Giáo viên đã chuyển ngạch sang hạng vẫn phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

26/03/2020 06:27
Phan Tuyết
(GDVN) - Sao lại không thể “xóa nợ” cho những thầy cô giáo chỉ còn nhiều nhất 1/3 thời gian công tác? Sao không thể đặc cách để những thầy cô ấy bớt đi gánh nặng...

Giáo viên khi được chuyển từ ngạch sang hạng mà còn “nợ” một số điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định (trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) thì vẫn phải bổ sung.

TS. Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, BộGiáo dục và Đào tạo (Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại).
 TS. Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, BộGiáo dục và Đào tạo (Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại).

Đó là lời khẳng định của Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo:

“Cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của Chức danh nghề nghiệp giáo viên được bổ nhiệm”.

Vậy là, trong thời gian sắp tới sẽ có hàng nghìn giáo viên phải bổ sung chứng chỉ chức danh nghề nghiệp do trước đây khi chuyển ngạch sang hạng họ vẫn còn thiếu chứng chỉ này.

Giáo viên lo lắng, hoang mang đăng ký đi học lấy chứng chỉ

Những giáo viên đã được chuyển từ ngạch sang hạng và còn “nợ” chứng chỉ nghề nghiệp phần đông là những thầy cô đã có gần hai chục năm đứng lớp, thậm chí có người còn hơn 30 năm.

Nay, theo quy định họ vẫn phải học để bổ sung chứng chỉ nghề nghiệp còn thiếu có thật sự hợp lý không?

Không ít Ban giám hiệu nhà trường đã dựa vào điều này để buộc giáo viên phải đi học. Có hiệu trưởng nói: “Nếu thầy cô nào không bổ sung đủ chứng chỉ thì năm 2021 sẽ phải xuống hạng”.

Giáo viên đã chuyển ngạch sang hạng vẫn phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ảnh 2
Xét thăng hạng có lợi cho giáo viên, thi thăng hạng lại có lợi cho nhà quản lý?

Thế là, nhiều thầy cô giáo đã lo lắng, hoang mang và việc ồ ạt xin đăng ký đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

Nội dung học chứng chỉ có gì mới?

Chương trình học chứng chỉ nghề nghiệp được giới thiệu gồm có 03 phần:

– Phần I: Kiến thức về chính trị, quản lý Nhà nước và những kỹ năng chung (bao gồm 4 chuyên đề).

– Phần II: Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp (bao gồm 6 chuyên đề).

– Phần III: Tìm hiểu môi trường thực tế và viết thu hoạch.

Nói một cách công bằng, những nội dung này thầy cô đã được học trong chương trình đại học, cao đẳng.

Nay, yêu cầu giáo viên đi học để cấp chứng chỉ có phải là hình thức? Và, quy định học như vậy để thu tiền một cách hợp pháp?

Trong thực tế, để có được chứng chỉ nghề nghiệp trong tay, nhiều thầy cô giáo đã phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ. Có địa phương giáo viên phải nộp 2.900.000đ, địa phương thu 3.300.000đ thậm chí có nơi số tiền phải bỏ ra là 4.500.000đ…

Sao không thể đặc cách cho những thầy cô giáo đã chuyển ngạch?

Giáo viên đã chuyển ngạch sang hạng vẫn phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ảnh 3
4 năm học sư phạm lẽ nào lại cần thêm chứng chỉ nghề chỉ học vài ngày?

Luật Viên chức năm 2010 quy định việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc:

“làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó” và “người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó”.

Năm 2016, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Nội vụ đã ban hành các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên (các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV).

Theo đó, giáo viên mỗi cấp học phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Vì vậy, việc “đòi nợ” giáo viên đã chuyển từ ngạch qua hạng phải có những chỉ chức danh nghề nghiệp về nguyên tắc là đúng với quy định, đúng với tinh thần của Luật Viên chức 2010.

Vấn đề được đặt ra “Tại sao lại không thể “xóa nợ” cho những thầy cô giáo chỉ còn nhiều nhất 1/3 thời gian công tác? Sao không thể đặc cách để những thầy cô ấy bớt đi gánh nặng về chứng chỉ để họ chuyên tâm vào công việc giảng dạy?

Tài liệu tham khảo:

https://giaoducthoidai.vn/hieu-dung-ve-boi-duong-giao-vien-theo-tieu-chuan-chuc-danh-nghe-nghiep-3803964.html

Phan Tuyết