Không thể cầm cự
Thanh lý đồ chơi, đồ dùng học tập hay sang nhượng, bán trường giá rẻ như cho được không ít chủ trường nhóm trẻ mầm non khối tư thục đang rao bán vì không thể cầm cự thêm được nữa.
Trẻ không đến trường nhiều tháng qua vì dịch Covid-19, điều này có nghĩa nhiều trường mầm non tư thục không có nguồn thu trong khi vẫn phải chi rất nhiều khoản từ mặt bằng đến tiền lương giáo viên, nhân viên.
Với những trường mầm non có nguồn lực tài chính lớn, có tích lũy cũng kêu trời, trong khi đó, những trường có quy mô nhỏ, mới thành lập thì nguy cơ phải giải thể, sang nhượng, thanh lý là điều khó tránh nếu dịch bệnh vẫn kéo dài.
Khối giáo dục tư đang đuối sức, kiến nghị 6 giải pháp cấp cứu khẩn |
Cô Lan Hương, chủ nhóm trẻ mầm non tại phường Định Công (quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội) sau 3 năm dành tâm huyết, góp công, góp của xây dựng nhóm trẻ đã buộc phải rao bán, sang nhượng với giá chỉ bằng một phần rất nhỏ so với số tiền chị đã bỏ ra đầu tư.
Không thể tiếp tục duy trì tiền mặt bằng, tiền lương giáo viên, cô Lan Hương không còn lựa chọn nào khác đứt ruột bán đứa con tinh thần của mình vì không còn khả năng tài chính.
Giữa tháng 3 cô Lan Hương bắt đầu đăng tin sang nhượng trường với mong muốn ngôi trường mình gây dựng sau dịch sẽ tiếp tục hoạt động.
Nhóm trường cô Lan Hương thuê là căn nhà 5 tầng thoáng mát 2 mặt tiền có giá thuê 15 triệu đồng/tháng, đủ hồ sơ năng lực, đồ chơi, đồ dùng, sổ sách, hơn 30 trẻ đang theo học với giá nhượng lại 200 triệu đồng.
Đến đầu tháng 4 cô Hương vẫn không tìm được người mua nên cô Hương tiếp tục đăng tin thanh lý tất cả đồ chơi, đồ dùng với giá rẻ như cho để trả mặt bằng.
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, cô Lan Hương cho biết: “Rất tiếc phải đóng cửa trường, nhưng tôi không còn cách nào khác vì vốn đã cạn.
Mới đầu tôi nghĩ học sinh nghỉ học hết tháng 2 nên vẫn duy trì, nhưng rồi tháng 3, tháng 4 và không biết đến bao giờ học sinh mới có thể trở lại trường nên tôi phải giải thể”.
Cũng theo cô Lan Hương, nhóm trẻ của cô hoạt động được hơn 3 năm, trường nằm tại khu dân cư lao động thu nhập thấp nên học phí chỉ đủ duy trì trả lương cho giáo viên, tiền mặt bằng… không có tích lũy.
“Dịch bệnh kéo dài, học sinh nghỉ học, trường không có nguồn thu nên việc duy trì là quá khó khăn. Tôi chỉ có thể cầm cự được 1 đến 2 tháng, chứ tiếp tục nữa thì không thể”, cô Lan Hương nói.
Hàng ngày cô Hương cũng chứng kiến, đọc được nhiều thông tin rao bán, chuyển nhượng, thanh lý đồ dùng, thiết bị học tập của những đồng nghiệp, chủ trường mà đau lòng.
Nhiều chủ trường đăng rao bán, thanh lý, sang nhượng nhóm trường mầm non tư thục vì không thể duy trì do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Chụp màn hình NVCC. |
Sang nhượng giá rẻ như cho
Trong khi đó, cô Nguyễn Huyền, Chủ trưởng nhóm mầm non tại phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội) đăng tin thanh lý đồ dùng, đồ chơi để trả mặt bằng giải thể trường sau 8 năm hoạt động.
Nội dung cô Huyền rao bán: “Thanh lý đồ trả mặt bằng”. Kèm theo đó ảnh nhiều đồ vui chơi trẻ em còn khá mới cần bán gấp.
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, cô Huyền cho biết: “Gần chục năm trường hoạt động với biết bao tâm huyết nay phải đóng cửa là quyết định quá khó khăn đối với tôi.
Nhưng không còn lựa chọn nào khác vì để duy trì mỗi tháng cả trăm triệu đồng gồm tiền thuê mặt bằng, tiền trả lương giáo viên, đóng bảo hiểm…nếu một đến hai tháng tôi còn có thể vay mượn để cố cầm cự được, nhưng nhiều tháng thì không thể”.
Cũng theo cô Huyền, thời gian đầu học sinh được nghỉ học, nhà trường vẫn hỗ trợ 50% lương cho giáo viên, nhưng tình hình dịch bệnh kéo dài, nhà trường không thể duy trì được nữa vì không đủ khả năng tài chính.
“Rất tiếc và buồn sau 8 năm hoạt động mình phải giải thể. Rất muốn sang nhượng cho người có tâm huyết, khả năng tài chính để trường tiếp tục hoạt động, nhưng thời điểm này không ai còn mặn mà với giáo dục mầm non tư thục.
Bởi vậy, trường buộc phải đóng cửa và thanh lý toàn bộ đồ chơi, đồ dùng… để trả mặt bằng. Đau xót lắm vì bao công sức mình gây dựng”, cô Nguyễn Huyền nói.
Đến giữa tháng 3 nhiều chủ trường mầm non tư thục đã không thể cầm cự được do dịch bệnh kéo dài đã phải đăng tin bán trường, sang nhượng giá rẻ. Ảnh: Chụp màn hình NVCC. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Giáo dục Việt Nam, trước tình hình dịch Covid-19 kéo dài, nhiều tháng nay, không ít chủ trường khối mầm non tư thục bắt đầu đóng cửa.
Lý do chính khiến các trường giải thể, sang nhượng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Học sinh nghỉ học, nguồn thu không có, trong khi đó tiền mặt bằng, tiền lương giáo viên…khiến nguồn tài chính vốn eo hẹp của các nhóm trẻ này lao đao.
Theo đó nhiều chủ trường tại Hà Nội đã phải rao bán trường, sang nhượng, thanh lý để trả mặt bằng, đóng cửa. Thậm chí có chủ trường còn giao bán rẻ như cho khiến không ít đồng nghiệp xót xa.
Như vậy, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, nguy cơ đổ vỡ hệ thống giáo dục mầm non tư thục hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có những giải pháp hỗ trợ.