Dạy học truyền hình thống nhất chung cả nước có ưu điểm gì?
Đến thời điểm này, nhiều địa phương trên cả nước đã tiến hành dạy học qua truyền hình nhằm bổ trợ kiến thức cho học sinh trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19.
Một số tỉnh thành cũng đã triển khai dạy bài mới của chương trình học kì 2 giúp học sinh không bị gián đoạn kiến thức để thi tuyển sinh vào 10 và thi trung học phổ thông quốc gia vào thời gian tới.
Và cũng đã có nhiều địa phương triển khai dạy qua truyền hình cho học sinh từ bậc tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông.
Có ý kiến cho rằng, dạy học qua truyền hình nên thống nhất trong cả nước là một giải pháp phù hợp với tình hình hiện nay.
Bởi khi mỗi tỉnh thực hiện một kiểu, mạnh ai nấy làm thì sẽ thiếu đồng bộ vì không có một người chỉ huy chung cho chương trình dạy trên truyền hình.
Dạy học trên truyền hình ở mỗi địa phương cũng có những ưu điểm. (Ảnh minh hoạ: VTV) |
Cùng với đó, nếu dạy học trên truyền hình được triển khai cho cả nước thì sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí cho việc dàn dựng chương trình.
Bên cạnh đó, việc thực hiện dạy học đồng bộ như thế này cũng giúp ngành giáo dục dễ quản lí, giám sát nội dung chương trình học.
Ngoài ra, giờ dạy được thực hiện cố định còn giúp học sinh có thời gian biểu học tập ổn định và gia đình dễ theo dõi, nhắc nhở, quản lí việc học tập của con em.
Mỗi tỉnh đều dạy học qua truyền hình là hợp lí
Thế nhưng, thống nhất dạy học qua truyền hình chung cả nước cũng chưa phải là phương án khả thi nhất vì còn đó những bất cập nhất định.
Thứ nhất, thời gian học sinh các tỉnh thành nghỉ học khác nhau ở thời điểm tháng 2, 3 và kể cả tháng 4, kéo theo chương trình học cũng không giống nhau.
Cho nên, khi mới bắt đầu dạy học qua truyền hình, có tỉnh chỉ đơn thuần ôn tập, hệ thống lại kiến thức cho học sinh – đây là những tỉnh cho học sinh đi học lại vào một số tuần của tháng 2, 3.
Cũng có địa phương dạy luôn chương trình học kì 2 để khỏi trễ tiến độ so với khung chương trình của Bộ (đã thay đổi) – như Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện từ ngày 23/3.
Bộ Giáo dục sẽ công nhận kết quả học trực tuyến, truyền hình |
Thứ hai, khi nhiều địa phương dạy học qua truyền hình thì học sinh cũng có quyền lựa chọn cho mình thầy cô dạy phù hợp nhất.
Dẫu biết rằng, giáo viên dạy trên truyền hình đa phần là những thầy cô dạy giỏi, giàu kinh nghiệm, được lựa chọn kĩ càng.
Thế nhưng, một giáo viên thì khó có thể dạy phù hợp cho mọi đối tượng vì lực học của học sinh là khác nhau.
Thứ ba, trình độ học tập của học sinh các tỉnh thành cũng cách biệt nhau, các em ở thành phố sẽ khá hơn so với tỉnh lẻ hoặc những vùng sâu, vùng xa.
Vì vậy, cùng một đơn vị kiến thức và chương trình học nhưng giáo viên ở thành phố sẽ dạy sâu, rộng hơn so với các vùng khác.
Chẳng hạn như, bài giảng “Vợ nhặt” (Kim Lân) trên sóng truyền hình Hà Nội do cô Nguyễn Hương Thủy giảng là sâu rộng, phù hợp với học sinh Hà Nội và những tỉnh lân cận.
Nhưng học sinh những tỉnh miền núi phía Bắc thì chưa cần đầu tư công phu như thế bởi học sinh vùng này chỉ cần nắm những kiến thức cơ bản, vì lực học yếu hơn.
Thứ tư, học sinh lớp 9 mỗi tỉnh thành làm bài thi tuyển sinh vào 10 với cấu trúc đề khác nhau. Và khi dạy trên truyền hình địa phương, giáo viên sẽ giúp học sinh ôn tập đúng cấu trúc của từng Sở.
Ví dụ, đề thi Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều khác biệt, điều này có ảnh hưởng lớn trong cách dạy và học.
Hoặc đề thi Toán của Thành phố Hồ Chí Minh những năm qua đều có những bài toán thực tế nhằm phân loại học sinh, nhưng nhiều tỉnh thành ở phía Nam thì không có dạng đề này.
Thứ năm, nếu dạy trên truyền hình đồng bộ thì học sinh một số tỉnh thành cũng khó theo giỏi giáo viên giảng bài vì các em có thể chưa quen giọng nói của thầy cô.
Chúng tôi nhiều năm dạy học ở Thành phố Hồ Chí Minh có học sinh vùng Tây Nam bộ lên học.
Một số học sinh nói rằng, khi xem thời sự của Đài truyền hình Việt Nam gặp những phát thanh viên nói nhanh thì các em không nghe hết được.
Thứ sáu, mỗi địa phương đều thực hiện dạy học qua đài truyền hình cũng giúp giáo viên có điều kiện thể hiện tài năng của mình cho nhiều đồng nghiệp học hỏi.
Có thể nói, đây là dịp hiếm hoi giáo viên của địa phương có thể học hỏi thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp để nâng cao tay nghề.
Cùng với đó, giáo viên cả nước cũng có điều kiện học hỏi lẫn nhau qua bài giảng trên đài truyền hình tỉnh bạn.
Thứ bảy, các bài giảng trên đài truyền hình đều có thể lưu trữ làm học liệu, để làm tài liệu tham khảo cho Bộ giáo dục, Sở giáo dục những năm về sau.
Như thế, sau một học kì, các cơ sở giáo dục sẽ tích lũy được ngân hàng video bài giảng phong phú.
Tuy nhiên, việc dạy học qua truyền hình cũng có những nhược điểm nhất định như thiếu tương tác với học sinh, bài giảng thực hiện đại trà cùng một lúc cho nhiều đối tượng có lực học khác nhau… nên phải kết hợp với dạy online thì mới mang lại hiệu quả thiết thực.
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/day-hoc-qua-truyen-hinh-nen-thong-nhat-ca-nuoc-post207945.gd
[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-truc-tuyen-khac-hoc-tren-truyen-hinh-the-nao-post207938.gd