Nhiều trường mầm non tư thục đã... giương cờ trắng

18/03/2020 06:29
Vũ Ninh
(GDVN) - Trước sức ép của dịch Covid-19, nhiều chủ trường mầm non tư thục đã phải sang nhượng cơ sở vật chất vì không gánh nổi chi phí.

Theo kế hoạch, nhiều tỉnh/ thành phố sẽ tiếp tục cho học sinh khối mầm non, tiểu học và trung học cơ sở nghỉ học đến hết tháng 3.Thế nhưng, hiện nay mới chỉ hết nửa đầu tháng 3, nhiều trường mầm non tư thục đã không thể trụ nổi.

Cô P., chủ 1 trường mầm non tư thục (huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh) đành phải dứt ruột sang nhượng “đứa con” mà mình đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt.

Trường cô P. đã hoạt động được 4 năm với sĩ số dao động trung bình trên dưới 60 em. Mỗi tháng trường cô P. phải gánh khoản chi phí gần 100 triệu đồng (trong đó có 25 triệu đồng/ tháng tiền thuê mặt bằng). 

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề xuất các biện pháp cứu trường tư thục
Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề xuất các biện pháp cứu trường tư thục

Trong bối cảnh học sinh toàn Thành phố tiếp tục nghỉ học kéo dài, nhà và xe đều đem đi cầm cố, cô P. chỉ còn cách sang nhượng trường với mức giá 250 triệu đồng.

Cô P. tâm sự: “Tôi cũng cố gắng hết mức rồi nhưng chỉ cố được đến đây thôi.

Bây giờ, phải bán ngôi trường đã gầy dựng 4 năm cũng buồn chứ nhưng không biết làm cách nào hết. Tôi cũng đã xoay xở đủ đường rồi. 

Trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay vẫn biết là khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp còn khó khăn hơn giáo dục tư thục nhiều.

Thế nhưng đôi lúc mình cũng cảm thấy tủi thân vì không nhận được sự cảm thông của mọi người”.

Sự cảm thông mà cô P. nhắc đến từ nhiều phía- nhất là đến từ các đơn vị cho thuê mặt bằng.

Cô P. cho biết: “Nhiều người cứ nghĩ làm giáo dục tư thục là nhàn lắm, nhiều tiền lắm. Nhưng 10 đồng chúng tôi thu về thì dùng để trả lương, tái đầu tư 8, 9 đồng. Nếu giáo dục tư thục nhiều tiền vậy thì đợt dịch này chúng tôi đã không lao đao.

Các chủ trường cũng mong được sự động viên của chủ nhà. Nhiều trường tôi thấy các chủ nhà không cắt giảm một đồng tiền thuê nhà nào. 

Trong khi chúng tôi cũng đã đề cập đến phương án bù tiền thuê nhà khi hoạt động trường trở lại”.

Nhiều trường mầm non tư thục không trụ nổi hết tháng 3 (Ảnh:T.H)
Nhiều trường mầm non tư thục không trụ nổi hết tháng 3 (Ảnh:T.H)

May mắn hơn cô P., cô Trần Thị Mai Liên, chủ trường mầm non NewStar (Hà Nội) được chủ nhà giảm hẳn 50% chi phí thuê mặt bằng. 

Cô Liên phấn khởi: “Trong bối cảnh dịch Covid-19, chủ nhà chủ động giảm 50% tiền nhà cho tôi. Sự động viên này là rất kịp thời. 

Cũng có những chủ nhà họ sẵn sàng cho 6 tháng tiền nhà. Nghĩa cử đó thật sự giúp nhiều chủ trường vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Mặc dù đã cầm cự rất tốt trong thời gian qua thế nhưng theo cô Liên: Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, việc sang nhượng trường là không thể tránh khỏi.

Cô Liên bày tỏ: “Nhà trường vẫn cố gắng duy trì trả lương cho giáo viên. Tuy nhiên chúng tôi cũng đã phải cắt giảm bớt nhân sự. 

Với chi phí một tháng phải gánh tương đối lớn. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài qua tháng 4 thì việc trường phá sản là hoàn toàn có khả năng”.

Trên các diễn đàn dành cho các chủ trường mầm non tư thục, tình trạng chủ trường rao bán, sang nhượng trường ngày càng nhiều. 

Tuy nhiên cũng có nhiều trường mạnh dạn chuyển hướng kinh doanh hoặc liên kết với các đơn vị khác. Đáng nói nhiều chủ đầu tư cũng nhân cơ hội này để thu mua các trường giải thể với giá ưu đãi.

Nhiều giáo viên buộc phải nghỉ việc, vất vả mưu sinh (Ảnh:T.H)
Nhiều giáo viên buộc phải nghỉ việc, vất vả mưu sinh (Ảnh:T.H)

Vợ chồng anh Nguyễn Minh Thành, chủ trường mầm non tư thục Hoa Trạng Nguyên (Nam Định) chia sẻ: 

“Từ đầu tháng 2 khi nhận thấy tình hình dịch bệnh có dấu hiệu phức tạp vợ chồng tôi đã cho giáo viên nghỉ và sang nhượng toàn bộ đồ dùng, trang thiết bị học tập…

Về mặt bằng của gia đình thì cho các hộ kinh doanh thuê. Tôi cũng thấy nhiều chủ trường liên kết với các trung tâm khác hoạt động dưới hình thức hội nhóm tương trợ với nhau”.

Theo anh Sơn, trong tình huống này nếu các trường tư thục không tiên lượng được tình hình mà vẫn chờ đợi vào diễn biến của tình hình dịch bệnh thì sẽ rất khó xoay sở.

Anh Thành phân tích: “Tất nhiên mỗi ngôi trường đều là tâm huyết của bản thân mình đầu tư và bỏ công sức vào đấy. 

Tuy nhiên các trường cũng cần tỉnh táo vì phía sau mình là biết bao con người. Tôi thấy nhiều anh chị phải bán cả nhà, bán cả xe để duy trì hoạt động trường lớp. 

Thế nhưng điều này có thật sự cần thiết. Về cơ bản thì đây cũng là một hình thức đầu tư. Nếu đầu tư vào giáo dục không hiệu quả thì chuyển hướng đầu tư các dịch vụ khác”.

Các trường mầm non tư thục đứng trên bờ vực phá sản rất cần sự chia sẻ của cả xã hội (Ảnh:V.N)
Các trường mầm non tư thục đứng trên bờ vực phá sản rất cần sự chia sẻ của cả xã hội (Ảnh:V.N)

Khác với các trường công lập có sự giúp đỡ của Nhà nước, hiện nay các trường tư thục đều đang vật lộn chiến đấu với dịch Covid-19 bằng sức mạnh nội tại.

Dẫu bản thân các chủ trường đều ý thức được rằng tình hình này là khó khăn chung và là một phần của cuộc chơi. Nhưng theo bà Phạm Thị Cúc Hà, giám đốc trung tâm SACE Việt Nam: Các trường tư thục đã đóng góp rất lớn vào ngân sách Nhà nước cũng như vào sự nghiệp giáo dục. Trong bối cảnh hiện nay, những tiếng kêu cứu của họ là hoàn toàn chính đáng và được ghi nhận.

Còn đối với nhiều trường tư thục có quy mô nhỏ lẻ, nhất là các trường mầm non, mặc dù chưa hết tháng 3 nhưng nhiều trường đã giương cờ trắng, chấp nhận phá sản. 

Những tiếng kêu cứu của các chủ trường hy vọng sẽ đến được tai của những người có trách nhiệm.

Vũ Ninh