Chiến thắng để có hòa bình

30/04/2020 10:28
Theo Báo Quân đội nhân dân
(GDVN) - Cuộc chiến tranh chính nghĩa đem lại chiến thắng cho đất nước ta, nhân dân ta nhưng đồng thời cũng mang lại lợi ích cho nhiều dân tộc khác trên thế giới...

“Không chỉ riêng Việt Nam mà với bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, chính nghĩa là yếu tố quyết định cho mọi thắng lợi quân sự hoặc chính trị. Nhưng nếu chỉ cứ âm thầm nghĩ rằng có chính nghĩa là đủ thì chưa phải.

Cần phải biết giương cao ngọn cờ chính nghĩa để người dân cũng như cộng đồng quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta”.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện với báo chí mới đây về chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong cuộc trao đổi với báo chí.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong cuộc trao đổi với báo chí.

Vì sao cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam?

Trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh cũng là từng ấy thời gian biết bao xương máu của người dân Việt Nam đã đổ xuống, thấm từng tấc đất trên khắp đất nước ta.

Chúng ta sẵn sàng hy sinh tất cả, quyết chiến, quyết thắng không phải để lấy thêm một mét đất hay của cải vật chất của bất kỳ ai.

“Chiến đấu và chiến thắng 30/4/1975 là để đất nước ta có độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ và có hòa bình.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, chúng ta đánh thắng để có hòa bình. Có hòa bình rồi tiến tới tình hữu nghị và chúng ta đang xây đắp điều đó.

Cuộc chiến tranh mà không đem đến hòa bình và xa hơn là không đem đến tình hữu nghị là cuộc chiến tranh vô nghĩa.

Chúng ta đánh thắng không phải để lấy cái gì mà vì hòa bình, vì tình hữu nghị, vì lợi ích cho cả nhân dân ta và cả nhân dân các nước từng gây chiến với mình. Chính nghĩa của Việt Nam là ở chỗ đó”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Cũng vì lẽ đó mà trong các cuộc chiến tranh trước đây, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ to lớn của bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có cả nhân dân Mỹ.

“Họ luôn nói là ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.

Cuộc chiến tranh chính nghĩa đem lại chiến thắng cho đất nước ta, nhân dân ta nhưng đồng thời cũng mang lại lợi ích cho nhiều dân tộc khác trên thế giới, ngoại trừ những kẻ đi xâm lược. Các nước xem thắng lợi của Việt Nam cũng là thắng lợi của chính mình.

“Đó không phải là cách nói ngoại giao mà là một chân lý. Ai trên thế giới này cũng cần độc lập, tự chủ, cũng mong muốn có Tổ quốc, có hòa bình.

Không người dân nào trên thế giới lại có thể yêu mến những kẻ xâm lược. Chiến thắng của chúng ta trước quân xâm lược chính là nguồn cổ vũ, khích lệ, đem lại lợi ích cho cả những dân tộc khác nên họ mới ủng hộ chúng ta”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ.

Ngày 15/11/1969, hơn 500.000 người đổ xuống đường ở thủ đô Washington tham gia một trong những cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử Mỹ để phản đối chiến tranh Việt Nam. Ảnh: history.com
Ngày 15/11/1969, hơn 500.000 người đổ xuống đường ở thủ đô Washington tham gia một trong những cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử Mỹ để phản đối chiến tranh Việt Nam. Ảnh: history.com

Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế có đóng góp rất quan trọng để nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do dân tộc, thống nhất đất nước.

Người ta không thể quên rằng Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam Cộng hòa biết bao vũ khí hiện đại hơn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất nhiều. Thế nhưng, vì sao rốt cuộc Việt Nam Cộng hòa vẫn thua?

“Không nên nghĩ rằng Việt Nam giành thắng lợi là nhờ được viện trợ nhiều vũ khí.

Quan điểm của tôi là việc phản đối, lên án chiến tranh xâm lược thậm chí còn quan trọng hơn cả các khoản viện trợ vật chất.

Sự ủng hộ tinh thần của cộng đồng quốc tế đối với cuộc chiến chính nghĩa của Việt Nam có ý nghĩa to lớn hơn rất nhiều so với những thứ có thể đo đếm được như máy bay hay xe tăng.

