Chống lại “cái chết” do internet và mạng xã hội ở Việt Nam

02/05/2020 06:31
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Với thực tiễn Việt Nam, dường như mở cửa internet theo kiểu “trăm hoa”, đa số người dân chưa được chuẩn bị cho những tác động tích cực lẫn tiêu cực...

Hơn 20 năm internet phát triển tại Việt Nam, chúng ta được coi là quốc gia phát triển nhất Đông Nam Á về số lượng người dùng internet, 45-60 triệu tài khoản [1], vào thời điểm dân số “vàng” đáng mơ ước của nhiều quốc gia [1].

Dẫu dân số trẻ đông, dùng internet và mạng xã hội nhiều, năng lực lao động và chỉ số sáng tạo của người Việt nói chung, sinh viên Việt Nam nói riêng, khá khiêm tốn, theo tổng kết của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) [2].

70% số người dùng mạng xã hội chỉ để “giải trí” [3]; và đủ các kiểu “văn hóa” diễn ra trên các trang mạng và các kênh truyền thông, mà không rõ, cách nào khai thác sức mạnh mạng xã hội và internet làm nguồn giáo dục cho một đất nước mà nhân lực cao rất thiếu!

Ở góc độ giáo dục, gần đây tôi có đọc được nghiên cứu về tác động của giáo dục “công nghệ thông tin” cho giảng dạy, nhưng cũng chưa có hiệu quả [4]!

Internet và mạng xã hội có tác động tích cực lẫn tiêu cực. (Ảnh minh họa trên Daidoanket.vn)
Internet và mạng xã hội có tác động tích cực lẫn tiêu cực. (Ảnh minh họa trên Daidoanket.vn)

Với thực tiễn Việt Nam, dường như mở cửa internet theo kiểu “trăm hoa”, đa số người dân chưa được chuẩn bị cho những tác động tích cực lẫn tiêu cực, trong “văn hóa” kết nối số đông trên các trang mạng xã hội, trong khi nền kinh tế Việt Nam cũng vẫn là nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài:

70% giá trị xuất khẩu thuộc về doanh nghiệp FDI [5];

Vốn vay ODA tăng nhiều lần, nhưng khó chứng minh được tính hiệu quả trong giáo dục [6]; 

GDP, mặc dù được ca ngợi, cũng vẫn chỉ đang ở mức trung bình thấp ($2.500/người) [7];

Gần đây, Chính phủ thúc đẩy dự án đã kéo dài hơn 20 năm qua: xây dựng chính phủ điện tử.

Nhưng cứ như một hình ảnh chứng minh về năng lực tầm nhìn và thực tế “quản trị kinh tế” Việt Nam, đó là dự án tàu điện trên cao với các cột xây hàng chục năm qua mà chưa vận hành, số vốn đi vay của dự án tăng gấp 2 – 3 lần dự toán ban đầu; công nghệ giờ đã lạc hậu, Hà Nội phải tiếp tục đi vay với lời than “không biết lấy tiền đâu để trả nợ” [8]!

Công nghệ 4G/5G được quảng bá khắp nơi, nhưng những địa phương nghèo hay đặc biệt nghèo vẫn là danh sách dài trong diện “xin trợ cấp từ ngân sách nhà nước”, thì điện thoại và tiếp cận internet không phải ai cũng có cơ hội ngay ở những thành phố lớn nhất Việt Nam [9].  

Hài hước là khi đọc tin về buôn lậu phụ nữ và trẻ em ở các tỉnh biên giới phía bắc và phía nam, tiếp giáp với Trung Quốc và Campuchia, hầu hết các vụ việc đều có liên quan đến sử dụng mạng xã hội để lừa gạt! [10]

“Không để chúng ta (con người) bị biến thành công cụ”
“Không để chúng ta (con người) bị biến thành công cụ”

Với thực trạng của nền khoa học và thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ không mạnh, các nghiên cứu khoa học có thể công bố quốc tế của đại học Việt Nam còn giới hạn [11], thì việc chúng ta sử dụng internet, công nghệ giáo dục và mạng xã hội vào việc giáo dục - nghiên cứu và nhận thức xã hội cho số đông để xây dựng xã hội học tập nên như thế nào?

Trong một đề xuất về xây dựng trung tâm nghiên cứu giáo dục quốc tế với Bộ Giáo dục – Đào tạo [12], tôi có đưa ra một vài hướng nhằm phát triển giáo dục đại học, mà bước đầu, có thể hợp tác phát triển giữa các thư viện – sinh viên và các nhóm nghiên cứu.

Lý do đưa ra đề xuất này:

(1) Sinh viên là nền tảng tương lai của nhân lực đất nước, nhưng khi thông tin thiếu cập nhật; học tập và nghiên cứu “chay” và một chiều; ý nghĩa của sinh viên “kết nối” với thế giới học thuật, các bạn đó sẽ biết làm gì?

