Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thời gian qua, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã chuyển đổi sang dạy học trực tuyến từ cuối tháng 2 đến nay.
Áp dụng hệ thống giảng dạy có độ tương tác cao
Việc giảng dạy trực tuyến đã mang lại nhiều phản hồi tích cực từ phía sinh viên cũng như các giảng viên.
Theo khảo sát, hơn 95% sinh viên tham gia học tập nghiêm túc các học phần và nhà trường cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các sinh viên này.
Trường Đại học đã nâng cao hệ thống công nghệ thông tin để đẩy mạnh hoạt động giảng dạy trực tuyến. Ảnh: AN |
Đại diện nhà trường chia sẻ, hiện đang triển khai đào tạo trực tuyến trên hai công cụ chính là hệ thống DUT-LMS và hệ thống Office 365 Microsoft Teams (MS Teams).
Tại hệ thống DUT-LMS, giảng viên có thể đăng tải tài liệu môn học và các bài giảng có hình ảnh, âm thanh. Các bài làm của sinh viên có thể được nộp và đánh giá, trả kết quả qua hệ thống theo từng cá nhân.
Đối với hệ thống Office 365 Microsoft Teams (MS Teams) có sự kết hợp song song với DUT- LMS, giảng viên sẽ giảng bài trực tuyến hoặc tổ chức thảo luận, hướng dẫn trên công cụ dạy học trực tuyến theo thời gian thực (Real Time Conference) Microsoft Teams và sẽ ghi lại video phiên giảng bài.
Một ngày học trực tuyến của học sinh, sinh viên không nên quá 5 giờ |
Sau đó, giảng viên sẽ đăng tải lại các video này vào hệ thống LMS để tạo ra học liệu đầy đủ nhằm phục vụ việc ôn tập, tự học và lưu trữ bài học của sinh viên.
“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thời gian nghỉ học của sinh viên bị kéo dài, việc dạy học trực tuyến mang lại nhiều ưu điểm.
Cụ thể như: duy trì được tiến độ học tập cho sinh viên, đảm bảo cho người học nắm bắt kiến thức kịp thời, ra trường đúng hạn, đảm bảo được sức khỏe cho cá nhân và sức khỏe của cộng đồng trong thời kỳ dịch bệnh…”, đại diện nhà trường cho hay.
Để hỗ trợ cho việc giảng dạy trực tuyến, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cũng đã nhanh chóng nâng cấp hệ thống Công nghệ thông tin (đầu tư máy chủ, bản quyền phần mềm, nâng cấp đường truyền…).
Nhà trường đã dành ra một phần kinh phí để hỗ trợ cho các em sinh viên ở vùng ngoại thành để sử dụng internet và đặc biệt có chính sách hỗ trợ các em thuộc diện gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn.
Thầy trò cùng hài lòng
Phó Giáo sư Nguyễn Đình Lâm – Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Giảng viên Khoa Hóa chia sẻ:
“Thông qua hệ thống dạy học trực tuyến, các giảng viên có thể giảng bài, trao đổi, thảo luận với sinh viên, giải đáp thắc mắc cho từng sinh viên, hướng dẫn bài tập, bài tập lớn, hướng dẫn đồ án với các phần mềm chuyên ngành…
Việc tương tác giữa giảng viên và sinh viên thông qua video và audio rất sống động và tạo hứng thú đối với sinh viên”.
Sinh viên học tập trực tuyến trong thời gian nghỉ ở nhà vì dịch bệnh Covid-19. Ảnh: AN |
Sinh viên Nguyễn Công Chức lớp 18X3B (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho biết: “Em đã dần quen với việc học online. Khi học online các bài giảng của thầy cô sẽ được lưu lại, em có thể xem lại kiến thức một cách dễ dàng. Thầy cô giải đáp rất nhiệt tình và cặn kẽ những thắc mắc của chúng em.
Bản thân em nhận thấy việc học online là vô cùng cần thiết trong thời buổi dịch bệnh bây giờ. Đặc biệt trong thời đại 4.0, sinh viên tụi em học tập được rất nhiều kĩ năng từ phương pháp làm việc trực tuyến”.
Những việc cần làm ngay khi dạy học online được công nhận |
Mặc dù đang phải ở quê để tránh dịch Covid-19 nhưng gần hai tháng nay, bạn Nguyễn Thị Hồng Nhung (lớp 18 Kĩ Thuật Tàu Thuỷ) chưa bỏ qua một tiết học online nào. Các kế hoạch học tập, hoàn thành các chứng chỉ của Nhung cũng sẽ được đảm bảo.
“Em có thể học được mọi lúc mọi nơi, linh động hơn trong việc chọn nhóm học, tối ưu được nội dung học thông qua các slide bài giảng của thầy cô.
Thầy cô gửi bài giảng để tụi em nghiên cứu trước và giải đáp thắc mắc sau mỗi buổi học.
Cách học này cũng giúp em biết được thêm những phần mềm học online như LMS, MS Teams, Zoom…, cải thiện được kiến thức tin học văn phòng thông qua cách nộp bài tập, làm bài tập nhóm”, Nhung nói.