Cảnh cùng cực của cháu bé trong clip “Bác sĩ và đồng tiền"

20/11/2011 06:52
Theo Pháp luật và thời đại
Khi tìm hiểu kỹ sự việc sau khi clip cháu bé quằn quại vì đau ruột thừa mà bác sĩ còn đòi thẻ bảo hiểm, mới thấy càng xúc động hơn về cảnh nghèo.
Những ngày qua, hàng triệu bạn đọc đã xúc động khi chứng kiến cảnh trong một clip được tung lên mạng, một cháu bé chưa đầy 10 tuổi quằn quại đau ruột thừa trước cửa bệnh viện Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi) mà y bác sĩ còn đòi trình thẻ bảo hiểm. Tìm hiểu sự việc, càng xúc động hơn khi tận mắt thấy cảnh nghèo khổ trong ngôi nhà cháu bé đau sắp chết mới chạy khắp xóm xin tiền nhập viện.

“Nghèo rớt mồng tơi”

Căn nhà cấp 4 của cháu Lương Thị Kim Thúy (9 tuổi, cháu bé bị đau ruột thừa vỡ mủ trong clip “Bác sĩ và đồng tiền” xuất hiện trên mạng ngày 22/10 vừa qua) ọp ẹp, nằm thoi loi ở thôn Tân Mỹ (xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ) dưới chân một ngọn núi cao. Căn nhà chật chội nhưng là nơi chen chúc “trú mưa trú nắng” của 10 người: 8 chị em gái và cha mẹ. Thấy khách đến nhà, dù mặt vẫn nhăn nhó vì mới trở về nhà sau ca mổ thập tử nhất sinh nhưng cô bé vẫn gượng cười chào khách lạ.

Bé Thúy đã dần bình phục sau phẫu thuật
Bé Thúy đã dần bình phục sau phẫu thuật
Bên chiếc bàn nước cáu bẩn, ông Lương Văn Thanh, bố bé gái trầm ngâm không nói. Gương mặt ông đờ đẫn sau mấy đêm liền thức trắng trông con ở Bệnh viên  đa khoa tỉnh. Bên giường, bà mẹ thì nhiều năm nay vẫn nửa tỉnh nửa mê sau một lần bị quả dừa từ trên cây rơi trúng đầu, suốt ngày ngồi co ro một góc. Gia đình ông Thanh là diện hộ nghèo ở xã.

Người vợ ngơ ngơ cộng với gánh nặng 8 đứa con “sinh một lèo” đã khiến cái đói nghèo đeo bám suốt nhiều năm nay. Nghe đâu, phía nhà ông có người ở nước ngoài trước đây vẫn thường xuyên “viện trợ” nhưng mấy năm gần đây, có lẽ do thấy ông Thanh chán cảnh vợ con sinh ra ăn nhậu bét nhè nên họ đã “thắt chặt hầu bao”, cảnh nghèo càng nghèo thêm.

Người cha nhớ lại, hôm ấy bạn nhậu của mình là ông Huỳnh Tấn Cảm (ngụ tổ dân phố 6, thị trấn Đức Phổ) lâu ngày ghé chơi. Tay bắt mặt mừng xong xuôi, để đãi khách, ông móc túi còn được bảy nghìn đồng cuối cùng sai con đi mua rượu về cho “hai đệ tử lưu linh” hàn huyên.

Hai người đang “chén chú chén anh” chừng được bốn ly mắt trâu thì bé Thúy ôm bụng vật vã, đau đến xanh tái mặt mày. Trước đó hai hôm, cô bé đã đau bụng dữ dội, nghĩ là chỉ đau bụng bình thường nên chỉ mua vài liều thuốc về nhà uống.

