Chỉ thị của Bộ trưởng Nhạ, tăng cường thanh tra đối với hệ thống giáo dục

30/04/2020 06:16
Thùy Linh
(GDVN) - Bộ trưởng Nhạ yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có Thanh tra sở, nhất thiết phải thành lập Thanh tra sở theo đúng quy định pháp luật.

Ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ban hành chỉ thị 1048/CT-BGDĐT về việc tăng cường thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và tự chủ giáo dục đại học.

Theo đó, Chỉ thị nêu rõ, ngày 20/12/2016 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị số 5972/CT-BGDĐT về việc tăng cường thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Sau gần 4 năm thực hiện Chỉ thị số 5972/CT-BGDĐT, công tác thanh tra giáo dục đã đạt được nhiều kết quả tích cực:

Đội ngũ Thanh tra giáo dục các cấp tiếp tục được kiện toàn, bổ sung; hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo đuợc tăng cường; kịp thời phát hiện những vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý theo quy định pháp luật, góp phần củng cố nề nếp, kỷ cương trong hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, hệ thống Thanh tra giáo dục còn những hạn chế, bất cập ví như, có Sở Giáo dục và Đào tạo không có Thanh tra Sở theo quy định của Luật Thanh tra 2010;

Đội ngũ cán bộ thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo không ổn định, số lượng chưa đáp ứng yêu cầu công việc; chất lượng hoạt động thanh tra còn nhiều hạn chế.

Thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học không ổn định, vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về nghiệp vụ; nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa có cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ.

Công tác phối hợp trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; hiệu quả thực hiện kết luận thanh tra còn hạn chế.

Để công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và tự chủ đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị toàn ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 5972/CT-BGDĐT ngày 20/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ; đồng thời thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giáo dục như Luật Giáo dục số 43/2019/QH13 ngày 14/6/2019, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018;

Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung của một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Bộ trưởng Nhạ yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có Thanh tra sở, nhất thiết phải thành lập Thanh tra sở theo đúng quy định pháp luật.(Ảnh minh họa: Báo Thanh tra)
Bộ trưởng Nhạ yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có Thanh tra sở, nhất thiết phải thành lập Thanh tra sở theo đúng quy định pháp luật.(Ảnh minh họa: Báo Thanh tra)

Quy định pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng và tiếp công dân đến các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành để thống nhất thực hiện;

Quán triệt Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về đổi mới giáo dục phổ thông và tự chủ giáo dục đại học.

Người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò công tác thanh tra và trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Giáo dục đối với công tác thanh tra, chú trọng đến phương pháp, đối tượng, địa điểm và hình thức tuyên truyền đảm bảo thiết thực hiệu quả, tránh chung chung, hình thức.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện các văn bản, quy định pháp luật, hướng dẫn về thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiếp công dân và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và tự chủ giáo dục đại học.

Thứ ba, xây dựng hệ thống thanh tra giáo dục trong đó: 

Kiện toàn cơ cấu tổ chức, nhân sự làm công tác thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục theo đúng quy định hiện hành; có cán bộ phụ trách các lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ; cán bộ phụ trách Tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng và thực hiện kết luận thanh tra.

Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có Thanh tra sở, nhất thiết phải thành lập Thanh tra sở theo đúng quy định pháp luật.

Tiếp tục tổ chức đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục theo hướng chuẩn hóa, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và tự chủ giáo dục đại học; công nhận cộng tác viên thanh tra đảm bảo chất lượng, số lượng theo quy mô giáo dục.

Ứng dụng Công nghệ thông tin, phần mềm quản lý công tác thanh tra trong quản lý hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; tăng cường các điều kiện bảo đảm về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động thanh tra đảm bảo thiết thực hiệu quả.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra các cấp, trong xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tránh chồng chéo hoặc buông lỏng trong thanh tra, kiểm tra, chú trọng thực hiện kết luận thanh tra các cấp.

