Các trường phổ thông có cần nhân viên văn thư lưu trữ không?

21/04/2020 08:12
Đỗ Quyên
(GDVN) - Phần lớn, văn thư ở nhiều trường học hiện nay không làm đúng công việc của mình mà thường làm tất cả những công việc gì mà Ban giám hiệu phân công, nhờ vả.

Theo Thông tư số: 16/2017/TT-BGDĐT Thông tư Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập hiện nay đều có vị trí văn thư trường học.

Đối với các cơ quan, tổ chức, công tác văn thư, lưu trữ cũng có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng văn thư ở nhiều trường học hiện lại không vất vả thế này (Ảnh minh họa: lienchieu.danang. gov.vn)
Đối với các cơ quan, tổ chức, công tác văn thư, lưu trữ cũng có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng văn thư ở nhiều trường học hiện lại không vất vả thế này (Ảnh minh họa: lienchieu.danang. gov.vn)

Vậy, văn thư trường học có nhiệm vụ gì trong các trường phổ thông hiện nay?

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác văn thư
...
3. Văn thư cơ quan có nhiệm vụ

a) Đăng ký, thực hiện thủ tục phát hành, chuyển phát và theo dõi việc chuyển phát văn bản đi.

b) Tiếp nhận, đăng ký văn bản đến; trình, chuyển giao văn bản đến.

c) Sắp xếp, bảo quản và phục vụ việc tra cứu, sử dụng bản lưu văn bản.

d) Quản lý Sổ đăng ký văn bản.

đ) Quản lý, sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức; các loại con dấu khác theo quy định.

Các trường học phổ thông hiện nay có cần văn thư lưu trữ không?

Mặc dù Thông tư số: 16/2017/TT-BGDĐT Thông tư Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập hiện nay đều có vị trí văn thư trường học, thế nhưng vài năm trở lại đây, không ít trường học đã không còn tuyển nhân viên văn thư.

Các trường phổ thông có cần nhân viên văn thư lưu trữ không? ảnh 2
Nhân viên trường học vất vả thật không?

Bởi, những công việc như: Đăng ký, thực hiện thủ tục phát hành, chuyển phát và theo dõi việc chuyển phát văn bản đi;

Tiếp nhận, đăng ký văn bản đến; Trình, chuyển giao văn bản đến;… hiện nay diễn ra khá ít.

Thường thì các công văn, văn bản được gửi đến đều bằng email.

Ban giám hiệu đọc và in ra kẹp luôn vào hồ sơ lưu trữ. Hay việc chuyển văn bản đến các trường, đến phòng, sở cũng được Ban giám hiệu thực hiện luôn.

Vì thế, văn thư ở nhiều trường học hiện nay không làm đúng công việc của mình mà thường làm tất cả những công việc gì mà Ban giám hiệu phân công, nhờ vả.

Lương ít nên chẳng làm khó họ làm gì

Có những hiệu trưởng rất hiểu lòng nhân viên vì thế thấy lương văn thư quá thấp cũng du di nhiều về giờ giấc.

Đó là việc không phải đi và về đúng giờ và không phải làm đủ 8 tiếng/ngày.

Có hiệu trưởng lại tạo điều kiện cho nhân viên văn thư làm thêm một số việc để tăng thu nhập như phô tô đề kiểm tra, chụp hình thẻ, ép plastic thẻ bảo hiểm, bán hàng căn tin trong trường…

Hay như việc kiêm nhiệm thêm tạp vụ, làm y tế học đường, quản lý thiết bị trường học…

Nhưng cũng có những hiệu trưởng lại lợi dụng sự nhàn rỗi của nhân viên văn thư để giao cho họ làm những công việc không công như sắp xếp thời khóa biểu, sai việc này, nhờ việc kia (mà toàn những việc không tên).

Tôi không muốn việc nhàn mà lương thấp

Các trường phổ thông có cần nhân viên văn thư lưu trữ không? ảnh 3
Chi tiết định mức số lượng và chế độ của nhân viên trường học

Khi được hỏi, gần như nhân viên văn thư nào cũng có một tâm nguyện: “Tôi không muốn làm việc nhàn mà lương thấp”.

Nhưng làm việc bận rộn để có lương cao thì những nhân viên này sẽ phải làm những việc gì?

Đương nhiên công việc của một văn thư nhà trường có muốn bận rộn cũng chẳng có việc đúng chức năng để làm.

Vì thế, chỉ còn cách sửa Thông tư số: 16/2017/TT-BGDĐT Thông tư Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập hiện nay.

Đó là việc, không còn vị trí văn thư độc lập ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập mà gộp nhiều vị trí nhân viên trong trường lại với nhau.

Ví như bậc tiểu học, trường từ 28 lớp trở lên sẽ chỉ còn 4 nhân viên (trước là 5 nhân viên) gồm: văn thư sẽ kiêm y tế, thủ quỹ; thư viện kiêm thiết bị và công nghệ thông tin; kế toán.

Trường từ 20 đến 27 lớp sẽ có 3 nhân viên gồm: văn thư, kiêm y tế, thủ quỹ; thư viện kiêm thiết bị, công nghệ thông tin; và kế toán.

Trường từ 20 lớp trở xuống chỉ còn 2 nhân viên như kế toán kiêm y tế và văn thư, thư viện và thiết bị kiêm thủ quỹ.

Ngoài việc sáp nhập vị trí các nhân viên trường học, nhà trường phải quản lý nhân viên làm việc đúng quy định giờ hành chính.

Khi đã sắp xếp việc tinh giản các vị trí và quản lý giờ giấc làm việc thì nhà nước cần thực hiện việc sắp xếp lại thang bậc lương cho các nhân viên trường học một cách xứng đáng để ít nhất họ cũng đảm bảo được mức sống căn bản như nhiều giáo viên hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-30-2020-ND-CP-cong-tac-van-thu-436532.aspx

Đỗ Quyên