Đấy là chưa tính đến hạn chế về ngoại ngữ như một rào cản lớn cho giới trẻ sinh viên Việt Nam kết nối thế giới [13].

(2) Tri thức trong đại học chỉ là nền tảng ban đầu, nhưng dạy phương pháp học và nghiên cứu cho sinh viên Việt Nam hầu như khá hạn chế. 

Việc hợp tác với các đại học và sinh viên quốc tế tại một số đại học quốc gia, theo quan điểm cá nhân tôi, chỉ đang dừng ở chương trình khung, mà như nhận xét của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi dự án còn tiền thì “còn chạy”, hết tiền thì tắt [14], “kết nối giáo dục quốc tế” của đại học Việt Nam có những lợi ích gì? 

Và giả sử có giáo sư và sinh viên quốc tế đến với Việt Nam, với những hạn chế như trên, họ có thể “hợp tác” với các đại học Việt Nam thế nào [14]?

(3) Thư viện là một trong những nguồn thông tin quan trọng cho giảng dạy và nghiên cứu tại đại học, và nên mở cho công chúng.

Nhưng thực tế thư viện đại học Việt Nam đang rất thiếu cả về số lượng và chất lượng [15], thì internet và công nghệ số hóa dữ liệu, hay kết nối quốc tế mà chúng ta đang ca ngợi, phục vụ cho giáo dục đại học, cho sinh viên nghiên cứu, ra sao?

Những khía cạnh trên đây chỉ là một vài trong nhiều thách thức cho giáo dục đại học Việt Nam, mà dù ai đó ca ngợi tăng trưởng kinh tế, tôi chỉ e là chúng ta vẫn đang tiếp tục “tụt hậu” trong giáo dục đại học, bất chấp số lượng người dùng internet có thể được xếp hạng đâu đó [16]. 

Tụt hậu của Việt Nam về năng lực nghiên cứu – sáng tạo và khả năng học “thật” để xây dựng tính bền vững trong giáo dục được nhìn thấy rõ nhất qua khoảng cách giàu nghèo trong xã hội 20 năm qua và cơ hội tiếp cận với giáo dục có chất lượng cũng chỉ dành cho số ít [17]!

Internet và công nghệ giáo dục hình như tạo ra một số “ảo ảnh”, khi họ mơ (giống như tôi đã từng mơ) [18], về cơ hội thay đổi nhanh chóng chất lượng giáo dục. Nhưng với trách nhiệm cho thế hệ tương lai, chúng ta phải nghiêm túc trả lời một câu hỏi cụ thể:

“Giáo dục đại học, hay giáo dục nói chung, chất lượng thấp, thì đào tạo ra nguồn nhân lực nào?”

Vậy, tương lai nào dành cho giới trẻ, giới sinh viên và xã hội Việt Nam? Hay tất cả chúng ta chỉ là thị trường tiêu thụ “tri thức”, mà khi Việt Nam chỉ là nền kinh tế phụ thuộc, đâu cần đến tri thức thật?

Để tìm câu trả lời cho tương lai, hãy lấy ví dụ của Intel Việt Nam: hàng nghìn kỹ sư dự tuyển và khá ít người Việt đạt chuẩn để làm việc vào năm 2006 khi Intel mở nhà máy [19]; và sau 10 năm hoạt động, Intel đánh giá Việt Nam vẫn đang ở “đáy đường cong nụ cười” [20]. 

Liệu Chính phủ, giới công nghệ, có thể giúp đại học/sinh viên Việt Nam vượt qua “đáy” này không?

Tài liệu tham khảo:

[1] Hội Tin học Việt Nam; Tuổi Trẻ, https://tuoitre.vn/nguoi-viet-chua-giau-da-gia-lai-ganh-no-cong-qua-lon-20171018155013143.htm

[2] WIPO, Global Innovation Index; IPRs in Countries;

[3] SOHA, https://soha.vn/hon-70-nguoi-viet-so-huu-smartphone-chi-de-su-dung-cac-tinh-nang-co-ban-2018071121495906.htm

[4] Issues and Challenges in Using ICT for Teaching English in Vietnam http://callej.org/journal/20-3/Pham-Tan-Lee2019.pdf

[5] FUV, Intel Products Vietnam, 10 Years Investment Impact Study Report 2006-2016, https://fsppm.fulbright.edu.vn/en/policy-papers/policy-research/intel-products-vietnam-10-year-investment-impact-study-report-2006-2016/; FUV, VTT. Anh, https://baomoi.com/ts-vu-thanh-tu-anh-khong-lam-toi-noi-toi-chon-sau-10-nam-nen-kinh-te-lai-de-gap-bat-on/c/24596984.epi

[6] Nguyễn Ngọc Trân, ODA trong giáo dục cần được kiểm soát (Báo Giáo dục)

