Thực tế, dạy học trên truyền hình hiện nay chỉ mới có một số địa phương thực hiện; mỗi tỉnh làm một kiểu, mạnh ai nấy làm, thiếu hẳn một “nhạc trưởng” cho chương trình dạy trên truyền hình.
Nếu thực hiện thống nhất trên bình diện cả nước, vừa đỡ chi phí giàn dựng bài dạy, tạo hành lang pháp lý quản lý cho ngành giáo dục; học sinh cả nước đến giờ là cùng học, cùng nghỉ, buộc học sinh phải “đi học”, gia đình dễ quản lý, theo dõi.
Dạy thống nhất cả nước có thực hiện được không?
Hoàn toàn có khả năng thực hiện được, vì cả nước đang chung một sách giáo khoa; tỷ lệ phủ sóng truyền hình đã đạt gần 100% lãnh thổ; tỉnh nào cũng có đài truyền hình địa phương.
Có 91,9% hộ gia đình sử dụng ti vi; 91,7% hộ có sử dụng điện thoại (cố định, di động) hoặc máy tính bảng; 30,7% hộ có sử dụng máy vi tính (bao gồm máy để bàn, laptop) [1].
Như vậy chúng ta chỉ cần 12 kênh truyền hình là dạy học qua truyền hình từ lớp 1 đến lớp 12 giữa mùa dịch Covid-19.
Do học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 còn nhỏ, khả năng tự học qua truyền hình có thể còn hạn chế, vì vậy chỉ cần dạy từ lớp 5 đến lớp 12; như vậy cần 8 kênh truyền hình.
(Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn) |
Những kênh truyền hình nào có thể sử dụng được?
Người viết đề xuất các kênh truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam như VTV2, VTV3, VTV4, VTV5, VTV6, VTV7, VTV8, VTV9. Đây là các kênh truyền hình miễn phí và phát trên toàn bộ phạm vi lãnh thổ; số kênh vừa phù hợp với số lớp cần dạy.
Học sinh chỉ học không quá 5 tiết, nên giờ học phát sóng vào lúc 7 giờ 15, có nghỉ giữa các tiết như học tực tiếp; đúng giờ tất cả học sinh vào học, tạo nề nếp cả nước, buộc học sinh và gia đình có ý thức nhắc học trò học tập.
Sẽ có khó khăn phát sinh khi gia đình không có ti vi; trong cùng một nhà có 2 hay 3 học sinh khác lớp; vấn đề này dễ giải quyết, phụ huynh hay giáo viên chủ nhiệm liên hệ bạn học cùng lớp có ti vi để cùng học.
Một số địa phương cần cúp điện thì làm sao?
Học trực tuyến khác học trên truyền hình thế nào? |
Lãnh đạo địa phương yêu cầu ngành điện lực không được cúp điện trong thời gian phát sóng bài dạy buổi sáng; mọi sửa chữa điện có kế hoạch ngoài giờ học bài của học trò.
Như vậy, chỉ cần thống nhất giữa Đài truyền hình Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy học qua truyền hình toàn quốc, vấn đề học sinh nghỉ học dài hay ngắn không còn lo lắng.
Tuy nhiên khi dành thời lượng phát sóng cho giáo dục, nguồn thu của đài truyền hình sẽ sụt giảm; nếu xét trên bình diện xã hội thì sẽ lợi ích hơn nhiều khi mỗi địa phương mạnh ai nấy làm.
Thời gian nghỉ vì dịch bệnh chưa dự báo trước được, phụ huynh học sinh cần bình tĩnh, nhà nước sẽ có phương án phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích của học trò.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, dành 8 kênh truyền hình quốc gia cho giáo dục trong mùa học sinh nghỉ học Covid-19; thống nhất dạy qua truyền hình toàn quốc là một việc nên làm, cần làm ngay lúc này.
Làm được như thế, sau này nếu có dịch bệnh xảy ra chúng ta cũng không phải quá lo lắng với việc dạy và học như hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
[1]: www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid=2&ItemID=19440