Phản biện xã hội tiêu cực, ai đang nuôi dưỡng?

15/04/2020 06:23
Theo Kim Lân/Qdnd.vn
(GDVN) - Mở rộng dân chủ, tăng cường phản biện tích cực, lắng nghe những ý kiến đóng góp tâm huyết của nhân dân là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Hưởng ứng tinh thần ấy, các hoạt động phản biện, phản biện xã hội thời gian qua diễn ra khá sôi động và mang lại những kết quả tích cực.

Thế nhưng, một thực tế rất đáng quan tâm là cả trong và ngoài nước xuất hiện một số người lợi dụng phản biện xã hội để gây nhiễu thông tin, làm rối tình hình, kích động, hòng tạo ra những mâu thuẫn trong xã hội.

Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch, một số tổ chức phản động đã móc nối, gieo mầm, nuôi dưỡng các đối tượng phản biện xã hội để sử dụng làm công cụ chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Không phủ nhận hiệu quả tích cực từ phản biện xã hội

Theo cách hiểu phổ quát, phản biện xã hội là sự tương tác, giao thoa qua lại về quan điểm, tư duy của các lực lượng, thành phần trong xã hội trước những vấn đề thuộc chủ trương, chính sách, thể chế... có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các thành viên trong xã hội.

Thông qua việc lắng nghe, tiếp thu những ý kiến phản biện xác đáng, có cơ sở khoa học mà các chủ trương, chính sách, thể chế... của cộng đồng ngày càng phù hợp, đáp ứng tốt hơn với những đòi hỏi của thực tiễn.

Thực tế cho thấy, trước mỗi kỳ đại hội đảng, mỗi lần sửa đổi Hiến pháp, ban hành các đạo luật hay trước các sự kiện lớn, những vấn đề hệ trọng của đất nước...

Phải chặt đứt những “bàn tay đen” luôn kích động, phá hoại
Phải chặt đứt những “bàn tay đen” luôn kích động, phá hoại

Đảng và Nhà nước ta đều công bố rộng rãi các văn kiện dự thảo, đưa ra quan điểm, chủ trương... để lấy ý kiến thảo luận, đóng góp của toàn dân.

Đại đa số nhân dân có ý thức trách nhiệm cao, luôn coi mỗi đợt đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo các văn kiện là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và hưởng ứng tích cực.

Các cơ quan chức năng luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận sớm, hướng dẫn người dân nghiên cứu, bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về từng nội dung trong dự thảo các văn kiện và những vấn đề quan trọng.

Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo, tọa đàm... nhằm tạo điều kiện để người dân có cơ hội bày tỏ quan điểm.

Hằng ngày, hằng giờ, mọi người dân đều có thể tiếp nhận thông tin và phản ánh quan điểm, ý kiến của mình qua hàng trăm xuất bản phẩm báo chí in, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình từ Trung ương đến địa phương.

Tất cả ý kiến dù đồng thuận hay không đồng thuận đều được cơ quan chức năng tổng hợp báo cáo với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để xem xét quyết định.

Theo tinh thần ấy, để nâng cao chất lượng xây dựng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh việc phát huy dân chủ, lắng nghe, trân trọng các ý kiến đóng góp của nhân dân, nhất là của các chuyên gia, nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực... chắt lọc để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện.

Chính nhờ mở rộng dân chủ, phát huy tinh thần phản biện xã hội của toàn dân mà các văn kiện của Đảng, Nhà nước ta đều thể hiện sự kết tinh giữa ý Đảng với lòng dân, được sự đồng thuận trong xã hội và sớm đi vào cuộc sống.

Thực tế chứng minh, để hoạt động phản biện xã hội đi đúng hướng, theo đúng ý nghĩa tích cực thì việc bày tỏ các quan điểm, nêu ý kiến đóng góp phải theo đúng quy trình, trên nền tảng khoa học, với thái độ khách quan, đặc biệt là phải đặt lợi ích của cộng đồng, lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết.

Thế nhưng, trên thực tế đã có không ít người lợi dụng hoạt động phản biện xã hội để mưu mô cơ hội, phản biện kiểu phủ nhận sạch trơn, với các quan điểm hoàn toàn không vì lợi ích của cộng đồng, lợi ích của đất nước.

Những quan điểm này càng trở nên nguy hiểm khi được các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá.

Vẫn là những “chiêu bài” cũ

Xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng là mục tiêu không bao giờ thay đổi của các thế lực thù địch.

