Học sinh khối ngoài công lập thực hiện nghỉ học phòng chống dịch bệnh Covid-19 như các trường công lập.
Tuy nhiên, học sinh nghỉ học đồng nghĩa với nguồn thu bấp bênh trong khi các chủ trường vẫn phải chi trả lương cho giáo viên, thuê mặt bằng trường lớp…
Chính điều này khiến 150 cơ sở giáo dục tư thục ngày 5/3 có kiến nghị khẩn đến Thủ tướng, các bộ, ban ngành về hỗ trợ vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19 trước nguy cơ phá sản.
Trước kiến nghị này, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người IPD cho rằng: “Thời gian nghỉ chống dịch kéo dài, nếu Chính phủ không có hỗ trợ cho trường tư thục thì sẽ rất thiệt thòi vì chủ trương phát triển tư thục là chủ trương của nhà nước để chia sẻ gánh nặng lớn với nghĩa vụ lo toan bình đẳng cho trẻ đến trường.
Khi họ kiệt sức gồng mình như hiện nay thì Chính phủ nên có hỗ trợ phần nào cho các chủ trường và giáo viên của khối trường tư thục giống như Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác.
Bởi lẽ, nếu cơ sở giáo dục phá sản thì học trò sẽ học ở đâu trong khi giáo dục công lập đã quá tải, phần hỗ trợ đó vừa là động viên nhưng quan trọng là cơ sở để duy trì hoạt động của cơ sở giáo dục đó”.
Giáo sư Phạm Tất Dong (bên trái) và Phó giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh |
Đồng quan điểm, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, ở nhiều quốc gia, nhà nước vẫn hỗ trợ trường tư thục về một số mặt như đất đai… tuy nhiên khi đó thì sẽ có ràng buộc của 2 bên ví như trường sẽ không được thu học phí vượt ngưỡng cho phép chẳng hạn. Còn ở ta thì trường tư thục là tự lo, chưa có sự hỗ trợ nhiều của nhà nước khi hoạt động.
“Trong giai đoạn dịch bệnh, học sinh phải nghỉ học thì các trường tư thục thật sự rất khó khăn vì vừa lo lương giáo viên, lo trả tiền mặt bằng…Do đó, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho khối trường tư thục để họ duy trì hoạt động.
Bởi lẽ trong bất cứ trường hợp nào thì cũng phải đảm bảo và có trách nhiệm đối với việc học của trẻ, không thể để học sinh không có trường để học trong khi hiện nay khối trường công lập đã quá tải”, thầy Dong nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Giáo dục sớm có ý kiến về dạy học từ xa |
Ngoài ra, thầy Dong cũng chia sẻ, rõ ràng, giáo dục từ xa không gì xa lạ đối với nước ta, còn nhớ những năm chống Mỹ, trong khi phương thức đào tạo là thường xuyên, liên tục và tại chỗ; mặt đối mặt là thuật ngữ quen thuộc đối với giáo viên thời đó thì chính Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là người đầu tiên đề xuất phương thức đào tạo và bồi dưỡng giáo viên từ xa và lúc đó đã đào tạo được nhiều, kết quả khả quan, đến cuối đời cụ vẫn quan niệm cần phải học từ xa.
Do đó, trước tình hình phải đóng cửa trường vì dịch Covid-19 thì chúng ta cần chủ động chuyển phương pháp dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến ở nơi có đầy đủ trang thiết bị và dạy trên truyền hình ở những nơi khó khăn hơn để việc học không bị ảnh hưởng chứ không thể nào không đến trường nghĩa là không học.
Đánh giá về việc này, thầy Dong nhấn mạnh: “Khi cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch bệnh thì ngành giáo dục luôn ở thế bị động tức là nếu nghỉ 1 tháng thì sẽ học bù tháng nào, thi trung học phổ thông quốc gia vào tháng nào chứ không tính đến việc nếu nghỉ cả nửa năm học 2019-2020 thì sẽ bù thế nào.
Ngoài ra, nếu nghỉ 1 tuần thì có thể ôn tập nhưng từ tuần thứ 2 trở đi thì phải có phương án khác để đối phó với dịch bệnh như triển khai học từ xa (dạy qua truyền hình, dạy online).
Nhưng đến nay, học sinh cả nước đã nghỉ học hơn 1 tháng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có ý kiến gì về triển khai phương thức học mới này và có công nhận nó hay không”.
Trước đó, theo bản kiến nghị của đại diện 150 trường, các cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện đang kiệt sức nghiêm trọng và dần mất tính thanh khoản do học sinh phải liên tiếp nghỉ học tránh dịch Covid-19. Nhiều cơ sở đứng trước nguy cơ phải sa thải lao động và đóng cửa, phá sản dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Trước khó khăn này, các cơ sở tư thục mong muốn được miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, cần giải quyết nhanh các thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp cho giáo viên và được xác nhận trường hợp dịch bệnh này là điều kiện bất khả kháng để các nhà trường có căn cứ thương lượng với các đối tác cung cấp sản phẩm, dịch vụ, địa điểm trong thời gian này.
Bên cạnh đó, các trường mong muốn, công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến (online), đồng thời tạo điều kiện tối đa để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy.