Nhà trường, giáo viên đã hỗ trợ tận tình bằng nhiều hình thức
Ngay từ những ngày đầu nghỉ học vì dịch Covid-19, nhiều trường học ở khắp nơi đã triển khai việc dạy học thông qua mạng Internet bằng nhiều hình thức.
Thời gian đi học lại, thầy cô và học sinh sẽ phải cố gắng rất nhiều (Ảnh minh họa: Báo Tài nguyên và Môi trường) |
Có giáo viên tổ chức dạy trực tuyến với sĩ số lên đến vài chục em/lớp. Nhưng có thầy cô lại nhiệt tình hơn chia sĩ số học sinh ra từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 8-10 em.
Học sinh học hiệu quả hơn nhưng giáo viên cũng dạy mệt hơn. Mỗi tiết dạy gần hai tiếng đồng hồ, một ngày phải dạy tới 3 nhóm.
Nhiều, thầy cô giáo lập nhóm trên Zalo đưa bài cho học sinh làm (có gợi ý) và thu bài chấm trả ngay khi nhận kết quả.
Lại có giáo viên in bài tập lặn lội đến từng nhà giao tận tay cho phụ huynh và thu lại để chấm sửa bài cho các em.
Hiệu quả không được như mong muốn
|
Dù thầy cô giáo đã hỗ trợ rất tận tình bằng nhiều hình thức dạy học. Thế nhưng hiệu quả mang lại không được như mong muốn.
Không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con học trực tuyến như thế. Có gia đình không có máy tính, điện thoại cục gạch nên muốn con học cũng đành chịu.
Có vùng mạng lại quá chậm, khi đăng nhập vào được lại bất ngờ văng ra. Có em nói rằng không thể nghe hết lời thầy cô giảng nên chẳng hiểu được gì.
Có gia đình cha mẹ lại đi làm cả ngày nên con cũng chẳng có ai kèm cặp, nhắc nhở để có thể ngồi học nghiêm túc hàng tiếng đồng hồ.
Gửi bài qua Zalo, tin nhắn messenger của hội nhóm lớp. Nhiều giáo viên cho biết rất mệt mỏi và phiền nhưng phải ráng thôi. Bởi, học sinh làm bài không đúng giờ thầy cô yêu cầu. Em gửi bài sớm, em gửi muộn, ưng lúc nào gửi lúc đó bất kể là buổi trưa hay tận đêm khuya.
Có học sinh vào hội nhóm nhắn tin hỏi nhau loạn xạ mặc dù thầy cô đã nhắc nhở.
Có những phụ huynh cũng vào nhắn hỏi, thắc mắc lung tung. Vì điều này, không ít phụ huynh khác cảm thấy bực bội vì bị làm phiền.
Có phụ huynh cho biết: “Bài tập thầy cô gửi cho con (học lớp 4) vợ chồng tôi chẳng hiểu gì nên chẳng thể giảng cho cháu được. Vì thế, nó có biết gì đâu mà làm nên gửi bài cô chấm sai hết”.
Người lại nói thẳng: “Nếu chúng tôi giảng được cho con hiểu thì cần gì thầy cô phải đưa bài cho chúng làm? Không được nghe giảng thì làm gì hiểu mà làm được?”.
Cũng có phụ huynh nói gia đình đi làm cả ngày nên để máy tính cho con học bài lại chẳng ai kiểm soát. Thế nên, con học không được bao nhiêu mà học ngay thói quen chơi game trên mạng vì: “Nó học thì ít mà lợi dụng chơi thì nhiều”.
Những tiếng nói than phiền dù thật nhưng không bao giờ được công khai
Học sinh học trực tuyến (bao gồm truyền hình và online) hiệu quả đến mức nào mà ai đó phát biểu trên báo, trên đài sẽ chẳng bao giờ có được những đánh giá tổng quát, khách quan.
Đơn giản chỉ vì, khi phát biểu người ta chỉ dám nói đến một vài điều tích cực vì sẽ có khá nhiều phiền toán gặp phải nếu chia sẻ hết những khó khăn, vướng mắc.
|
Thế nhưng khi giáo viên ngồi lại với nhau thì những hạn chế đằng sau đó mới có dịp bị bóc trần, tung hô ra hết.
Chúng tôi có thể khẳng định rằng hiệu quả của dạy học trực tuyến mang lại chưa tới 50%, việc giao bài trên Zalo, tin nhắn messenger, đưa bài tập về nhà thì gần như chẳng mấy hiệu quả.
Không mấy tác dụng cũng chẳng hiệu quả thì tại sao các nơi vẫn cứ làm? Trong giáo dục luôn có hiệu ứng bắt chước “ai sao mình vậy” mà chẳng cần biết điều kiện đặc thù của địa phương mình làm thế có hiệu quả không? Cứ với suy nghĩ: “Họ làm được thì mình vẫn phải làm được thôi”…còn nặng nề lắm.
Ngay cái việc, thầy cô vùng rẻo cao mang bài tới tận nhà cho học sinh và vài ngày sau lại trèo đèo lội suối tới tận nơi lấy bài về. Các vị quản lý thì ca ngợi hiệu quả bất ngờ nhưng nhiều đồng nghiệp nơi ấy nói, học sinh chẳng chịu làm bài vì có hiểu đâu mà làm?
Thầy cô giao bài thế nào khi nhận lại gần như thế ấy (trừ một số rất ít học sinh có lực học giỏi chịu làm). Các thầy cô nói, đặc thù của học sinh nơi đây vốn không ham học, ở ngay trên lớp dưới sự giám sát của giáo viên mà nhiều em vẫn còn chưa chịu học nữa là.
Thầy cô sẽ vất vả nhiều hơn
Phụ huynh nôn nóng cho con đi học vì các cháu đã quên hết bài nhưng giáo viên chúng tôi cũng nôn nóng không kém. Với học sinh tiểu học, thời gian nghỉ gần 3 tháng như thế là quá dài.
Sẽ có khá nhiều em quên hết mặt chữ (học sinh lớp 1), quên hết bảng nhân chia, quên cách chia, cộng trừ có nhớ…Để lấy lại những kiến thức căn bản cũng phải mất vài tuần giảng dạy lại sau đó mới có thể dạy tiếp. Hơn ai hết, giáo viên sẽ là những người chịu nhiều vất vả nhất.
Sẽ có những học sinh quên luôn kiến thức đã học từ học kỳ 1, có những học sinh cần được học và củng cố ngay những kiến thức cơ bản để tiếp thu kiến thức mới, lại có những học sinh cần bổ sung kiến thức nâng cao…
Trong một tiết học chỉ 35 phút (bậc tiểu học và 45 phút của trung học) cũng chẳng dễ dàng gì để thầy cô đáp ứng được hết.
Dù có học trực tuyến thì khi vào học giáo viên vẫn phải dạy lại từ đầu.
Và, “Cuộc chiến” học tập sẽ thật sự bắt đầu khi học sinh đi học trở lại.