Nhận diện chiêu trò xấu độc nhằm nắn dòng dư luận
Nhận diện chiêu trò xấu độc nhằm nắn dòng dư luận

Dù không mới nhưng âm mưu, thủ đoạn để thực hiện mục tiêu của chúng thì ngày càng tinh vi hơn.

Lợi dụng phản biện xã hội, xem phản biện xã hội là "chiêu bài" để chống phá Đảng, Nhà nước là một trong những thủ đoạn như thế.

Những người mang động cơ xấu, nhằm mục đích chống phá đất nước không bày tỏ quan điểm theo quy trình tổ chức và các kênh chính thống.

Các đối tượng triệt để lợi dụng ưu thế của internet, nhất là mạng xã hội để tiến hành các hoạt động chống phá núp dưới danh nghĩa phản biện xã hội.

Dưới sự giật dây của các thế lực thù địch, một số phần tử cơ hội trong nước và cả ở nước ngoài đã soạn ra các văn bản dưới dạng “tâm thư”, “thư ngỏ”, “thư góp ý” (cả chính danh, nặc danh và mạo danh); thậm chí họ còn soạn hẳn một dự thảo văn kiện mới, hoàn toàn khác với dự thảo văn kiện chính thống được công bố... để thể hiện những ý kiến trái ngược với quan điểm của Đảng, Nhà nước rồi gửi đến các đồng chí lãnh đạo.

Với kiểu lập luận của họ, thông qua các câu từ bóng bẩy, trau chuốt... thoáng qua người ta dễ lầm tưởng đó là những "ý kiến tâm huyết", "những đóng góp chân thành"...

Nhưng thực chất, trước khi những “tâm thư”, “thư ngỏ”, “thư góp ý”... kia được gửi đi thì nó đã được các đối tượng đưa lên mạng xã hội.

Để minh họa cho những quan điểm sai trái đã nêu, núp dưới chiêu bài phản biện xã hội, họ dựng chuyện, tung ra nhiều thông tin thất thiệt, tuyên truyền xuyên tạc, nhằm gây nhiễu loạn thông tin, kích động, gây áp lực, gieo rắc tâm lý hoài nghi, gây bất ổn trong dư luận.

Trên không gian mạng, họ lập ra các hội, nhóm trá hình, sau đó tuyên truyền vận động, lôi kéo những người thiếu bản lĩnh, nhẹ dạ cả tin tham gia.

Thông qua đó, họ khơi gợi các thành viên trong từng hội, nhóm theo danh nghĩa phản biện xã hội nêu những quan điểm, ý kiến trái chiều, nhưng thực chất là tuyên truyền xuyên tạc quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng, thái độ chống đối.

Đặc biệt, trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, như: Dân tộc, tôn giáo, môi trường, chủ quyền biển, đảo... họ sử dụng các hội, nhóm và những đối tượng đã được móc nối, nuôi dưỡng đội lốt phản biện xã hội đưa lên mạng xã hội hàng loạt quan điểm, ý kiến đi ngược lại với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.

Họ mưu toan phát triển đưa các hội, nhóm trên không gian mạng thành tổ chức, hoạt động dưới dạng câu lạc bộ tự do, hòng từ đó biến hoạt động phản biện xã hội trở thành một trào lưu làm méo mó thực tiễn.

Ngoài sử dụng những đối tượng phản biện xã hội đã được móc nối, để chống phá Việt Nam lâu dài, các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam rất quan tâm đến việc gieo mầm, nuôi dưỡng, phát triển lực lượng phản biện mới.

Đối tượng phản biện xã hội trong giới trẻ và cán bộ, đảng viên, công chức... được họ đặc biệt để mắt.

Cùng với tài trợ về tài chính, họ còn hướng dẫn nội dung, kế hoạch hoạt động liên kết thành mạng lưới.

Khi xuất hiện những quan điểm đi ngược chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên không gian mạng, thì ngay lập tức họ huy động lực lượng "chân rết" vào bình luận, chia sẻ, tung hô...

Họ thường đánh tráo khái niệm giữa ý kiến phản biện xã hội chính thống được Đảng, Nhà nước ta tiếp thu, với những giọng điệu tuyên truyền chống phá; hoặc đánh đồng giữa những người có ý kiến khác với những đối tượng cơ hội chính trị, lợi dụng phản biện xã hội để gây bất ổn trong dư luận.

