Giáo viên dạy tăng tiết khi giãn cách học sinh, có được tính tăng giờ?

03/05/2020 07:44
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Việc tăng giờ sẽ được tính như thế nào khi giáo viên dạy tăng tiết vì giãn cách chống dịch Covid-19?

Việc quy định học sinh đi học ngồi cách nhau 1.5 mét mỗi phòng học không quá 20 em, đã phát sinh nhiều vấn đề cho nhà trường, trong đó có vấn đề tăng lớp học; giáo viên tăng tiết dạy; tiết dạy tăng của của giáo viên trong thời gian này có được tính tăng giờ không, tính như thế nào?

Thầy giáo Nguyễn L. hiệu phó chuyên môn ở Vũng Tàu chia sẻ “Trường tôi có 14 lớp 9, tổng số gần 500 học sinh; nay phải biên chế thành 25 lớp, như vậy phát sinh thêm 11 lớp.

Tăng lớp đồng nghĩa với tăng biên chế giáo viên, thế nhưng giáo viên không đổi nên phải xếp dạy tăng tiết cho giáo viên hiện có.

Như vậy 11 lớp mỗi tuần tăng gần 300 tiết, số tiết này sẽ phải tính tăng giờ; tính trung bình mỗi tiết tăng giờ là 100.000 đồng, số tiền chi cho 1 tuần sẽ là 30 triệu đồng.

Đó là chỉ tính riêng khối 9, nếu đồng loạt 4 khối đi học lại, vẫn giữ giãn cách như thế này, mỗi tuần cần thêm ít nhất 120 triệu đồng để trả tăng giờ.

Ngân sách đâu mà chi? Nhà trường có được cấp kinh phí bổ sung không?

Ngoài ra phòng học không đủ, giáo viên thiếu; muốn đáp ứng được chỉ còn cách học 3 ca/ngày”

Vậy tăng giờ sẽ được tính như thế nào khi giáo viên dạy tăng tiết vì giãn cách chống dịch Covid-19?

Đi học trở lại sau, học sinh phải thực hiện giãn cách để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: VTV)
Đi học trở lại sau, học sinh phải thực hiện giãn cách để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: VTV)

Căn cứ vào Thông tư liên tịch số: 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ trả thêm giờ đối với giáo viên dạy trong các cơ sở giáo dục công lập kèm theo chế độ làm việc của giáo viên phổ thông tại Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, định mức tiết dạy của giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần x 37 tuần/năm = 629 tiết/năm;

Trung học cơ sở là 19 tiết/tuần x 37 tuần = 703 tiết/năm;

Tiểu học 23 tiết/tuần x 35 tuần = 805 tiết/năm.

Số tiết giáo viên thực hiện vượt số tiết định mức, sẽ được tính tăng giờ.

Giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học
Giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học

Do dịch Covid-19, Bộ đã tinh giản kiến thức và bài kiểm tra đánh giá nên thời lượng năm học giảm đi khoảng 6 tuần; tuy nhiên chưa có văn bản nào quy định số tiết định mức mới, định mức tiết dạy vẫn không thay đổi; tính theo 37 tuần với bậc học phổ thông, 35 tuần với tiểu học.

Do vậy, giáo viên vẫn phải tính định mức tiết dạy như cũ khi tính số tiết tăng giờ.

Dù dạy tăng tiết khi giãn cách học sinh để phòng chống dịch, giáo viên vẫn phải tính tổng số tiết mình thực hiện trong năm học 2019-2020 lớn hơn số tiết định mức theo bậc học mình dạy mới được tính tăng giờ (lương làm thêm giờ).

Kiến nghị của người viết: Thực tế khi thực hiện giãn cách học sinh 1.5 mét đã gặp nhiều bất cập khi thực hiện, vì vậy các cơ quan chức năng cần linh hoạt hơn trong quy định giãn cách học sinh trong lớp học; tùy từng khu vực để có quy định giãn cách linh hoạt, phù hợp.

Ngoài ra cần tuyên truyền nhắc nhở học sinh thời gian nghỉ chuyển tiết không được tụm ba, tụm bảy; nếu không giãn cách ngồi cách nhau 1.5 mét cũng không có tác dụng.

Sơn Quang Huyến