Đây sẽ là điều kiện quan trọng để hỗ trợ thị trường thẻ Việt Nam phát triển ổn định và hiệu quả hơn.
“Tâm tư” của các ngân hàng
Văn bản của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chỉ rõ: Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng tại Việt Nam, trong đó có hoạt động kinh doanh thẻ bởi khách hàng hạn chế mua sắm cũng như thanh toán thẻ. Theo đó, doanh số sử dụng qua thẻ ngân hàng sụt giảm rất mạnh.
Đối với mảng phát hành: doanh số sử dụng thẻ của nhóm các ngân hàng lớn đã liên tiếp giảm kể từ đầu năm đến nay. Tính đến tháng 3/2020, doanh số sử dụng thẻ trong nước đã giảm 21% và doanh số sử dụng thẻ tại nước ngoài giảm 28% so với cùng kỳ 2019.
Đối với mảng thanh toán: Doanh số thanh toán thẻ giảm mạnh qua các tháng, đặc biệt trong tuần đầu của tháng 4/2020, doanh số thanh toán bình quân giảm 78% so với cùng kỳ và giảm 93% so với tháng 3/2020.
Hay đơn cử như tại một số đơn vị chấp nhận thẻ như hàng không, giáo dục, du lịch lữ hành, khách sạn, doanh số thanh toán trung bình của thẻ trong nước và nước ngoài trong tháng 3/2020 giảm 80% so với tháng trước và dự kiến tiếp tục giảm mạnh trong các tháng tới.
VietinBank cũng như các ngân hàng thương mại Việt Nam đều mong muốn Tổ chức thẻ quốc tế Visa và Master Card miễn, giảm phí thẻ quốc tế |
Được biết, thời gian qua, các ngân hàng thương mại trong đó có VietinBank đã triển khai các sản phẩm, dịch vụ với giá phí ưu đãi hợp lý theo từng đối tượng khách hàng, phối hợp với Napas thực hiện miễn giảm phí đối với các giao dịch chuyển khoản trên hệ thống iPay phiên bản 5.0…
Mặc dù, ngân hàng có thực hiện triển khai đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, nhưng do ảnh hưởng tâm lý nên khách hàng vẫn chưa có nhu cầu chi tiêu như bình thường.
Đại diện VietinBank cho biết, với quy mô doanh số thanh toán nằm trong top đầu thị trường, chi phí trả các tổ chức thẻ của VietinBank (đặc biệt là chi phí Interchange) lên đến hàng nghìn tỷ mỗi năm, dẫn đến áp lực chi phí rất lớn.
Tuy nhiên, cạnh tranh của các ngân hàng trên thị trường thanh toán thẻ ngày càng gia tăng, các ngân hàng chịu áp lực phải giảm phí để giữ được khách hàng, từ đó dẫn đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh toán ngày càng gặp khó khăn.
Cần có chính sách phí phù hợp để hỗ trợ thị trường thẻ Việt Nam
Từ thực tế hoạt động và những khó khăn của mảng kinh doanh thẻ tại thị trường Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã kiến nghị các Tổ chức thẻ quốc tế Visa và Master Card miễn, giảm các loại phí cho các ngân hàng tại Việt Nam.
Đại diện VietinBank cho biết, đồng thuận đề nghị áp dụng cơ chế thu 1 loại phí trên một giao dịch, tránh việc thu chồng nhiều loại phí trên một giao dịch, đồng thời không thu phí đối với các giao dịch lỗi.
VietinBank cũng kiến nghị các tổ chức thẻ quốc tế giảm phí xử lý giao dịch đối với các nhóm ngành có số lượng giao dịch lớn và các nhóm ngành Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt như: dịch vụ công, bán lẻ tiêu dùng…
Phí Interchange chiếm tỷ trọng cao trong tổng phí phải trả các tổ chức thẻ quốc tế, VietinBank ủng hộ việc yêu cầu miễn/ giảm phí Interchange đối với các ngành nghề chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh.
Bên cạnh đó, VietinBank cũng đề xuất các tổ chức thẻ quốc tế nghiên cứu và có chính sách ưu đãi phí Interchange trong dài hạn đối với các nhóm ngành như Viễn thông, du lịch, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại,… hay việc áp dụng phân biệt phí cho thị trường EU và UK cần có những chính sách công bằng, hợp lý; giảm phí cho các hoạt động thanh toán trực tuyến…
“Trước mắt Visa và Master Card cần có giải pháp, chính sách hỗ trợ giảm phí cho các ngân hàng Việt Nam (ít nhất áp dụng cho 12 tháng).
Về lâu dài cần xem xét có chính sách phí phù hợp để tạo điều kiện, hỗ trợ thị trường thẻ Việt Nam phát triển ổn định và hiệu quả hơn” - đại diện VietinBank cho biết.