Thứ tư, về tổ chức thực hiện

Đối với thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục chức năng của Bộ rà soát trình Bộ trưởng xem xét quyết định:

Hoàn thiện quy định pháp luật về thanh tra giáo dục; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ; bổ sung đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, biên chế được duyệt theo quy định;

Tăng cường công tác dự báo, tham mưu để xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về giáo dục.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra có hiệu quả, tránh chồng chéo, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nội dung:

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói sẽ giám sát để thi tốt nghiệp khách quan, tin cậy
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói sẽ giám sát để thi tốt nghiệp khách quan, tin cậy

Về thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông:

Các điều kiện đảm bảo cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, việc tổ chức dạy học ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục, công nhận trường chuẩn quốc gia, việc thực hiện công khai;

Việc thực hiện tự chủ giáo dục đại học: Tổ chức và hoạt động của hội đồng trường; việc xây dựng và ban hành văn bản theo thẩm quyền; việc thực hiện tự chủ về tổ chức, bộ máy; tự chủ tài chính; tự chủ về mở ngành đào tạo, tổ chức tuyển sinh, liên kết đào tạo, kiểm định chất lượng giáo dục, quản lý đào tạo, quản lý văn bằng, chứng chỉ; nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ; hợp tác quốc tế; việc thực hiện công khai.

Đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, kịp thời truyền thông để xã hội cùng giám sát;

Tăng cường thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của các bộ ngành, địa phương theo quy định tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

- Chủ trì, phối hợp với Học viện Quản lý giáo dục, Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, chương trình;

Cập nhật tài liệu bồi dưỡng cộng tác viên thanh tra giáo dục để phù hợp với mục tiêu hoạt động thanh tra theo yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và tự chủ giáo dục đại học; tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra giáo dục và cộng tác viên thanh tra giáo dục.

- Chủ trì tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến năm 2020” theo Quyết định số 4405/QĐ-BGDĐT, Nghị định số 42/2013/NĐ-CP, đề xuất giải pháp hoàn thiện tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục toàn ngành.

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo

- Rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quy định tiêu chuẩn Chánh Thanh tra Sở, Phó Chánh Thanh tra Sở; bổ nhiệm Chánh Thanh tra Sở, Phó Chánh Thanh tra Sở, ngạch thanh tra theo quy định.

- Chấm dứt tình trạng không có Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Chỉ đạo Thanh tra Sở xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm trong đó tập trung vào việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên; các điều kiện đảm bảo cho việc dạy và học, thi, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục;

Hoan nghênh Bộ Giáo dục đã tiếp thu, kịp thời thay đổi thi quốc gia
Hoan nghênh Bộ Giáo dục đã tiếp thu, kịp thời thay đổi thi quốc gia

Chuẩn bị cho việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2021 theo lộ trình, phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến năm 2020” theo Quyết định số 4405/QĐ-BGDĐT và Nghị định số 42/2013/NĐ-CP tại địa phương, báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/6/2020.

Đối với thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học

- Xây dựng và bố trí lực lượng thanh tra nội bộ thiết thực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình; đảm bảo kinh phí và các điều kiện cho hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng và các khoản chi khác đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.

- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra nội bộ có trọng tâm, trọng điểm trong đó tập trung vào việc thực hiện tự chủ giáo dục đại học như:

Hoạt động của hội đồng trường; việc xây dựng và ban hành văn bản theo thẩm quyền; việc thực hiện tự chủ về tổ chức, bộ máy; tự chủ tài chính; tự chủ về mở ngành đào tạo, tuyển sinh, liên kết đào tạo, kiểm định chất lượng giáo dục, quản lý đào tạo, quản lý văn bằng, chứng chỉ; nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ; hợp tác quốc tế; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.

- Thực hiện nhiệm vụ của thủ trưởng đơn vị trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng tại đơn vị theo quy định pháp luật.

Thứ năm, giao Chánh Thanh tra Bộ giúp Bộ trưởng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ báo cáo Bộ trưởng tình hình thực hiện Chỉ thị; tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt Chỉ thị.

Chỉ thị này được phổ biến đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ sở giáo dục trong cả nước và các đơn vị liên quan để tổ chức quán triệt và thực hiện.

Thùy Linh