Không muốn lỡ một năm học thì dứt khoát phải chạy đua

23/03/2020 06:25
Đỗ Thơm
(GDVN) - “Không công nhận kết quả dạy và học trực tuyến thì có thể phải lùi cả năm học nếu dịch Covid-19 kéo dài”, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lại vừa tiếp tục điều chỉnh các mốc thời gian của năm học 2019-2020.

Theo đó, kết thúc học kỳ I trước ngày 20/1, hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ II trước ngày 11/7 và kết thúc năm học trước ngày 15/7; Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 31/7; Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8.

Dư luận băn khoăn, nếu sau 5/4, học sinh cả nước vẫn phải nghỉ tránh dịch Covid-19 thì các mốc thời gian trên có đảm bảo hay không.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh. Ảnh: Đỗ Thơm
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh. Ảnh: Đỗ Thơm

Và một trong những động thái tích cực để đảm bảo việc dạy và học có thể kịp tiến độ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ công nhận kết quả dạy và học trực tuyến.

Trước đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã nhiều lần gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa (bao gồm dạy học trực tuyến, qua truyền hình) và công nhận kết quả học tập của các trường triển khai nghiêm túc.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh: “Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về vấn đề này, đây là một trong những công việc phải giải quyết liên quan đến việc phòng chống Covid-19.

Cá nhân tôi cho rằng, các địa phương, các trường nếu không dạy học qua truyền hình, dạy online thì không có việc nào khả dĩ hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải tính toán, có hướng dẫn và đánh giá phù hợp để công nhận kết quả dạy và học trên.

Chưa ai biết chính xác khi nào học sinh cả nước có thể quay trở lại trường, nếu lại phải tiếp tục nghỉ thêm nhiều tuần nữa thì khung thời gian có còn đủ để giảng dạy toàn bộ trên lớp không?

Không công nhận kết quả dạy và học trực tuyến thì có thể phải lùi cả năm học chứ không chỉ 1,2 tháng”.

Bộ Giáo dục sẽ công nhận kết quả học trực tuyến, truyền hình
Bộ Giáo dục sẽ công nhận kết quả học trực tuyến, truyền hình

Thực tế đến nay chúng ta chưa có quy định cụ thể về việc dạy học trực tuyến, trên truyền hình với các yêu cầu về tài liệu ra sao, hạ tầng cần đáp ứng như thế nào, người học, người dạy cần chuẩn bị những gì… để đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Dịch bệnh xảy ra còn cho thấy, với hình thức học từ xa ở bậc học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bị động như thế nào.

Vì thế, về lâu dài, việc dạy học từ xa phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa.

“Cá nhân tôi ủng hộ việc công nhận này, quan trọng là đảm bảo chất lượng. Bộ Giáo dục phải hướng dẫn thống nhất trên cả nước để thực hiện đồng bộ.

Khung chương trình, kế hoạch năm học là chung rồi, giờ là vấn đề phân phối thời gian của các địa phương. Bởi có địa phương đã triển khai việc dạy học trên truyền hình, dạy online nhưng có địa phương thì có thể còn chưa làm gì cả.

Các địa phương, các khối lớp, các trường phải rất chủ động để làm sao triển khai đảm bảo kiến thức cơ bản cho học sinh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh nhiều nơi đã nghỉ gần hết thời gian trống trong năm học thì chúng ta phải chấp nhận”, Đại biểu Sinh chia sẻ.

Theo Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh: “Không muốn lỡ một năm học thì dứt khoát phải chạy đua. Ít nhất, phải gom được các kiến thức cơ bản, học sinh tiếp thu và qua được các bài kiểm tra đánh giá.

Khi dịch hết, việc học trở lại bình thường thì các trường, giáo viên cần tăng tốc hơn đến giúp cháu nào còn hạn chế chưa nắm được kiến thức qua dạy học trực tuyến tốt thì phải hỗ trợ nhiều hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, cách tiếp cận trên là phù hợp và tối ưu nhất, không có cách nào tốt hơn”.

Bản thân đại biểu chia sẻ, ông cũng rất lo lắng cho các cháu trong gia đình.

Lịch sinh hoạt của chúng đảo lộn hoàn toàn. Trước, trẻ 6h-7h sáng đến lớp, chiều 4h-5h về, trẻ có nhiều hoạt động học tập, vận động ở trường.

Trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, giờ nghỉ tránh dịch Covid-19, nhiều trẻ ngủ nướng đến 8h, việc học cũng phải thúc ép rất nhiều. Điều đó là rất đáng lo với trẻ.

Đỗ Thơm