Vì thế, khi một số đối tượng lợi dụng phản biện xã hội để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Nhà nước bị đưa ra xử lý trước pháp luật thì họ cho rằng Việt Nam “đàn áp người bất đồng chính kiến”, “vi phạm quyền tự do ngôn luận”... rồi từ đó kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp.

Tỉnh táo để không tiếp tay, không mắc mưu

Thực tế cho thấy nhận thức về phản biện xã hội của nhân dân ta còn có những khoảng trống.

Do vậy, muốn làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng phản biện xã hội để chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, chúng ta cần đặt lên hàng đầu việc tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động phản biện xã hội.

Có như vậy mới giúp người dân hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của công việc hệ trọng này, phân biệt được đâu là phản biện xã hội tích cực, đâu là phản biện xã hội tiêu cực, từ đó đề cao cảnh giác, chủ động phát hiện, kịp thời đấu tranh với những hành vi lợi dụng phản biện xã hội để chống phá.

Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi gặp mặt lắng nghe ý kiến, sáng kiến của đại diện kiều bào trong xây dựng và phát triển Thành phố ngày 13/1/2020. (Ảnh: TTXVN)
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi gặp mặt lắng nghe ý kiến, sáng kiến của đại diện kiều bào trong xây dựng và phát triển Thành phố ngày 13/1/2020. (Ảnh: TTXVN)

Vai trò định hướng để hoạt động phản biện xã hội diễn ra đúng mục đích, ý nghĩa và đem lại hiệu quả tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng là rất quan trọng.

Cùng với phát huy tốt vai trò định hướng, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân được tiếp cận thông tin, nghiên cứu, thể hiện quan điểm, chính kiến của mình đối với từng nội dung liên quan tới đường lối, chủ trương, chính sách, thể chế... tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

Đối với từng người dân, khi tiếp cận với những thông tin, tài liệu, nhất là những nội dung thuộc quan điểm về các vấn đề hệ trọng, nhạy cảm của đất nước tán phát trên mạng xã hội, cần phải tỉnh táo nhận diện đâu là thông tin tốt, đâu là thông tin xấu, đâu là thông tin có cơ sở khách quan, đâu là thông tin xuyên tạc.

Nâng cao hiểu biết, tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết là cách tốt nhất để mỗi người nâng cao "sức đề kháng", tránh bị cuốn theo những giọng điệu xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch.

Đi đôi với mở rộng dân chủ, tổ chức chặt chẽ hoạt động phản biện xã hội tích cực, cần làm tốt việc nắm bắt, tổng hợp, tiếp thu ý kiến của nhân dân để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Trong tổng hợp và ghi nhận những ý kiến đóng góp của nhân dân, các cơ quan chức năng cần có sự đánh giá, phân tích kỹ lưỡng, thận trọng, không để kẻ xấu lợi dụng phản biện xã hội để thực hiện những mục đích đen tối.

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ cần tiến hành chặt chẽ, lấy phòng là chính nhưng cũng phải kiên quyết đấu tranh để vừa bảo vệ, vừa ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị trong nội bộ, lợi dụng phản biện xã hội để thực hiện những động cơ, mục đích không trong sáng.

Đặc biệt, cần quan tâm quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là lớp trẻ để bồi dưỡng xây dựng những nhân tố tích cực, kịp thời phát hiện những tư tưởng, hành động sai trái.

Đối với những cán bộ, đảng viên, công chức thoái hóa biến chất về chính trị lợi dụng phản biện xã hội tiếp tay cho các thế lực thù địch, cần xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Cần coi trọng công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm m­ưu, thủ đoạn lợi dụng hoạt động phản biện xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Các lực lượng chức năng cần chủ động phát hiện những hội, nhóm, cá nhân lợi dụng phản biện xã hội để tuyên truyền, tán phát những quan điểm sai trái trên mạng xã hội, từ đó có biện pháp kiên quyết đấu tranh.

Đối với những trang mạng lợi dụng phản biện xã hội để tuyên truyền theo kiểu xuyên tạc, kích động chống phá Nhà nước Việt Nam, âm mưu làm mất ổn định chính trị ở Việt Nam thì cần tổ chức lực lượng phối hợp với các nhà mạng, kết hợp giữa biện pháp kỹ thuật với biện pháp hành chính để đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Theo Kim Lân/Qdnd.vn