Chi tiết định mức số lượng và chế độ của nhân viên trường học

20/04/2020 06:36
BÙI NAM
(GDVN) - Có khá nhiều ý kiến của bạn đọc về cách tính số lượng nhân viên trường học và chế độ tiền lương, thêm giờ thêm buổi của nhân viên trường học.

Nhân viên thư viện; thiết bị và thí nghiệm; y tế học đường; kế toán,… hiện nay đang làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập được gọi chung là nhân viên trường học.

Có khá nhiều ý kiến của bạn đọc về cách tính số lượng nhân viên trường học và chế độ tiền lương, thêm giờ thêm buổi của nhân viên trường học.

Trong phạm vi bài viết, tác giả xin được nêu chi tiết cách tính định mức số lượng nhân viên làm việc trong các trường học và chế độ hiện nay của các nhân viên trên.

Số lượng nhân viên trường học ở các trường học

Để biết  định mức số lượng nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục căn cứ vào Thông tư số: 16/2017/TT-BGDĐT Thông tư Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập

Đối với trường tiểu học có 8 vị trí gồm: nhân viên thư viện, thiết bị; công nghệ thông tin; kế toán; thủ quỹ; văn thư; y tế; hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; giáo vụ (áp dụng đối với trường dành cho người khuyết tật).

Định mức cụ thể trường từ 28 lớp trở lên sẽ có tối đa 5 nhân viên gồm: văn thư, kế toán, y tế và thủ quỹ (3); thư viện và thiết bị, công nghệ thông tin (2).

Trường từ 27 lớp trở xuống sẽ có 3 nhân viên gồm: văn thư, kế toán, y tế và thủ quỹ (2); thư viện và thiết bị, công nghệ thông tin (1).

Chế độ nhân viên trường học được quy định như thế nào? (Ảnh minh hoạ: Eng.hdu.edu.vn)
Chế độ nhân viên trường học được quy định như thế nào? (Ảnh minh hoạ: Eng.hdu.edu.vn)

Đối với trường trung học cơ sở có 9 vị trí gồm: nhân viên thư viện; thiết bị, thí nghiệm; công nghệ thông tin;  kế toán; thủ quỹ; văn thư; y tế; hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; giáo vụ (áp dụng đối với trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và trường dành cho người khuyết tật).

Định mức cụ thể trường từ 28 lớp trở lên sẽ có tối đa 6 nhân viên gồm: văn thư, kế toán, y tế và thủ quỹ (3); thư viện, thiết bị và thí nghiệm, công nghệ thông tin (3).

Trường từ 27 lớp trở xuống sẽ có 5 nhân viên gồm: văn thư, kế toán, y tế và thủ quỹ (3); thư viện, thiết bị và thí nghiệm, công nghệ thông tin (2).

Đối với trường trung học phổ thông có 9 vị trí gồm: nhân viên thư viện; thiết bị, thí nghiệm; công nghệ thông tin; kế toán; thủ quỹ; văn thư; y tế; hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; giáo vụ (áp dụng đối với trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, trường trung học phổ thông chuyên).

Cụ thể trường từ 28 lớp trở lên sẽ có tối đa 6 nhân viên gồm: văn thư, kế toán, y tế và thủ quỹ (3); thư viện, thiết bị và thí nghiệm, công nghệ thông tin (3)

Trường từ 27 lớp trở xuống sẽ có 5 nhân viên gồm: văn thư, kế toán, y tế và thủ quỹ (3); thư viện, thiết bị và thí nghiệm, công nghệ thông tin (2)

Đối với trường mầm non thì căn cứ vào Thông tư liên tịch số: 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV Quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Có 4 vị trí gồm nhân viên kế toán; văn thư; y tế; thủ quỹ.

Căn cứ khối lượng công việc thực tế, nhu cầu và vị trí việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ xác định số lượng người làm việc tối đa không vượt qua 02 nhân viên để thực hiện nhiệm vụ về kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ.

