Chiến đấu cơ “khủng” của Không quân Iran

08/11/2011 21:06
Theo VnMedia
Dù gặp rất nhiều khó khăn vì lệnh cấm vận của Mỹ và Phương Tây, Iran vẫn duy trì được lực lượng không quân khá đông đảo, hùng hậu.
Dù gặp rất nhiều khó khăn vì lệnh cấm vận của Mỹ và Phương Tây, Iran vẫn duy trì được lực lượng không quân khá đông đảo, hùng hậu.

Dưới đây là một số chiến đấu cơ hiện đại nhất của Iran:

F-14A Tomcat
Máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không F-14A của Iran.
Máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không F-14A của Iran.
F-14 là chiến đấu cơ cánh cụp cánh xòe do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) thiết kế cho nhiệm vụ chiến đấu chiếm ưu thế trên không, đánh chặn, trinh sát.

Không quân Iran nhận được 79 chiếc F-14A trong giai đoạn 1974-1979 dưới thời của Vua Shah Mohammad Reza Pahlavi trị vì. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran 1979 nổ ra dẫn tới sự ra đời của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Từ đó, mối quan hệ Iran – Mỹ xấu đi, phía Mỹ cấm việc xuất khẩu vũ khí cũng như linh kiện phụ tùng thay thế. Hoạt động của F-14A trong biên chế Không quân Cộng hòa Hồi giáo Iran rất hạn chế và gần như ngừng hẳn những năm sau đó.

Mãi tới cuối những năm 1990, công nghiệp quốc phòng Iran đã tự sản xuất linh kiện nhằm khôi phục hoạt động của F-14A. Gần đây, Iran tuyên bố họ đã tái trang bị cho không quân 60 chiếc F-14A.

Để thực hiện vai trò đối không, F-14A thiết kế với 8 giá treo (4 trên thân và 4 trên cánh), mang được các loại tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 (tầm bắn 8km), tầm trung AIM-7 (tầm bắn 45km) và tầm xa AIM-154 (tầm bắn lên tới 150km). Ngoài ra, F-14A còn có một pháo M61A1 cỡ 20mm được gắn cố định trong thân (cơ số đạn 675 viên), thích hợp cho không chiến tầm cực gần.

Khi cần thiết, F-14A hoàn toàn có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất với các loại bom không điều khiển và rocket.

Về hệ thống điện tử, F-14A trang bị hệ thống radar xung doppler đa chế độ, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết AN/AWG-9. AWG-9 có khả năng theo dõi 24 mục tiêu trên không cùng lúc, màn hình trong buồng lái hiển thị 18 mục tiêu và phóng tên lửa đồng thời tiêu diệt 6 trong số đó. Radar có thể dò tìm mục tiêu máy bay ném bom ở tầm xa 160km.

Ngoài ra, F-14A còn có hệ thống thông tin liên lạc, dẫn đường khác và cả hệ thống tác chiến điện tử.

F-14A trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy TF30-P-414A cho phép nó đạt tốc độ tối đa 2.655 km/h, bán kính chiến đấu hơn 2.000km, trần bay 20.000m.

MiG-29

Máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-29 của Iran.
Máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-29 của Iran.
Hiện nay, số lượng MiG-29 trong biên chế không quân Iran còn nằm trong vòng tranh cãi. Một số nguồn tin cho rằng số lượng vào khoảng 70 chiếc, nhưng có nguồn lại cho Iran có hơn 40 chiếc.

Những chiếc MiG-29 đầu tiên mà Iran có được trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Trong cuộc chiến tranh vùng vịnh 1991, nhiều phi công lái máy bay chiến đấu của Iraq (trong đó có MiG-29) đã bỏ trốn sang Iran.

MiG-29 là tiêm kích đánh chặn do Liên Xô thiết kế cho nhiệm vụ chiến đấu chiếm ưu thế trên không.

Để thực hiện vai trò này, MiG-29 có 7 giá treo trên thân và cánh có khả năng mang được các loại tên lửa không đối không: tầm trung R-27 (tầm bắn 70-80km), tầm ngắn R-73 (tầm bắn 20km), tầm ngắn R-60 (tầm ngắn 8km), tầm trung R-77 (tầm bắn 40-50km).

