VinID là một trong ba nhà bán lẻ trực tuyến được người dùng phản hồi nhiều nhất

11/05/2020 09:50
Theo Báo Đầu tư
(GDVN) - Bức tranh bán lẻ trực tuyến thông qua góc nhìn mạng xã hội, website và ứng dụng mua sắm với phân tích của YouNet Media cho thấy nhiều bất ngờ.

Quý I/2020 chứng kiến nhiều sự chuyển dịch và cạnh tranh sôi nổi của các nhà bán lẻ trực tuyến, khi COVID-19 tác động mạnh mẽ tới hành vi mua sắm của người dùng.

YouNet Media hiện đang sở hữu platform hàng đầu thế giới về xây dựng mạng xã hội là phpFox.com và Social Listening platform hàng đầu tại Việt Nam với hơn 70% thị phần đã sử dụng công cụ lắng nghe trên mạng xã hội để thu thập và phân tích dữ liệu từ những cuộc thảo luận trên mạng xã hội của người dùng trong quý I/2020 khi đề cập tới các nhà bán lẻ trực tuyến.

Kết quả hai nhà bán lẻ có lịch sử hình thành vài chục năm là Saigon Co.op và Big C lại không nhận được nhiều phản hồi từ người dùng mạng xã hội.

Saigon Co.op dù sở hữu nhiều chuỗi mô hình bán lẻ đa dạng từ bình dân (Co.opMart, Co.op Extra) tới trung cao cấp (siêu thị FineLife) nhưng lại chậm chân khi dịch chuyển lên trực tuyến.

Trang web đặt hàng của hệ thống Co.opmart vừa được ra mắt hồi cuối năm ngoái, trong khi dịch vụ nhận đơn hàng qua hotline/ zalo/ viber của nhà bán lẻ này chỉ mới được triển khai trong tháng 3 vừa rồi.

Nhà bán lẻ thuộc sở hữu của các ông chủ Thái Lan Big C thay vì tự vận hành thì đang liên kết với các ứng dụng đi chợ hộ như Grab Mart, Now Fresh và mới đây nhất là Chopp.vn để đẩy mạnh bán lẻ trực tuyến.

Ngược lại VinID, Bách hoá Xanh (MWG), Speed L (Lotte Mart), đều triển khai việc bán hàng qua website và ứng dụng mua sắm trên di động cho dù sở hữu cả 2 kênh phân phối offline lẫn online - là điểm cộng cho 3 nhà bán lẻ này.

Các nhà bán lẻ từ truyền thống đã phải dịch chuyển hoặc đẩy mạnh hoạt động trên kênh trực tuyến để đáp ứng nhu cầu mua sắm đang thay đổi của người dùng
Các nhà bán lẻ từ truyền thống đã phải dịch chuyển hoặc đẩy mạnh hoạt động trên kênh trực tuyến để đáp ứng nhu cầu mua sắm đang thay đổi của người dùng

Dữ liệu về lượng truy cập vào các trang web của những nhà bán lẻ trong quý I năm nay từ SimilarWeb chỉ điểm đáng chú ý:

Lượt truy cập vào các website tăng cao chứng minh sự gia tăng nhanh chóng của các mô hình bán lẻ hiện đại (modern trade). Đặc biệt, SimilarWeb thống kê cho thấy lượt truy cập của Bách hoá Xanh đạt hơn 8 triệu lượt trong quý I, bỏ xa 4 nhà bán lẻ còn lại trên thị trường.

Trong số các nhà bán lẻ, Speed L có mức độ tăng trưởng cao nhất (278.5%) so với quý trước đó.

Với hơn 8 triệu lượt truy cập trong quý I, YouNet Media nhận định Bách hoá Xanh đã tạo nên một sự cộng hưởng từ vị thế có sẵn của thương hiệu trong tâm trí người dùng (top of mind) với những cập nhật thức thời từ sản phẩm, nội dung liên quan tới những nhu cầu tăng cao trong mùa dịch.

Các từ khoá được đề cập nhiều nhất khi người dùng truy cập trang web Bách hoá Xanh đều liên quan tới dịch bệnh.

Sau khi thống kê các cụm từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất, YouNet Media nhận thấy mỗi nhà bán lẻ có một đặc điểm rất riêng khiến người dùng nhớ tới họ.

Đối với Bách hoá Xanh, “nước rửa tay khô”, “khẩu trang y tế”, “greencross”... là những cụm từ được người dùng tìm kiếm khi nghĩ tới thương hiệu.

Điều này chứng tỏ người dùng nghĩ tới Bách hoá Xanh khi cần được đáp ứng một nhu cầu tạm thời - ở trường hợp này là nâng cao sức khoẻ trong mùa dịch.

Speed L ghi nhận top từ khoá được người dùng sử dụng nhiều nhất khi tìm kiếm thương hiệu gồm tìm kiếm trực tiếp tên thương hiệu Speed L, tìm kiếm gắn với mua hàng tại LotteMart, và các cụm từ khoá liên quan tới “gà rán”, “khoai tây chiên”.

Cuối cùng, VinID - nền tảng mua sắm trực tuyến của VinMart ghi nhận top các từ khoá được tìm kiếm đa dạng nhất so với các nhà bán lẻ còn lại. Từ thực phẩm (bánh mì đen, xúc xích, sữa...) cho tới các mặt hàng phục vụ nhu cầu tạm thời mùa dịch (khẩu trang y tế...).

Điểm thú vị, 4/10 cụm từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất là những mặt hàng do VinMart tự sản xuất, ví dụ: “bánh mì đen VinMart”, “baking soda VinMart”, “khẩu trang y tế VinMart”.

Một đơn vị cũng sở hữu nhiều mặt hàng (SKUs) tự sản xuất là Saigon Co.op không ghi nhận bất kỳ sản phẩm nào đi kèm tên thương hiệu Saigon Co.op hay Co.op Mart xuất hiện trong top các từ khoá được khách hàng tìm kiếm nhiều khi nhắc tới thương hiệu.

Mặc dù vậy, các ứng dụng mua sắm trên điện thoại từ 3 thương hiệu đều gặp phải những phản hồi tiêu cực liên quan tới lỗi kỹ thuật như load chậm, không thể đăng nhập vào ứng dụng.

Theo Báo Đầu tư