“Tôi lục tung khắp nhà kiếm tiền nhưng không có đồng nào, đành nhờ ông Cảm chở hộ con gái và chị nó lên bệnh viện huyện trước, còn tôi lo chạy vạy vay mượn ít tiền để lo viện phí, thuốc men cho con rồi chạy lên sau”, người cha tủi nhục kể lại. Khi tay xách nách mang đến bệnh viện, chưa biết mô tê gì thì thấy con mình đã nằm trên xe cấp cứu. Ông liền vứt vội cái xe đạp giữa sân, nhảy lên theo xe đưa con ra bệnh viện tỉnh.

Người cha không thể cầm được nước mắt khi nhớ lại chuyện đi mượn tiền cứu con. “Tui loay hoay, đắn đo mãi không biết mượn ai vì nổi tiếng nghèo nhất xóm, chắc gì người ta cho mình mượn. Nhưng phải có tiền mới lo liệu thuốc thang cho con được, thế là tui đánh liều chạy lên nhà người quen, cũng là người tui đã từng phụ giúp công việc cho họ.

Trình bày hoàn cảnh con đau phải nhập viện xin mượn ít tiền thì được họ cho 200 ngàn đồng. Biết không thấm tháp vào đâu nhưng thôi thì cũng có chút đỉnh lận lưng, tui liền chạy ù đến bệnh viện”.

“Anh hùng” hóa “tội đồ”


Trong clip gây xôn xao dư luận, người ta còn thấy xuất hiện hình ảnh một người đàn ông khác tự xưng là cha bé Thúy quát mắng nhân viên bệnh viện, đó là ông Huỳnh Tấn Cảm, bạn nhậu của cha bé gái đã đưa Thúy tới bệnh viện trong khi bạn mình đang đi tìm tiền. Căn nhà ông gần nhà bé Thúy trống hoác trống hơ, không một bóng người.

Ông Nguyễn Văn Dũng,Tổ trưởng tổ dân phố 6 nơi ông Cẩm sinh sống cho biết, sau khi clip có hình ông Cẩm được tung lên mạng, nhiều người cho rằng: “Thằng chả uống rượu vào gây náo loạn bệnh viện khiến có nhiều người hiểu nhầm là bác sĩ sách nhiễu bệnh nhân, gây ảnh hưởng đến bệnh viện; lại vô cớ om sòm la lối, nhận con vớ vẩn”.

Thế nhưng một người thân của ông Cảm thanh minh, vì là bạn với cha bé Thúy, lại trực tiếp đưa cháu bé đến bệnh viện, chứng kiến sự đau đớn của cháu bé thì “đặt vào trường hợp của ông, ai cũng nhận cháu là con thôi, để bác sĩ biết là có người nhà mà yên tâm cứu chữa”.

Liên lạc qua điện thoại với ông Cảm được biết lúc đưa Thúy đến bệnh viện, thấy cháu mình lê lết trong cơn đau mà không được bác sĩ chuyển lên tuyến trên, hết tiền nên ông đánh liều dắt chiếc xe gắn máy ra cổng bệnh viện cầm cố. Khổ nỗi chiếc xe đã không có giấy tờ lại nát bươm nên chẳng ai dại gì bỏ tiền ra cho ông. “Có người còn bảo xe tôi như đống sắt vụn, còn thua đống sắt vì không có giấy tờ nên tôi phải quay về viện”, giọng ông Cảm qua điện thoại vẫn nghe nghẹn nghẹn.

Lúc bé Thúy và cha lên xe cấp cứu để chuyển lên bệnh viện tỉnh, ông Cảm đứng lại một mình rồi đến quầy thu viện phí “làm le” hỏi cô y tá tiền xét nghiệm hết bao nhiêu để thanh toán. Móc hết túi này đến túi khác, ông Cảm cũng chỉ có được hơn 30 ngàn đồng. Thiếu tiền, chợt thấy ông Dũng đi đến, ông Cảm liền hỏi xin thêm 7 ngàn đồng để đủ 42 ngàn nộp cho bệnh viện rồi lủi thủi ra về. “Trách ông ấy thì kể ra cũng tội”, ông Dũng nói.

