Sự cần thiết phải bỏ phiếu tín nhiệm Ban giám hiệu nhà trường

14/05/2020 06:22
Phan Tuyết
(GDVN) - Thực tế cho thấy để viên chức, nhân viên trong trường góp ý hiệu trưởng, hiệu phó hàng năm thì chẳng khác nào việc làm hình thức cho vui chứ chẳng tác dụng gì.

Điều 11, khoản 1, điểm c; khoản 2, điểm c của Dự thảo về Điều lệ trường tiểu học mới đang lấy ý kiến đóng góp rộng rãi có viết:

Phiếu đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của giáo viên hàng năm: Chỉ có tối đa! (Ảnh: Giáo dục Việt Nam)
Phiếu đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của giáo viên hàng năm: Chỉ có tối đa! (Ảnh: Giáo dục Việt Nam)

“… Sau mỗi năm học, hiệu trưởng (hiệu phó) được viên chức, nhân viên trong trường góp ý và cấp có thẩm quyền đánh giá theo quy định…”.

Từ thực tế cho thấy, nếu để viên chức, nhân viên trong trường góp ý hiệu trưởng, hiệu phó hàng năm thì chẳng khác nào việc làm hình thức cho vui chứ chẳng tác dụng gì.

Vì sao chúng tôi lại nói như thế?

Trong thực tế hiện nay, năm nào các trường học chẳng tổ chức nhận xét, góp ý để đánh giá hiệu trưởng, hiệu phó, mà đánh giá trên giấy, không cần ghi tên hay ký tên hẳn hoi.

Thế nhưng, ai nhận xét góp ý thế nào Ban giám hiệu đều biết hết thế mới tài. Có trường, Ban giám hiệu thu phiếu góp ý theo từng tổ. Trường lại đánh dấu ký hiệu trước khi phát. Trường thì phát theo dãy bàn ngồi họp và thu lại. Trường thì truy tìm chữ viết, khoanh vùng đối tượng…

Thôi thì có hàng trăm cách để tìm và kết quả bao giờ cũng rất chính xác.

Sự cần thiết phải bỏ phiếu tín nhiệm Ban giám hiệu nhà trường ảnh 2
Có giáo viên nào dám đánh giá Ban giám hiệu không hoàn thành nhiệm vụ?

Sau khi biết người nào có nhận xét không vừa tai, những vị lãnh đạo này đã đưa giáo viên ấy vào “tầm ngắm”.

Thế là bao ngón trả thù được tung ra, những thầy cô giáo ấy cũng khó mà làm việc được yên ổn.

Nhiều giáo viên thấy góp ý chân tình cũng chẳng được gì mà lại mang vạ vào thân, nên lần sau có góp ý cứ khen, tung hô hết lời còn mục nhược điểm thì thường để trống trơn.

Nhiều thầy cô bức xúc và cho rằng việc nhận xét, góp ý kiểu này chẳng khác gì trò cười nên cũng không hào hứng khi làm.

Mỗi lần đến kỳ bỏ phiếu tín nhiệm thì Ban giám hiệu lại hiền hẳn      

Cứ 5 năm, Ban giám hiệu sẽ được bỏ phiếu tín nhiệm một lần. Thôi thì cả năm học ấy, mọi việc trong nhà trường đều làm theo quy định.

Nhiều giáo viên cho biết lãnh đạo của mình hiền hẳn như rất thân thiện, biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên.

Mọi chế độ quyền lợi của giáo viên, công nhân viên trong trường đều được thực hiện đầy đủ và nhanh chóng. Nhà trường luôn đề cao tính dân chủ, giải quyết mọi việc đều có tình, có lý…

Lãnh đạo thay đổi như thế vì sợ rằng khi bỏ phiếu kín giáo viên bất bình sẽ gạch tên.

Nay, Dự thảo về Điều lệ trường tiểu học mới về vẫn để việc góp ý hiệu trưởng, phó hiệu trưởng như Điều lệ trường tiểu học hiện hành sẽ không tạo cơ hội cho viên chức, nhân viên trong trường được nói lên tiếng nói thật cũng không làm cho người lãnh đạo thấy được cái sai của mình để từ đó sửa chữa, hoàn thiện hơn.

Vì thế, chúng tôi rất đồng tình với bài viết “Nên để giáo viên bỏ phiếu kín đánh giá Hiệu trưởng” của tác giả Lê Mai đăng trên Giáo dục Việt Nam ngày 13/5:   

"…Sau mỗi năm học, hiệu trưởng (hiệu phó) được viên chức, nhân viên trong trường góp ý và bỏ phiếu kín đánh giá tín nhiệm, tỷ lệ tín nhiệm được công khai trong hội đồng sư phạm; cấp có thẩm quyền đánh giá theo quy định; phiếu tín nhiệm của giáo viên với hiệu trưởng (hiệu phó) đạt dưới 50%, cấp có thẩm quyền có thể bãi miễn chức vụ…”.

Phan Tuyết