Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút triển khai giảm tải chương trình hiện hành của bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, trong đó có môn Ngữ văn.
Giảm tải chương trình trong mùa dịch Covid-19 rất cần thiết cho học sinh lớp 9 và 12, bởi các em phải thi tuyển sinh vào 10 và thi trung học phổ thông quốc gia – những kì thi quan trọng quyết định một phần thành bại của đời người.
Bộ yêu cầu tiểu ban (của từng môn học) rà soát, tinh giản nội dung dạy học cần thực hiện theo các nguyên tắc sau:
Đảm bảo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo qui định của Luật Giáo dục; Đảm bảo tính lôgic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các môn học;
Thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục; Đảm bảo tinh giản nội dung dạy học phù hợp với việc điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường trong năm học 2019 – 2020 do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Trên tinh thần đó, chúng tôi xin phép đề xuất giảm tải một số bài học của chương trình Ngữ văn lớp 9 và 12 ở học kì 2 như sau.
Công văn tinh giản nội dung bài học ở bậc phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. |
Chương trình Ngữ văn 9
Phần văn bản văn học:
Chuyển những văn bản sau sang phần đọc thêm: Tiếng nói của văn nghệ - Nguyễn Đình Thi; Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – Vũ Khoan;
Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La-phong-ten – H. Ten; Mây và sóng – R. Ta-go; Bến quê – Nguyễn Minh Châu; Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang – Đ. Đi-phô;
Bố của Xi-mông – G. Mô-pa-xăng; Con chó Bấc – J. Lân-đơn; Bắc Sơn – Nguyễn Huy Tưởng; Tôi và chúng ta – Lưu Quang Vũ.
Lí do, một số tác phẩm trên quá sức với trình độ của học sinh lớp 9 (15 tuổi); tác phẩm ít có giá trị nghệ thuật; tác phẩm văn học nước ngoài không đưa vào nội dung thi tuyển sinh 9 vào 10 theo định.
Một số bài học khác:
Giảm tải một số bài như: Tổng kết phần văn bản nhật dụng; Kiểm tra về thơ; Chương trình địa phương (phần tiếng Việt); Luyện nói: Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ; Chương trình địa phương (phần tập làm văn);
Tổng kết về ngữ pháp; Kiểm tra về truyện; Kiểm tra phần tiếng Việt; Tổng kết phần văn học nước ngoài; Thư (điện) chúc mừng và thăm hỏi.
Lí do, những bài học này chưa thực sự cần thiết với học sinh lớp 9 và không liên quan đến nội dung kiểm tra cũng như thi tuyển sinh.
Chương trình Ngữ văn 12
Nên tinh giản kiến thức ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh 10 |
Phần văn bản văn học:
Chuyển những văn bản sau sang phần đọc thêm: Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi; Thuốc – Lỗ Tấn; Ông già và biển cả - Hê-min-guê; Số phận con người – Sô-lô-khốp; Nhìn về vốn văn hoá dân tộc – Trần Đình Hượu.
Lí do, có tác phẩm trùng với phần đọc thêm của chương trình Giáo dục thường xuyên; tác phẩm văn học nước ngoài không có trong nội dung ôn thi trung học phổ thông quốc gia; tác phẩm ít giá trị nghệ thuật.
Một số bài học khác:
Giảm tải một số bài như: Nhân vật giao tiếp; Thực hành về hàm ý; Phát biểu tự do; Văn bản tổng kết; Tổng kết phần tiếng Việt.
Lí do, những bài học này tản mác, rời rạc, không ăn nhập với nội dung của chương trình học và không liên quan đến kiến thức thi trung học phổ thông quốc gia.
Một số đề xuất khác
Đối với chương trình Ngữ văn lớp 9, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ nên ra đề tuyển sinh giới hạn ở nội dung kiến thức học kì 1.
Với chương trình Ngữ văn lớp 12, Bộ cũng nên giới hạn phạm vi kiến thức của học kì 1 và một phần của học kì 2.
Cụ thể, học kì 2 nên có thêm 2 tác phẩm Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài và Vợ nhặt – Kim Lân, vì hầu hết học sinh đã được học ở trên lớp theo phân phối của khung chương trình năm học.
Hơn nữa, hai tác phẩm này có nhiều giá trị về nội dung và nghệ thuật, có thể ra nhiều dạng đề khác nhau để đánh giá năng lực của học sinh cuối cấp, phục vụ cho việc xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường đại học chuyên ngành hoặc có xét môn Ngữ văn theo tổ hợp.
Ngoài ra, Sở, Bộ không nên ra những bài học, nội dung đã được dạy online (trực tuyến) hoặc dạy trên truyền hình bởi những lí do như sau.
Thứ nhất, việc dạy và học online chưa đồng bộ về phương tiện, trang thiết bị dạy học; cách thức tổ chức, giám sát và điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình học sinh cũng khác nhau dẫn đến chưa đảm bảo về chất lượng.
Thứ hai, học sinh học tập qua online, truyền hình khó tương tác hai chiều với giáo viên, dẫn đến việc tiếp thu bài hạn chế.
Chưa kể, nhiều em học đối phó, thậm chí bỏ bê việc học vì không phải làm bài kiểm tra định kì như ở lớp, cũng khiến giáo viên khó đánh giá về mức độ tiếp thu bài thế nào để điều chỉnh bài dạy cho hợp lí.
Học sinh đang gặp khó với môn Ngữ văn ở kì thi quốc gia! |
Thứ ba, với học sinh ở thành phố hoặc những vùng có điều kiện về kinh tế thì việc học online khá đơn giản.
Nhưng các em ở miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo hoặc những gia đình khó khăn (hộ nghèo, cận nghèo), gặp thiên tai (tình trạng hạn hán, nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long)… sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều khi buộc phải học theo hình thức trực tuyến.
Thứ tư, thời gian nghỉ học của từng địa phương cũng hoàn toàn khác nhau.
Nhiều tỉnh, học sinh được học kiến thức ở một số tuần của tháng 2, 3 nhưng một số tỉnh nghỉ dạy đến thượng tuần, trung tuần tháng 4 (thậm chí chưa xác định ngày mở trường trờ lại) như tỉnh Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, thì rõ ràng các em mất công bằng trong việc tiếp thu kiến thức so với các bạn được dạy ở lớp.
Thứ năm, giả sử học sinh được học bù sau khi đi học trở lại thì cũng khó tránh khỏi việc dạy dồn ép chương trình cho kịp với khung thời gian (kết thúc năm học và thi trung học phổ thông quốc gia) của Bộ đã được ấn định sẵn, nên các em sẽ quá tải trong việc học.
Vì những lí do đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo không đưa kiến thức trong thời gian dạy online vào đề thi.
Những kiến thức này chỉ cần được công nhận từ việc dạy học online là đủ.
Như thế, việc giảm tải chương trình sẽ giúp giáo viên thuận tiện hơn rất nhiều trong việc dạy học online và hoàn toàn không ảnh hưởng đến học sinh ở kì thi tuyển sinh vào 10, thi trung học phổ thông quốc gia trong thời gian tới.