[7] WB, https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview

[8] Dự án tàu điện trên cao Hà Đông – Cát Linh;

[9] http://chuongtrinh135.vn/van-ban/phe-duyet-danh-sach-xa-dac-biet-kho-khan-xa-bien-gioi-xa-an-toan-khu-vao-dien-dau-tu-cua-chuong-trinh-135-giai-doan-2017-2020-d577.html

[10] VNExpress, Chống buôn người qua biên giới: Blue Dragon, www.bluedragon.org/emergency-appeal

[11] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Đào tạo nghiên cứu ở Việt Nam: Công bố hay là Chết, Bàn về công bố quốc tế, http://www.newasiagloballearning.com/san-pham/hoc-doi-doi-hoc/cong-bo-hay-la-chet-ban-ve-cong-bo-quoc-te-de-bao-ve-luan-an-tien-sy.html; Sự thiếu vắng nền tảng nghiên cứu khoa học xã hội trong chính sách giáo dục ở Việt Nam… http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/su-thieu-vang-nen-tang-nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-trong-chinh-sach-giao-duc-o-viet-nam-vi-du-tu-du-thao-quy-dinh-tieu-chuan-giao-su-pho-giao-su-viet-nam.html; Giáo sư là Thầy dạy học?, http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/giao-su-la-thay-day-hoc.html

[12] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Đề xuất gửi Bộ Giáo dục Đào tạo về Trung tâm nghiên cứu quốc tế hóa giáo dục đại học http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/de-xuat-ve-trung-tam-nghien-cuu-quoc-te-hoa.html;

[13] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Giáo dục Việt Nam, Ngược Chiều Vun Vút, http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/giao-duc-viet-nam-nguoc-chieu-vun-vut.html; https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/doanh-nghiep-dau-dau-vi-cu-nhan-thieu-du-thu-20181213155835748.htm;

[14] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Đề xuất gửi Bộ Giáo dục Đào tạo về Trung tâm nghiên cứu quốc tế hóa giáo dục đại học http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/de-xuat-ve-trung-tam-nghien-cuu-quoc-te-hoa.html; VNN, Chương trình tiên tiến từ vệt sáng .... https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/nhieu-chuong-trinh-tien-tien-tu-vet-sang-tro-thanh-dom-dom-349668.html;

[15] Hiệp Hội Đại học và Cao Đẳng Việt Nam, Báo cáo sơ bộ khảo sát về thư viện tại đại học và cao đẳng Việt Nam 2017;

[16] Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/nguoi-viet-chua-giau-da-gia-lai-ganh-no-cong-qua-lon-20171018155013143.htm; Giáo dục, https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-duc-pho-thong-viet-nam-truoc-nguy-co-tut-hau-so-voi-campuchia-post182620.gd

[17] Oxfam, 2017 https://vietnam.oxfam.org/sites/vietnam.oxfam.org/files/file_attachments/Vietnam%20Inequality%20Report_ENG.pdf; Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Công nghệ và Bất Bình Đẳng, http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/cong-nghe-va-bat-binh-dang-xa-hoi.html; Tuổi Trẻ, https://tuoitre.vn/nguoi-viet-chua-giau-da-gia-lai-ganh-no-cong-qua-lon-20171018155013143.htm

[18] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Future of Internationalization of HE: Quo Vadis?, http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/future-of-internationalization-of-higher-education-he-quo-vadis.html; Thế giới tươi đẹp, http://www.newasiagloballearning.com/gioi-thieu/the-gioi-tuoi-dep.html

[19] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Giáo dục Việt Nam, Ngược Chiều Vun Vút, http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/giao-duc-viet-nam-nguoc-chieu-vun-vut.html; FUV, Intel Products Vietnam, 10 Years Investment Impact Study Report 2006-2016, https://fsppm.fulbright.edu.vn/en/policy-papers/policy-research/intel-products-vietnam-10-year-investment-impact-study-report-2006-2016/; Dân trí, Doanh nghiệp đau đầu vì cử nhân thiếu đủ thứ; https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/doanh-nghiep-dau-dau-vi-cu-nhan-thieu-du-thu-20181213155835748.htm

[20]  Thời Báo Kinh Tế Sài gòn, Intel - Báo Cáo 10 năm Hoạt động tại Việt Nam, “Đáy đường cong nụ cười”,
http://www.thesaigontimes.vn/154781/Kinh-te-Viet-Nam-va-duong-cong-nu-cuoi.htmlCafeF, Việt Nam ở đâu trong chuỗi sản xuất toàn cầu, http://cafef.vn/viet-nam-o-dau-trong-chuoi-san-xuat-toan-cau-20170305172200301.chn; R. Sharma, The rise and fall of nations: Forces of change in the post-crisis world.

Nguyễn Thị Lan Hương