Giảng viên ngành Y sinh bắt tay chế tạo buồng khử khuẩn

13/04/2020 06:36
GIA HÂN
(GDVN) - Trong thời gian 5 giây đi qua buồng khử khuẩn sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng vẫn đảm bảo tiêu diệt virus bám lại trên bề mặt.

Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng lan rộng, cùng với chính quyền, ngành y tế thì đội ngũ giảng viên, nhà khoa học tại các Trường Đại học cũng nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”. 

Buồng khử khuẩn được lắp đặt thử nghiệm tại một đơn vị quân đội. Ảnh: GH
Buồng khử khuẩn được lắp đặt thử nghiệm tại một đơn vị quân đội. Ảnh: GH

Hàng loạt công trình nghiên cứu, các sản phẩm công nghệ có khả năng diệt trừ Covid-19 đã được hình thành từ đôi bàn tay của người thầy.

Mới đây, Tiến sĩ Đặng Đức Long – giảng viên chuyên ngành Khoa học Y Sinh (thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh – Đại học Đà Nẵng) đã cùng một doanh nghiệp đồng hành chế tạo thành công buồng khử khuẩn nhằm ngăn ngừa sự lây lan chéo tại những nơi công cộng như bệnh viện hay nhà máy.

“Để khử khuẩn trong diện rộng và nhanh chóng thì các tác nhân khử khuẩn hoá học và vật lý sử dụng có chứa yếu tố độc tính nhất định.

Cựu sinh viên Bách khoa và bộ sưu tập giải thưởng quốc tế đỉnh cao

Vấn đề là chúng ta phải cần bằng giữa tác dụng diệt khuẩn với ảnh hưởng lên sức khoẻ con người.

Tôi chia sẻ lo ngại về thành phần Clo hoạt tính đem lại tác dụng khử khuẩn của Anolyte hay tác động của khí Ozone đối với cơ thể. Tuy nhiên, hệ thống khử khuẩn toàn thân không đồng nghĩa với việc sử dụng Anolyte hay Ozone.

Chúng ta có thể sử dụng các tác nhân khử khuẩn có nguy cơ ít hơn khi đi vào cơ thể con người.

Chất khử khuẩn dạng này nên ít tạo ra khí dư có độc tính để vào hệ hô hấp của người, ít ăn mòn bề mặt và ít phân huỷ thành những chất không ảnh hưởng đến môi trường và con người” Tiến sĩ Long chia sẻ.

Thầy Long đã cùng với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn thuộc công ty Khoa học và Công nghệ Năng lượng xanh bắt tay phát triển buồng khử khuẩn toàn thân dựa trên những kiến thức khoa học đó.

Hai nhà nghiên cứu đã không sử dụng nước điện hóa (Anolyte hay Ozone) để khử khuẩn mà lựa chọn và thử nghiệm dung dịch hydrogran peroxide (nước oxy già) có nồng độ loãng vào mục đích này.

Thiết bị mới này đã sử dụng chất hydrogran peroxide với nồng độ 1% và khống chế thời gian tiếp xúc và cách phun sương phù hợp để khử trùng bề mặt nhưng giảm thiểu nguy cơ đối với con người.

“Chúng tôi vô cùng vui mừng khi buồng khử khuẩn đã nhận được giấy chứng nhận kỹ thuật của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Theo đó, khả năng kháng khuẩn là 70 đến 85%. Thời gian đi qua buồng khử khuẩn chỉ được hạn chế trong vòng 5 giây để hạn chế tối đa tác động lên cơ thể con người.

Thời gian phun sương khá ngắn nên không làm mất thời gian làm việc của cán bộ trong cơ quan”, Tiến sĩ Long thông tin thêm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục biểu dương những điểm sáng trong mùa dịch Covid-19

Đặc biệt, thiết bị này rất dễ lắp ráp và không chiếm nhiều diện tích nên rất dễ dàng cho việc di chuyển và lắp đặt.

Hiện một đơn vị chính quyền đã sử dụng thử nghiệm thiết bị và đơn vị phát triển đã nhận được sự quan tâm của một số bác sĩ đang công tác tại Bệnh viên Đa Khoa Đà Nẵng.

Nhóm nghiên cứu chế tạo cùng bày tỏ tin tưởng hiệu quả vô cùng lớn của thiết bị này khi được lắp đặt tại những địa điểm có đông người tập trung như cơ quan, trường học, bệnh viện...

GIA HÂN