Học sinh nghỉ học dài ngày chống dịch Covid-19, đồng thời với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chi tiết giảm tải chương trình cho học sinh các cấp thì việc tạm thời quy định lại hay sửa đổi một số điều việc đánh giá học sinh theo Thông tư 58/2011/BGDĐT trong thời gian tới là điều cấp thiết.
Thông tư 58 về đánh giá, xếp loại học sinh có một số điều cần điều chỉnh. (Ảnh minh họa: NOP/ Hoinhabaovietnam.vn) |
Trong phạm vi bài viết, tác giả xin kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho sửa đổi 3 điều sau.
Sửa đổi số lần kiểm tra
Việc học sinh nghỉ học dài ngày, chương trình giảm tải thì việc học trên lớp, số tiết học quy định của các môn sẽ giảm.
Do đó, học sinh sẽ không học đầy đủ các tiết, nên sửa đổi quy định về số lần kiểm tra là vô cùng cần thiết.
Tại “Điều 8. Số lần kiểm tra và cách cho điểm
1. Số lần KTđk được quy định trong kế hoạch dạy học, bao gồm cả kiểm tra các loại chủ đề tự chọn.
2. Số lần KTtx: Trong mỗi học kỳ một học sinh phải có số lần KTtx của từng môn học bao gồm cả kiểm tra các loại chủ đề tự chọn như sau:
a) Môn học có 1 tiết trở xuống/tuần: Ít nhất 2 lần;
b) Môn học có từ trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần: Ít nhất 3 lần;
c) Môn học có từ 3 tiết trở lên/tuần: Ít nhất 4 lần.”
Bài kiểm tra định kỳ là các bài kiểm tra 1 tiết, kiểm tra thực hành hoặc bài kiểm tra từ 1 tiết trở lên, bài kiểm tra học kỳ.
Bài kiểm tra thường xuyên là các bài kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra thực hành hay kiểm tra khác dưới 1 tiết.
Như vậy, việc giảm số lần kiểm tra thường xuyên và định kỳ là cần thiết, nếu không giảm thì không đủ thời gian để giáo viên giảng dạy kiến thức trọng tâm mà chỉ tập trung vào các bài kiểm tra.
Theo ý kiến của cá nhân tôi đề xuất số lần kiểm tra như sau: đối với kiểm tra thường xuyên thì môn học từ 1 đến 2 tiết/ tuần thì có 2 cột điểm, môn học từ 3 tiết/tuần trở lên thì có 3 cột điểm (gồm điểm miệng, 15 phút); đối với số lần kiểm tra định kỳ giảm 25-50% số bài kiểm tra định kỳ (ngoại trừ bài kiểm tra học kỳ).
Sửa đổi quy định về số ngày nghỉ của học sinh
Học sinh đang có quá nhiều bài kiểm tra theo hướng dẫn của Thông tư 58 |
Hiện nay khi mà tình hình dịch bệnh còn phức tạp chúng ta nên chấp nhận thêm hình thức học sinh tự học ở nhà nên phải sửa đổi quy định về việc học sinh nghỉ 45 buổi không được lên lớp.
Tại “Điều 15. Lên lớp hoặc không được lên lớp
1. Học sinh có đủ các điều kiện dưới đây thì được lên lớp:
a) Hạnh kiểm và học lực từ trung bình trở lên;
b) Nghỉ không quá 45 buổi học trong một năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại).
2. Học sinh thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì không được lên lớp:
a) Nghỉ quá 45 buổi học trong năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại);
b) Học lực cả năm loại Kém hoặc học lực và hạnh kiểm cả năm loại yếu;
c) Sau khi đã được kiểm tra lại một số môn học, môn đánh giá bằng điểm có điểm trung bình dưới 5,0 hay môn đánh giá bằng nhận xét bị xếp loại CĐ, để xếp loại lại học lực cả năm nhưng vẫn không đạt loại trung bình.
d) Hạnh kiểm cả năm xếp loại yếu, nhưng không hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện trong kỳ nghỉ hè nên vẫn bị xếp loại yếu về hạnh kiểm.”
Thời dịch bệnh, chúng ta phải chấp nhận việc học của học sinh song song 2 hình thức là giáo viên dạy trực tiếp tại lớp và việc học tại nhà thông qua dạy học trực tuyến, dạy học qua ti vi, đài phát thanh,…(Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công nhận).
Khi đó phải chấp nhận việc giáo viên dạy trên lớp có vài học sinh nghỉ, khi phụ huynh chưa yên tâm khi học sinh đến lớp thì có thể hướng dẫn học sinh học ở nhà, làm bài tập và nộp trực tuyến thông qua tài khoản cá nhân hoặc thậm chí kể cả mail, zalo, facebook,…
Như vậy sẽ có việc học sinh không đến lớp nhưng nếu vượt qua kiến thức kỳ kiểm tra vẫn sẽ được lên lớp, như vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo phải sửa nội dung của thông tư 58/BGDĐT về đánh giá học sinh nội dung học sinh không nghỉ học quá 45 buổi và đảm bảo các bài kiểm tra (bổ sung là có thể kiểm tra trực tuyến).
Sửa đổi về đánh giá kết quả năm học các bộ môn
Học kỳ II này học sinh có thể nghỉ dài ngày, số tiết thực học sẽ giảm nên chất lượng, chương trình học kỳ II sẽ không được như mong muốn nên sẽ phải tính đến việc sửa đổi tạm thời đánh giá kết quả năm học
Tại “Điều 10. Kết quả môn học của mỗi học kỳ, cả năm học
1. Đối với các môn học đánh giá bằng cho điểm:
a) Điểm trung bình môn học kỳ (ĐTBmhk) là trung bình cộng của điểm các bài KTtx, KTđk và KThk với các hệ số quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 7 Quy chế này:
ĐTBmhk= |
TĐKTtx+ 2 x TĐKTđk+ 3 x ĐKThk |
Số bài KTtx+ 2 x Số bài KTđk+ 3 |
- TĐKTtx:Tổng điểm của các bài KTtx
- TĐKTđk: Tổng điểm của các bài KTđk
- ĐKThk: Điểm bài KThk
b) Điểm trung bình môn cả năm (ĐTBmcn) là trung bình cộng của ĐTBmhkI với ĐTBmhkII, trong đó ĐTBmhkII tính hệ số 2:
ĐTBmcn = (ĐTBmhkI + 2 x ĐTBmhkII)/3”
Việc lấy kết quả học kỳ II nhân 2 trong giai đoạn này không phù hợp lắm.
Theo tôi đề xuất sửa đổi lại như sau: ĐTBmcn = (ĐTBmhkI + ĐTBmhkII)/2
Như vậy sẽ có phần công bằng với việc đánh giá học sinh trong giai đoạn hiện nay.