Trao nhầm “chìa khóa” thì hậu họa khôn lường!

01/05/2020 07:22
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo ông Lê Như Tiến, người giới thiệu nhân sự phải chịu trách nhiệm về nhân sự mình giới thiệu nếu họ vào vòng lao lý vì sai phạm trong công tác.

Hiện nay, công tác cán bộ, nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 13 đang được tiến hành và thu hút dư luận quan tâm. Để có một bộ máy lãnh đạo xuất sắc là mong muốn của toàn dân.

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiến niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Công tác cán bộ, đặc biệt công tác nhân sự từ nay cho đến khi đại hội cực kỳ quan trọng. Đây là mình chuẩn bị trao “chìa khóa” tương lai cho một thế hệ cán bộ mới, lãnh đạo mới”.

Ông Lê Như Tiến cho rằng chọn nhân sự không được chọn nhầm người (ảnh nguồn quochoi.vn).
Ông Lê Như Tiến cho rằng chọn nhân sự không được chọn nhầm người (ảnh nguồn quochoi.vn).

Theo ông Lê Như Tiến, trao “chìa khóa” thì phải trao cho người đáng tin cậy. Còn nếu trao nhầm người thì thì sau này họ dùng chính “chìa khóa” đó mở những “két” của nhà nước và làm hư hại.

Thời gian qua có những người từng là thành viên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng nhưng lại không phải là người tin cậy để giữ “chìa khóa” tương lai của đất nước.

Nhân sự cốt cán của Đảng phải là người đưa đất nước phát triển trong tương lai đòi hỏi những cá nhân đó phải có năng lực, đủ phẩm chất và bản lĩnh.

Phẩm chất là lòng trung thành, sự trong sạch, tận tụy một lòng phục vụ nhân dân, đất nước. Năng lực là khả năng hoàn thành trọng trách được giao. Bản lĩnh là để đưa cương lĩnh thành hiện thực. Tổ chức thực hiện yếu thì bao nhiêu ý định tốt đẹp chỉ trên giấy.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Công tác cán bộ dễ nảy sinh vấn đề, tâm tư day dứt
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Công tác cán bộ dễ nảy sinh vấn đề, tâm tư day dứt

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Không được trao “chìa khóa” cho những người cơ hội chính trị, giàu lên nhanh chóng, tài sản lớn không phải do mồ hôi nước mắt, những người nói mà không làm.

Hay không để lọt những đối tượng mà như Tổng Bí thư nói: “trông bề ngoài đẹp còn bên trong chắc gì tương xứng với bề ngoài. Tức đó là những người nội dung và hình thức không đi đôi với nhau”.

Hay các trường hợp luồn lọt chui sâu, leo cao. Đó là người cơ hội chính trị, leo cao vì mục đích cá nhân, lợi ích nhóm chứ không vì lợi ích đất nước, dân tộc của nhân dân. Những dấu hiệu đó tôi thấy thấm thía”.

Để chọn được những nhân sự đạt tiêu chuẩn năng lực, đạo đức, bản lĩnh theo ông Lê Như Tiến cần thiết phải thực hiện các giải pháp sau: “Người giới thiệu phải chịu trách nhiệm về nhân sự họ giới thiệu. Không để việc nhân sự được giới thiệu vào vòng lao lý mà cá nhân đề xuất không chịu trách nhiệm. Vì vậy, người giới thiệu nhân sự phải chịu trách nhiệm đến cùng”.  

Ngoài ra, công tác nhân sự phải tin vào tai mắt của nhiều kênh khác nhau như nhân dân, cử tri nơi cư trú hoặc nơi công tác, thông tin đại chúng hay kênh của các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp.

Có một giải pháp nữa là công khai danh tính những nhân sự sẽ đưa vào trung ương, trụ cột để người dân, cử tri nhìn vào đánh giá, giám sát.

Trinh Phúc