“Tất cả đều thua cuộc”  


Hậu clip “Bác sĩ và đồng tiền”, ai cũng mang tiếng và muốn giành lẽ phải về mình. Các bác sĩ cho rằng khi xác định bệnh nhân bị vỡ ruột thừa, họ muốn đợi để người nhà có đủ giấy tờ, thẻ bảo hiểm và nhất là có bố của bé đến mới chuyển đi. Điều này vừa là quy định, vừa do các bác sĩ muốn tạo điều kiện, sẵn xe cấp cứu đưa luôn một lượt ra viện tỉnh để người nhà đỡ tốn kém do đường xa hàng chục km từ huyện tới thành phố Quảng Ngãi.

Trong khi đó, người cha thì nghèo khó không có một xu trong nhà nên phải chạy vạy vay tiền. Người bạn của cha đưa cháu đến viện chưa hiểu vấn đề thì bức xúc “quậy tưng”.

Chàng sinh viên Phạm Duy Hòa (SN 1990, Khoa công nghệ thông tin, trường Đại học Phạm Văn Đồng, tỉnh Quảng Ngãi), người quay lại clip và tung lên mạng thì hết bức xúc này lại đến bức xúc khác. Cậu cho rằng: “Tôi rất giận khi lãnh đạo bệnh viện nói đây là một clip bôi xấu.

Tôi khẳng định chỉ tình cờ đến bệnh viện thăm người nhà, thấy một bé gái đau đớn, trong khi cô y tá nói thẻ bảo hiểm hết hạn và yêu cầu người nhà nộp viện phí. Trong giờ trực mà y bác sĩ vẫn cười đùa, vô tư hút thuốc mặc cho em bé ôm bụng đau đớn ngoài hành lang là điều không thể chấp nhận được”.

Bé Thúy đã may mắn qua cơn nguy kịch và xuất viện về nhà nhưng câu chuyện chưa chấm dứt. Người dân ở huyện Đức Phổ sau 10 ngày vẫn còn nhắc đến sự việc dù vẫn chẳng “gút” được vấn đề. Một người dân trả lời trầm tư: “Ai cũng có lỗi, giá như bác sĩ tận tụy hơn, người nhà bớt bức xúc hơn thì đã không xảy ra sự việc đáng tiếc. Trong sự việc này, tất cả đều thua cuộc, mà một phần vì cái đói nghèo mà ra nông nỗi”.

Ngày 23/10, trên một mạng xã hội xuất hiện clip “Bác sĩ và đồng tiền” thời lượng hơn 4 phút, ghi hình ảnh một bé gái ôm bụng đau đớn vì viêm ruột thừa tại một bệnh viện được chú thích là bệnh viện Đặng Thùy Trâm. Cạnh bên bệnh nhân là người đàn ông tự xưng là cha, cự cãi với với y bác sĩ khi được yêu cầu lấy thẻ bảo hiểm mới vì thẻ cũ đã hết hạn sử dụng. Ông tỏ ra rất lo lắng và liên tục quát to vào phía trong phòng cấp cứu để giục những bác sĩ nhanh chóng điều xe đưa cô bé lên bệnh viện tuyến trên mổ trước khi ruột thừa bị vỡ.

Sau một hồi, một cô gái mặc áo blue trắng từ trong bước ra nói với chị bé gái chạy về lấy thẻ bảo hiểm mới để hoàn chỉnh thủ tục chuyển viện. Người đàn ông này đáp lại: “Để tôi lo…” thì đã nhận ngay được câu trả lời từ cô gái: “Lo thì chú vào chú thanh toán bảo hiểm đi cho con, bảo hiểm đang hết hạn”. Người đàn ông: “Nhà chúc ở gần đây, mai sẽ lên sau giờ cần phải có xe để đưa bé đi bệnh viện gấp. Con nó đau như vậy. Tiền bạc quan trong gì đâu mà dữ vậy?”


Theo Pháp luật và thời đại