Thứ trưởng Bộ Giáo dục: Đề thi tốt nghiệp giảm độ khó nhưng vẫn có sự phân hóa

06/05/2020 06:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - "Đề thi sẽ giảm độ khó nhưng vẫn có độ phân hóa để phân loại học sinh trung bình, khá, giỏi", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 5/5, phóng viên có đặt câu hỏi liên quan đến việc tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học.

Đơn cử như Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng nhưng sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có những ràng buộc khiến các trường đã công bố tổ chức thi tuyển sinh riêng phải hủy bỏ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể giải thích về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trả lời câu hỏi của các phóng viên. Ảnh: Sỹ Điền
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trả lời câu hỏi của các phóng viên. Ảnh: Sỹ Điền

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại cuộc họp là Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã trả lời câu hỏi trên.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục cho biết, thực hiện Luật Giáo dục Đại học 2012 và vừa qua là Luật số 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, các trường đại học đã tự chủ và được xây dựng phương án tự chủ trong tuyển sinh cũng như tự quyết định phương án tuyển sinh.

Các trường có thể sử dụng các phương án tuyển sinh khác nhau.

Theo báo cáo, năm 2017, có 81,50% số sinh viên được tuyển vào thông qua kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Năm 2018 là 73,6%; năm 2019 là 62,2%.

Tỷ lệ các trường tự chủ phương án tuyển sinh khá nhiều. Các trường sử dụng kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia để tuyển sinh giảm dần theo các năm.

Năm nay, có thể một số trường sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để làm căn cứ tuyển sinh.

Một số trường đã sử dụng kết quả học tập của học sinh thông qua học bạ, một số trường thông qua kỳ thi chuẩn hóa quốc tế, chứng chỉ quốc tế, có trường thi năng khiếu, phỏng vấn hoặc có trường thi đánh giá năng lực riêng.

Như vậy, việc tổ chức tuyển sinh do các trường đại học quyết định, tự lựa chọn phương án cho mình.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, vừa qua, Đại học quốc gia Hà Nội đã thay đổi phương án tuyển sinh Đại học, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020. Đây cũng là cách phù hợp.

Vì kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đảm bảo đánh giá kết quả học tập 12 năm của học sinh và làm căn cứ để xét tốt nghiệp cho học sinh. Đồng thời làm căn cứ để đánh giá chất lượng dạy – học của các địa phương.

Qua đó, điều chỉnh công tác quản lý của các địa phương cho phù hợp.

“Đặc biệt, với đề thi năm nay, theo tinh thần chương trình đã được tinh giản thì đề thi sẽ giảm độ khó nhưng vẫn có độ phân hóa để phân loại học sinh trung bình, khá, giỏi;

Từ đó các trường đại học cũng có thể sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh. Đó là thẩm quyền tự chủ của các trường”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định.

Đỗ Thơm