Câu nói được coi là thành ngữ phương Tây: “Con người sợ thời gian, thời gian sợ các Kim tự tháp” vốn đã lưu truyền từ rất lâu rồi và dường như không bị ai bác bỏ.
Ngày nay, câu nói trên không còn đúng nữa, cả nhân loại đang sợ con virus mang tên Corona mà mắt thường không nhìn thấy được.
Điều trớ trêu là khi Covid-19 hoành hành, các gia đình cách ly, thành phố cách ly, quốc gia cách ly nhưng có vẻ như các nước và các dân tộc lại gần nhau hơn, thông cảm với nhau hơn, ít nhất là trong các hoạt động chống dịch và viện trợ nhân đạo.
Lại còn câu nói khác, rằng “Con người là chủ nhân trái đất” và đến giờ mới biết, loài người không thể vỗ ngực về sự thống trị của mình trước muôn loài.
Rồi đại dịch sẽ đi qua nhưng cái giá phải trả là sinh mạng hàng vạn người sẽ mãi mãi được ghi nhận.
Chân đạp Hồng Quang, đầu mang Hắc Ám |
Các Chính phủ sẽ phải thức tỉnh, các nguyên thủ sẽ phải xem xét lại chính sách của mình nhưng có một điều chắc chắn sẽ không đổi, đó là lợi ích của một chủng tộc luôn được đặt cao hơn cả nhân loại.
Bằng sự ngạo mạn thiển cận của mình trước tự nhiên, loài người đã khiến nhiều sinh vật bị tuyệt chủng, khiến trái đất nóng lên và lòng đất chằng chịt những hang ổ bởi việc khai thác nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, đá phiến,…).
Sự ngạo mạn liệu đã đến mức ngu dốt khi loài người đang hủy hoại chính môi trường sống của mình, điều mà các loài động vật hoang dã không bao giờ làm.
Trái đất là ngôi nhà chung của muôn loài, vậy nhưng có ai khi nghĩ về quê hương là nghĩ đến Trái Đất chứ không phải là mảnh đất được phân chia bởi các tọa độ mà người ta quen gọi là quốc gia?
Ngay cả khi nhân loại cuống cuồng chống dịch thì vẫn có những kẻ âm thầm tìm cách xâm chiếm vùng đất, vùng trời, vùng biển của người khác, chúng không chỉ đâm chìm tàu cá ngư dân mà còn lu loa rằng tàu cá tự đâm vào tàu công vụ của họ!
Cũng trong đại dịch, khi cả nước Việt thực hiện cách ly toàn xã hội từ 01/04/2020 đến 15/04/2020 thì trưa ngày 05/04/2020 vẫn có những phó giáo sư, tiến sĩ của Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tụ tập ăn uống dẫn tới có người tử vong vì rơi từ tầng 14 xuống dưới.
Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Tienphong.vn) |
Khoan bàn đến nguyên nhân cái chết của vị tiến sĩ, giảng viên đại học này sau cuộc ăn nhậu nói trên.
Vấn đề là những người tham gia cuộc nhậu đều là cán bộ lãnh đạo, giảng viên đại học, vì sao họ lại phớt lờ Chỉ thị 16/CT-CP và Quyết định số 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Cách ly toàn xã hội”.
Quyết định số 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật, Quyết định này ghi rõ phải làm theo Chỉ thị 16/CT-CP, làm trái là phạm pháp.
Xin ghi lại một phần Chỉ thị 16/CT-CP của Thủ tướng Chính phủ:
“Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang… thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng”.
Là nhà giáo, việc giữ gìn tư cách đạo đức, làm gương cho học trò là không phải bàn luận.
Không thể có chuyện những người tham gia cuộc nhậu không biết đến quy định “không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học…”.
Đang mùa chống dịch, lãnh đạo Trường Đại học Ngân hàng đi ăn nhậu |
Trong số 09 người tham gia bữa ăn chỉ có 02 người là giảng viên còn lại đều là lãnh đạo trường, khoa, phòng, viện,… của Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. [1]
Một số ý kiến cho rằng “Hành vi tập trung đông người này là trái pháp luật nên trước tiên cơ quan chức năng cần phải có hình thức xử lý kỷ luật đối với người tổ chức bữa ăn và tất cả các cán bộ đã có mặt tại buổi ăn nhậu ngày hôm đó”.
Thực tế, đến nay, một số cán bộ trong số những người dự tiệc đã bị kỷ luật, tạm dừng công việc.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, cô Trần Thị Minh Châu, giáo viên dạy Toán, trường trung học phổ thông Long Thới, từng bị đình chỉ giảng dạy 9 tháng vì trong 3 tháng lên lớp, cô này không nói gì mà chỉ ghi lên bảng.
Theo quy định tại điều 52 Luật Viên chức, giáo viên nếu vi phạm các quy định của pháp luật thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà phải chịu một trong các hình thức: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức hoặc Buộc thôi việc.
Hình thức buộc thôi việc đối với giáo viên được nêu chi tiết trong điều 13 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP, một trong các hành vi bị buộc thôi việc là:
“Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”;…
Rõ ràng là cả 09 lãnh đạo, giảng viên Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tham dự bữa ăn tại nhà riêng một cán bộ của trường đã không tuân thủ pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là chết một người.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng ký công văn số 924/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường chỉ đạo, khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo.
Vậy nay Bộ trưởng Nhạ có nên gửi thêm công văn nữa tới cơ quan chủ quản của các đại học, cao đẳng về việc “khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo” trong các cơ sở giáo dục đại học?
Nói về chốn quan trường, những đàm tiếu “Luật cho dân, lệ cho quan” đẫy rẫy mặt báo song gần đây trong giới học thuật, nhất là với “nhóm” vị rủng rỉnh hàm giáo sư, phó giáo sư hay học vị tiến sĩ, thạc sĩ thì hình như chuyện “luật và lệ” cũng không phải là ngoại lệ.
Lãnh đạo các lò ấp thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội hay vụ việc mới đây tại Đại học Quốc gia Hà Nội mà báo chí đăng tải, có bao nhiêu người đã hoặc sẽ bị xem xét hình sự hay cuối cùng cũng chỉ là “Nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc”?
Nếu những vụ việc này được giữ “ổn định” thì vụ việc tại Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thế nào?
Liệu Ngân hàng Nhà nước, cơ quan chủ quản của Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh có nên tuân thủ Luật Viên chức và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP, buộc thôi việc những người liên quan trong vụ việc kể trên hay sẽ dành thời gian tìm các tình tiết giảm nhẹ trước khi đưa ra quyết định?
Nếu phải tìm “tình tiết giảm nhẹ” thì xin mách các vị có trách nhiệm ở Ngân hàng Nhà nước, rằng ông Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tuy có tham gia cuộc tiệc nhưng không uống rượu (vì phải lái xe) và ra về trước khi xảy ra sự cố!
Còn nếu cơ quan điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khởi tố vụ án thì có nên tham khảo cách xử lý liên quan đến vụ vỡ đường ống nước tại Hà Nội để miễn truy cứu các đối tượng “có nhân thân tốt và vi phạm lần đầu”?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/nhung-ai-co-mat-trong-bua-com-truoc-khi-ts-bui-quang-tin-roi-tu-tang-14-20200407052123677.htm