Sự ủng hộ vật chất là rất quan trọng nhưng sự đồng cảm, ủng hộ về chính nghĩa, về tinh thần đối với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của chúng ta mới là quan trọng nhất”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Việt Nam không muốn nhưng cũng không sợ chiến tranh

Chiến thắng 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Chúng ta đã đối đầu với đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới, trải qua một cuộc trường chinh khốc liệt nhất trong lịch sử để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thu non sông về một mối.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định làm nên Đại thắng mùa Xuân
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định làm nên Đại thắng mùa Xuân

“Cứ vào dịp 30/4 hằng năm, giống như mọi người dân Việt Nam, tôi đều nghĩ đến chiến thắng và trào dâng niềm tự hào dân tộc.

Tôi tin chắc rằng hàng trăm năm sau nữa, người dân Việt Nam vẫn luôn có cảm nhận chung như vậy”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày Bắc-Nam sum họp một nhà nhưng những thanh âm hào hùng của Đại thắng mùa Xuân 1975 không ngừng vang vọng trong lịch sử dân tộc. 

Trong bối cảnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, những bài học lịch sử của Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự sâu sắc.

Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải chinh chiến với rất nhiều kẻ thù xâm lăng.

Mỗi khi đất nước lâm nguy, tinh thần yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc và lòng tự tôn dân tộc sâu sắc lại được hun đúc, trở thành sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù.

Lòng yêu nước nồng nàn cũng chính là sợi dây gắn kết mọi tâm hồn Việt từ Bắc chí Nam, từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị, người Kinh hay đồng bào dân tộc thiểu số, chung sức, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh đánh bại kẻ thù trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

“Nếu sẵn sàng hy sinh, quyết đánh, quyết thắng, chúng ta sẽ nhất định giành thắng lợi cho dù kẻ thù mạnh hơn chúng ta rất nhiều.

Cũng cần phải khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng gắn liền với thực tiễn đất nước. Chúng ta đã nhìn thấy rõ lúc bấy giờ rằng cứ đi theo Đảng là thắng.

Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng "thế trận lòng dân", để người dân hiểu và tin vào đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước là hết sức quan trọng”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Giờ đây, Việt Nam đã có được độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình. Tuy nhiên, có không ít “con mắt” vẫn đang dòm ngó.

Vì vậy, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta tiếp tục cần và không thể thiếu sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế giống như trong thời chiến trước kia.

“Điều quan trọng vẫn là để dư luận ủng hộ Việt Nam. Ở đây là ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam, ủng hộ sự phát triển của Việt Nam gắn với xu thế hòa bình và phát triển của thế giới”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định.

Nhân dân Sài Gòn ra đường đón chào Quân Giải phóng ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN
Nhân dân Sài Gòn ra đường đón chào Quân Giải phóng ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Để có được sự ủng hộ ấy, với truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn coi hòa bình, an ninh quốc gia của mình gắn với hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và thế giới, là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển.

Việc Việt Nam tích cực, chủ động tham gia các hoạt động quốc tế trong khả năng của mình, theo lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, không phải là “đem chuông đi đánh xứ người” hay “làm hộ người khác” mà là để “cùng chung sống hòa bình với các quốc gia” và “khi chúng ta gặp chuyện, họ sẽ ủng hộ chúng ta”.

“Có thể thấy một ví dụ đơn giản là nếu Việt Nam không có quan hệ hữu nghị hợp tác rộng mở, không có uy tín thì liệu rằng chúng ta có xuất khẩu được nhiều hàng hóa, có đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài hay sinh viên Việt Nam đi du học có được tôn trọng như vậy hay không?

Uy tín quốc gia là giá trị không thể đong đếm được và không thể thiếu với mọi quốc gia dù là trong thời bình hay thời chiến”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Trong suốt lịch sử mấy nghìn năm, Việt Nam đã chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra.

Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta không quên nhưng sẵn sàng gác lại quá khứ để hướng tới tương lai.

“Vì trải qua nhiều chiến tranh nên chúng ta mới thấy sự cần thiết phải có hòa bình. Chúng ta phải để các quốc gia thấy được rằng chiến tranh chỉ thiệt cho đôi bên.

Việt Nam không muốn chiến tranh, không để chiến tranh xảy ra nhưng Việt Nam cũng không sợ chiến tranh. Chúng ta cần hòa bình nhưng không sợ chiến tranh”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ.

Theo Báo Quân đội nhân dân