Nêu cao tinh thần trách nhiệm, công tâm trong công tác nhân sự

11/05/2020 14:06
Theo TTXVN
(GDVN) - Công tác nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc là một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước.

Sáng 11/5, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên khai mạc.

Tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ bàn và quyết định về các vấn đề: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Số lượng, việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ hội nghị diễn ra trong thời điểm cả nước đang kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặc biệt trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đã và đang làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần khơi dậy trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh hơn ai hết, mỗi Ủy viên Trung ương cần phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, vẻ vang của Đảng và dân tộc, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành thật tốt trọng trách được giao; đề nghị các Ủy viên Trung ương phát huy trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng vào các nội dung đã được thông qua, bảo đảm cho thành công của hội nghị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu bật một số ý kiến, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để Trung ương quan tâm nghiên cứu, thảo luận và xem xét, quyết định.

Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII

Về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương phải tập trung công sức cho việc chuẩn bị nhân sự Đại hội theo quy định của Điều lệ Đảng.

Đây là một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước, đòi hỏi phải dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp.

Tại hội nghị này, Trung ương thảo luận, cho ý kiến và xem xét, quyết định Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII, làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Khóa XIII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được bàn tại các hội nghị tiếp theo.

Yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự và ngày càng trong sạch, vững mạnh;

Phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng - thật sự là bộ tham mưu chiến đấu, là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm và bài học chuẩn bị nhân sự của các đại hội trước, đồng thời căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương cần nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích sâu sắc về quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII; tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị, triển khai công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương; làm rõ những vấn đề, những khâu cần lưu ý, nhấn mạnh thêm.

Gợi mở để các Ủy viên Trung ương thảo luận, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ về tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay, phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia-dân tộc; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết; kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm," chạy chức, chạy quyền...

Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Tại hội nghị, thay mặt Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình Trung ương xem xét Đề án về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đề án đã tổng kết, đánh giá khá toàn diện, khách quan tình hình bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp một số nhiệm kỳ gần đây, chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khiếm khuyết còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm;

Đề xuất phương hướng xử lý những vấn đề đặt ra trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân sắp tới sẽ là lần thứ ba thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa X về đổi mới tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp trong cùng một thời điểm, theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về bầu cử hiện hành.

Các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Trong phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề nêu trong Đề án và Tờ trình để có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công việc bầu cử.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, cần phân tích, bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề cốt yếu, có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc bầu cử, như mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng; số lượng, cơ cấu, độ tuổi của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, nhất là số lượng, cơ cấu đại biểu chuyên trách, đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu đại diện cho các thành phần, giai tầng trong xã hội; đơn vị bầu cử và số dư người ứng cử ở các đơn vị bầu cử; quyền bầu cử, ứng cử; quy trình ứng cử, đề cử; việc tuyên truyền, vận động bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổ chức bầu đại biểu Hội đồng Nhân dân ở những nơi mà ở cấp dưới không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường; ngày bầu cử dự kiến... và các công việc tổ chức triển khai thực hiện đề án.

Số lượng và phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng

Trên cơ sở nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm việc phân bổ đại biểu ở một số Đại hội Đảng toàn quốc gần đây (các Đại hội X, XI, XII), Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến về nguyên tắc, các căn cứ phân bổ đại biểu và dự kiến số lượng phân bổ đối với 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương.

Nguyên tắc phân bổ đại biểu phải thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng, có số lượng hợp lý, tiêu biểu cho trí tuệ của toàn Đảng, bảo đảm thành công của Đại hội. Căn cứ để phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng dựa trên 3 tiêu chí: Đầu mối Đảng bộ trực thuộc Trung ương, số lượng đảng viên của từng đảng bộ, vị trí quan trọng của một số đảng bộ.

Theo kinh nghiệm các khóa trước đây, việc phân bổ đại biểu dự Đại hội toàn quốc của Đảng theo các nguyên tắc và căn cứ nêu trên về cơ bản đều được các cấp ủy, tổ chức đảng đồng tình, điều quan trọng nhất là phải làm sao lựa chọn đúng và bầu được các đại biểu thật sự tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho Đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Về vấn đề này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các Ủy viên Trung ương tập trung cho ý kiến về các nguyên tắc, tiêu chí để phân bổ đại biểu; việc dự kiến phân bổ số lượng cụ thể. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương thống nhất về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu, Bộ Chính trị sẽ xem xét, quyết định cụ thể số lượng đại biểu của từng đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Cũng tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; Báo cáo những công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 11 (tháng 10/2019) đến Hội nghị Trung ương 12 Khóa XII; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng năm 2019.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các Ủy viên Trung ương dành thời gian nghiên cứu kỹ và cho ý kiến vào những vấn đề cụ thể nhưng hết sức quan trọng này, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo, sức chiến đấu của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong thời gian tới.

Theo chương trình, hội nghị làm việc đến ngày 14/5.

Theo TTXVN