoa học, hợp lý và là chiến lược lâu dài hay mang nặng tư duy nhiệm kỳ?

Phải nêu câu hỏi này bởi dòng tiêu đề “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026” cho thấy rất rõ đặc trưng nhiệm kỳ của báo cáo.

Vì sao chỉ có thể dự kiến cơ cấu bộ máy tổ chức của Chính phủ đến năm 2026 mà không phải là đến năm 2045, khi đất nước kỷ niệm 100 năm ngày tuyên ngôn độc lập?

Sau năm 2026, liệu có tiếp tục xuất hiện “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2027-2032”?

Giáo dục, tiếp tục...nói cho ra nhẽ!
Giáo dục, tiếp tục...nói cho ra nhẽ!

Kiểu “tư duy ngắn” theo nhiệm kỳ này đã bị phê phán quá nhiều nhưng vì sao đến năm 2020 này vẫn còn tồn tại trong khi Thủ tướng Chính phủ mong muốn xây dựng một “Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”?

Có một thực trạng đáng buồn là rất khó đóng góp ý kiến cho những người đang được giao trách nhiệm hoạch định chiến lược.

Phải chăng họ bị trói buộc bởi tư tưởng bảo thủ hay bởi những quyết sách ở tầm cao mà họ buộc phải tuân thủ?

Kiến nghị của chuyên gia cho thấy quanh đi quẩn lại, sau mấy chục năm sáp nhập, chia tách, Bộ Giáo dục lại vẫn là … Bộ Giáo dục!

Có điều không ai ngạc nhiên trước đề xuất của bộ này bởi nếu giáo dục không còn “tít mù” trong chiến lược giáo dục quốc gia thì đây mới là chuyện giật mình, đáng cho mọi người đàm luận.

Nếu đề xuất của chuyên gia thành hiện thực thì giáo dục Việt Nam chẳng khác gì nắm bông gòn, có thể tùy ý vo tròn, bóp méo hoặc cấu thành từng nhúm vứt mỗi nơi một ít.

Liệu chuyên gia của Bộ Nội vụ có đang mâu thuẫn với chính đề xuất của mình, hay một số người có trách nhiệm tại bộ này chưa biết dự thảo Bộ viết: “Khắc phục tình trạng trùng, lấn nhiệm vụ, chức năng giữa một số bộ, đúng theo nguyên tắc: bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực”.

Nếu Bộ Giáo dục (nếu nó được tái lập) là bộ “quản lý đa ngành, đa lĩnh vực” thì vì sao bộ này lại không thể quản mảng đào tạo nghề?

Vậy “nhiệm vụ, chức năng” của giáo dục Việt Nam là gì?

Là đào tạo nhân lực và nhân tài cho đất nước.

Giáo dục, Sandbox và Thiếu quân tử
Giáo dục, Sandbox và Thiếu quân tử

Việc chia phần đào tạo nhân lực (nghề) cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (hoặc Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo), mảng đào tạo đại học và trên đại học (tạm gọi là đào tạo nhân tài) lại được được chia tiếp cho các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương cho thấy tư duy “mấy chấm” của những người hoạch định?

Xin khẳng định ngay, nếu Bộ Giáo dục được tái lập theo dự thảo, ý kiến chuyên gia của Bộ Nội vụ hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ nguyên như hiện nay đều không phù hợp với tiêu chí “Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực”?

Mong rằng những người/cơ quan “hoạch định chiến lược” hiểu được một nguyên tắc cơ bản thế này, nếu thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì hãy đối xử với giáo dục như công an và quân đội.

Cụ thể là những gì liên quan đến giáo dục, đào tạo công dân (từ cấp mầm non đến sau đại học) phải do một bộ duy nhất quản lý.

Và sự quản lý đó không chỉ là về nội dung, chương trình mà còn phải cả các nguồn lực liên quan như nhà giáo, kinh phí, cơ sở vật chất,… giống như Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quản lý cán bộ, chiến sĩ và trang thiết bị hiện nay.

Còn một điều xin nói thêm, đó là trong dự thảo Bộ Nội vụ đưa ra, không đề cập đến thay đổi với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sau bốn cuộc chiến tranh chống xâm lược mà chính quyền Pháp, Mỹ, Khmer đỏ và Trung Quốc gây ra với Việt Nam, đến năm 2013 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra con số thống kê như sau:

“Đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công trong đó, có 1.146.250 liệt sĩ; trên 3.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống; 781.021 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; Khoảng hơn 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc,…

Hiện còn trên 1,47 triệu đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước”. [11]

Như vậy số lượng thương binh (năm 2013) chỉ bằng khoảng 50% so với số người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi.

Vậy có nên duy trì tên “Bộ Lao động - Thương binh và xã hội”?

Có nên đổi tên thành “Bộ Các vấn đề xã hội” với chức năng bao quát cả thương binh, người có công, thanh niên, phụ nữ, trẻ em, việc làm, hôn nhân và gia đình,…?

Giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng chiến lược giáo dục lại theo nhiệm kỳ và đội ngũ nhà giáo lai luôn luôn xếp ở hàng cuối, phải chăng đó chỉ là tư duy của đội ngũ được giao nhiệm vụ hoạch định chiến lược?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/giao-duc-va-quy-luat--tit-mu-post179054.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/giao-duc-quyen-rom-va-da-post195114.gd

[3] https://giaoduc.net.vn/GDVN/Giao-duc-Quyen-rom-va-da-2-post195116.gd

[4] https://giaoduc.net.vn/GDVN/Giao-duc-Quyen-rom-va-da-3-post195118.gd

[5] https://giaoduc.net.vn/GDVN/Giao-duc-Quyen-rom-va-da-4-post195121.gd

[6] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/giao-duc-quyen-rom-va-da-cuoi-post195122.gd

[7] //tuanvietnam.net/2013-05-20-hoa-thom-moi-bo-nganh-huong-mot-ty-

[8]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoa-thom-moi-bo-nganh-huong-mot-ti-va-chuyen-bo-vung-bo-thua-post175388.gd

[9] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/doi-moi-hay-chan-hung-giao-duc-post188386.gd

[10]https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/doi-moi-hay-chan-hung-giao-duc-2-post188387.gd

[11] http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=548

Xuân Dương