Phát biểu tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với 63 Sở Giáo dục và Đào tạo về tăng cường các biện pháp phòng chống Covid-19 và hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian học sinh không thể đến trường vì dịch Covid-19 diễn ra ngày 25/3, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh:
Toàn ngành Giáo dục cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm phòng chống dịch Covid-19 khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp cả trong nước và quốc tế. Các cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh, sinh viên cần tham gia khai báo y tế đầy đủ để góp phần kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Ngành giáo dục các địa phương cần xây dựng kế hoạch tổng thể, có các kịch bản về phòng chống dịch; chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, đội ngũ y tế, tăng cường phun thuốc khử khuẩn trường lớp, tẩy trùng trang thiết bị dạy học. Tinh thần là cố gắng tối đa không để dịch bệnh lây lan trong trường học.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao việc các Sở Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất và tích cực cùng nhau xây dựng hệ thống bài giảng cho các môn học của các khối lớp. (Ảnh: moet.gov.vn) |
“Trong giai đoạn học sinh không thể đến trường vì dịch Covid-19, các nhà trường, giáo viên vẫn có trách nhiệm tổ chức dạy học bằng nhiều hình thức khác nhau cho học sinh.
Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi và nhu cầu được học tập của các em, đảm bảo việc hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình. Trong các hình thức dạy học khác này, dạy học trên internet, truyền hình, là giải pháp tình thế cần áp dụng rộng rãi”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Sinh viên chỉ được đánh giá kết thúc môn khi đã học đủ khối lượng học phần |
Thứ trưởng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ, giúp việc tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của các nhà trường, giáo viên, học sinh được thuận lợi.
Ví dụ như phối hợp với các đài truyền hình để tăng số lượng kênh phát sóng, tăng thời lượng pháp sóng các chương trình dạy học. Các bài giảng ngoài phát sóng trên truyền hình sẽ được đăng tải trên các nền tảng số khác, để đảm bảo học sinh có thể học lại và lĩnh hội được đầy đủ được kiến thức.
Đối với việc dạy học trên truyền hình, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường thực hiện kết hợp với hỗ trợ trực tiếp học sinh để kiểm soát được việc học tập của các em cũng như đánh giá khả năng tiếp thu của người học.
Theo đó, giáo viên thông báo lịch phát sóng cho học sinh, phối hợp với gia đình tổ chức cho các em học tập. Các thầy cô cần xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng dẫn học sinh học theo bài, biên soạn các bài tập, giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện sau giờ học trên truyền hình.
Khi học sinh đi học trở lại, tất cả các nhà trường phải dành thời lượng thích đáng để bổ trợ kiến thức đã dạy trên truyền hình cho các em, nhằm đảm bảo mọi học sinh đều lĩnh hội được đầy đủ nội dung cốt lõi theo yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.
Bộ Giáo dục sẽ sớm quyết tinh giản nội dung dạy học, dạy online, truyền hình |
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao việc các Sở Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất và tích cực cùng nhau xây dựng hệ thống bài giảng cho các môn học của các khối lớp.
“Trong tuần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình cho học sinh. Đối với tinh giản chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt cố gắng giảm từ 5-7 tuần so với chương trình hiện nay.
Tuy nhiên, việc tinh giản không thực hiện cơ học và phải đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.
Đề thi trung học phổ thông quốc gia sẽ dựa trên chương trình giảm tải.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng đề thi tham khảo để học sinh, giáo viên thuận lợi trong ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi sẽ diễn ra vào tháng 8 tới đây”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.