Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Mục tiêu tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030. Ảnh minh họa: TTXVN |
Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 (Nghị quyết 50-NQ/TW khóa XII) về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là "Hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài.
Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030".
Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 50-NQ/TW khóa XII; đánh giá chung xu thế chuyển dịch của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ; tác động của xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn; tác động suy thoái toàn cầu của đại dịch COVID-19, Chính phủ ban hành Chương trình hành động để khắc phục khó khăn, nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư nước ngoài thời gian tới.
Nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 50-NQ/TW khóa XII đề ra, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ:
1- Đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động.
2- Tăng cường ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
3- Hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài.
4- Hoàn thiện chể chế, chính sách thu hút đầu tư.
5- Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm và hợp tác của nhà đầu tư.
6- Hoàn thiện chể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư.
7- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.
8- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để thực hiện Nghị quyết theo quy định.
Các bộ, ngành thường xuyên cập nhật, tổng hợp số liệu phân tích đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài theo chuyên ngành; tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật chuyên ngành do bộ, ngành mình quản lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư nước ngoài và kịp thời đề xuất điều chỉnh chính sách.
Người đứng đầu các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bám sát tình hình thực tế, chủ động theo dõi, đánh giá để có biện pháp xử lý linh hoạt, kịp thời hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền những giải pháp chỉ đạo, điều hành bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Định kỳ hàng năm (trước ngày 31 tháng 3) báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết; hàng năm tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả triển khai các nội dung nêu tại Nghị quyết này.