Chế độ làm việc, lương và phụ cấp nhân viên trường học

Giật mình với lương giáo viên tập sự!
Giật mình với lương giáo viên tập sự!

Chế độ làm việc thực hiện theo điều 104 Bộ luật Lao động 2012 thực hiện 8 giờ/ngày không quá 48 giờ/tuần, khuyến khích làm việc 40 giờ/tuần.

Các cơ sở giáo dục hoàn toàn có thể bố trí, sắp xếp nhân viên 40 giờ/tuần và đưa cụ thể vào hợp đồng lao động, nếu do công việc nếu làm quá số giờ quy định thì được hưởng chế độ thêm giờ theo quy định.

Các cơ sở giáo dục thường bỏ qua chế độ làm thêm giờ của nhân viên trường học, làm mất mát quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân viên.

Về chế độ trả lương, phụ cấp của từng đối tượng cụ thể như sau:

Đối với nhân viên thiết bị, thí nghiệm tại trường trung học cơ sở trở lên thì nhân viên thiết bị, thí nghiệm được xếp mã số: V.07.07.20 được áp dụng bảng lương viên chức loại A0 có hệ số lương từ 2,1 đến 4,89; Nhân viên thiết bị, thí nghiệm có thể được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm theo công văn số 9552/TCCB ngày 26 tháng 9 năm 2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong phòng thí nghiệm.

Đối với nhân viên thư viện căn cứ quy định tại Thông tư số 02/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV về cách xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện cụ thể trường hợp có trình độ tiến sĩ chuyên ngành thư viện thì được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00 của chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng II (mã số V.10.02.06);

Trường hợp có trình độ thạc sĩ chuyên ngành thư viện thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67 của chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng III (mã số V.10.02.06); 

Trường hợp có trình độ cao đẳng chuyên ngành thư viện thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,06 của chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng IV (mã số V.10.02.07).

Chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với viên chức làm việc trong thư viện, quy định tại thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ và Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21/2/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) 

Đối với nhân viên y tế trường học theo công văn 3561/BGDĐT-NGCBQLCSGD hướng dẫn việc bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức làm công việc hỗ trợ phục vụ trong trường học được xếp lương tương ứng loại B (hệ số lương 1,86 – 4,06), loại A0 (hệ số lương 2,1- 4,89), được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại trường học quy định tại Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.

Viên chức làm công tác kỹ thuật công nghệ thông tin trong trường học, có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp kỹ sư, kỹ thuật viên quy định tại Thông tư liên tịch 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV được xem xét để bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp kỹ sư, kỹ thuật viên.

Nhân viên trường học kiêm nhiệm thêm việc khác có được tính tăng giờ?
Nhân viên trường học kiêm nhiệm thêm việc khác có được tính tăng giờ?

Viên chức làm công tác văn thư trong trường học, có đủ tiêu chuẩn của các chức danh nghề nghiệp văn thư quy định tại Thông tư 14/2014/TT-BNV được xem xét để bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp ngạch văn thư.

Đối với nhân viên kế toán Thông tư số 77/2019/TT-BTC ngày 11/11/2019 của Bộ Tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ quy định: các ngạch công chức chuyên ngành kế toán quy định tại thông tư này được áp dụng bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và được sửa đổi tại Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19/02/2013 của Chính phủ theo đó kế toán thì theo trình độ được xếp lương tương ứng có hệ số khởi điểm từ 1,86 đến 2,34.

Về phụ cấp trách nhiệm kế toán thực hiện theo Thông tư số 163/2013/TTLT-BTC-BNV nếu là kế toán trưởng thì sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc 0,2, nếu không có quyết định kế toán trưởng thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,1.

Trên đây là một số quy định về định mức số lượng nhân viên trường học tại các cơ sở giáo dục công lập.

Đối với chế độ lương, phụ cấp thì hiện nay chế độ có phù hợp chưa, sắp xếp như thế nào cho hợp lý, tác giả xin được trình bày trong các bài viết sắp tới.

BÙI NAM