Biến thể trang bị cho Iran cũng có khả năng đối đất nhưng ở mức hạn chế mang các loại rocket, bom không điều khiển. Ngoài ra, MiG-29 còn có một pháo 30mm (cơ số 150 viên đạn) hữu hiệu cho không chiến tầm gần.

MiG-29 trang bị hệ thống radar Phazotron N019, sensor tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại, đo xa laser cùng thiết bị liên lạc, đối phó trả đũa điện tử.

MiG-29 sử dụng 2 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy RD-33 cho phép đạt tốc độ tối đa 2.400km, trần bay 18.000m, tầm bay hơn 2.000km.

Su-25

Máy bay cường kích Sukhoi Su-25 của Iran.
Máy bay cường kích Sukhoi Su-25 của Iran.
Hiện nay, Không quân Iran sở hữu khoảng 13 chiếc máy bay cường kích Su-25. Trong đó, có 7 chiếc do phi công Iraq lái sang đất Iran trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1991 và 6 chiếc Iran đặt hàng mua của Nga.

Su-25 thiết kế cho nhiệm vụ cường kích mặt đất, tấn công mục tiêu công sự, xe tăng – thiết giáp đối phương, bộ binh địch. Su-25 mang tên lửa không đối đất Kh-23, Kh-25ML, Kh-29I, rocket cỡ 57/80/240/330mm, bom dẫn đường bằng laser 350-670kg, bom không điều khiển.

Ngoài ra, Su-25 có thể tiêu diệt mục tiêu trên không tầm thấp với loại tên lửa không đối không tầm ngắn R-3S hoặc R-60.

Hệ thống điện tử của Su-25 gồm các hệ thống ngắm bắn, định vị, thiết bị liên lạc, đối phó trả đũa điện tử.

Su-25 lắp hai động cơ tuốc bin phản lực Soyuz/Gavrilov R-195 cho phép đạt tốc độ tối đa 950km/h, bán kính chiến đấu 375km, trần bay 7.000m.

Su-24

Máy bay cường kích Sukhoi Su-24MK của Iran.
Máy bay cường kích Sukhoi Su-24MK của Iran.
Biên chế Không quân Iran có khoảng 36 chiếc Su-24, trong đó có 24 chiếc tịch thu của Iraq sau chiến tranh vùng Vịnh 1991 và 12 chiếc mua của Nga.

Su-24 là máy bay cường kích cánh cụp cánh xòe thiết kế đáp ứng cho nhiệm vụ tấn công mặt đất.

Máy bay có 8 giá treo mang 8.000kg vũ khí gồm các loại: tên lửa không đối đất Kh-23, Kh-25ML, Kh-28, Kh-58; tên lửa chống radar Kh-31P; tên lửa không đối không R-60 hoặc R-73, bom dẫn đường bằng laser, bom không điều khiển, rocket. Và trong thân lắp một pháo 6 nòng cỡ 23mm với cơ số đạn 500 viên.

Su-24 lắp các thiết bị định vị và ngắm bắn/thả bom, thiết bị liên lạc, đối phó trả đũa điện tử. Cường kích Su-24 trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực Saturn/Lyulka AL-21F-3A cho phép đạt tốc độ tối đa 1.315km/h, bán kính chiến đấu 615km, trần bay 11.000m.

Ngoài các loại máy bay kể trên, Không quân Iran còn sử dụng một số loại máy bay chiến đấu thế hệ cũ hơn như F-4, F-5, Mirage F1, F-7M (biến thể xuất khẩu của J-7 do Trung Quốc sản xuất). Đặc biệt, sự xuất hiện của hai loại chiến đấu cơ do Iran tự chế tạo gồm: Azarakhsh (giới thiệu năm 1997) và Saeqeh (giới thiệu năm 2007).
Thiết kế nội địa Saeqeh.
Thiết kế nội địa Saeqeh.
Tuy nhiên, vẫn chưa có thông số kỹ thuật đáng tin cậy về hai loại chiến đấu cơ nội địa này. Nhưng có một điều chắc chắn, cả hai thiết kế đều có nguồn gốc từ tiêm kích hạng nhẹ F-5 do Mỹ sản xuất biên chế trong Không quân Iran. Mặc dù, Iran tuyên bố là Saeqeh có tính năng chiến đấu tương tự F/A-18 Hornet.
Theo VnMedia