Bỏ phiếu tín nhiệm Ban giám hiệu, cần cân nhắc kỹ!

17/05/2020 06:19
LÊ ĐỨC ĐỒNG
(GDVN) - Nếu chấp nhận hình thức bỏ phiếu kín hàng năm với hai mục “Đồng ý” và “Không đồng ý” thì sẽ xảy ra nhiều hệ lụy cho nhà trường!

Theo quy định, sau năm năm sẽ bổ nhiệm lại nên các vị trong Ban giám hiệu phải lấy phiếu tin nhiệm của tập thể giáo viên, nhân viên nhà trường.

Nhưng vào cuối từng năm học, mỗi giáo viên được phát một bản đánh giá hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng bằng hình thức chấm điểm theo từng mục.

Mọi người chỉ việc cho điểm (thông thường chúng tôi chấm điểm tối đa; chỉ thỉnh thoảng bớt 1 điểm hoặc 0,5 điểm một mục nào đó không quan trọng, cho có vẻ khách quan).

Xin đảm bảo là tổng cộng điểm bình quân của hiệu trưởng luôn đạt xuất sắc (từ 98/100 điểm); các phó hiệu trưởng cũng đạt điểm cao chót vót (mặc dù có vị còn vi phạm khuyết điểm) nhưng có ai “nỡ” chấm điểm thấp cho các vị!

Hoặc biết rất rõ các thiếu sót, vi phạm của hiệu trưởng nhưng “thôi kệ”, chấm điểm rồi nộp cho xong, ai hơi đâu mà ngồi đó cân nhắc, suy nghĩ!

Theo tôi, đây chỉ là việc làm hình thức, không có giá trị thực tiễn đối với Ban giám hiệu. Nguyên nhân là ai cũng luôn thu mình lại với quan niệm “yên phận” là trên hết; “một cánh én không làm nổi mùa xuân”…

Nếu chấp nhận hình thức bỏ phiếu kín hàng năm với hai mục “Đồng ý” và “Không đồng ý” thì sẽ xảy ra nhiều hệ lụy cho nhà trường!

Cần cân nhắc kỹ về hình thức bỏ phiếu tín nhiệm Ban giám hiệu. (Ảnh minh họa trên Tuyengiao.vn)
Cần cân nhắc kỹ về hình thức bỏ phiếu tín nhiệm Ban giám hiệu. (Ảnh minh họa trên Tuyengiao.vn)

Vì một vị hiệu trưởng hoặc hiệu phó có thể làm rất tốt mọi việc được phân công nhưng có khi còn khắt khe, còn nguyên tắc nên dễ làm mất lòng giáo viên.

Trường tôi lúc ấy có thầy A. làm hiệu trưởng… Thầy nổi tiếng khó tính, thẳng thắn, trung thực ở trường cũ. Có lần thầy buộc một học sinh là con của ông chủ tịch xã phải (địa phương nơi trường tọa lạc) ở lại lớp (lớp 10 không được lên lớp 11), không “ưu tiên” gì hết!

Giáo viên nào chểnh mảng trong giảng dạy, trong nền nếp (đi vào lớp trễ, ra lớp sớm) là thầy gặp ngay nhắc nhở. Nếu vi phạm thường xuyên thì bắt buộc phải kiểm điểm trước tổ…

Từ đó, nhà trường luôn đi vào quy củ, các quy định luôn được giáo viên thực hiện đầy đủ.

Vì đây là nền nếp, là điều kiện để nhà trường dạy tốt, học tốt chứ không có mục đích gì khác của hiệu trưởng…

Nên để giáo viên bỏ phiếu kín đánh giá Hiệu trưởng
Nên để giáo viên bỏ phiếu kín đánh giá Hiệu trưởng

Nhưng có một số giáo viên, quen sự “thoải mái” do các đời hiệu trưởng trước đây thường dung túng, lại tỏ ra bất bình và ngấm ngầm vận động chống đối bằng nhiều hình thức.

Cuối cùng, năm ấy bỏ phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm lại, thầy hiệu trưởng không đạt quá bán!

Nếu thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín; tôi sợ những người làm được việc nhưng không được lòng nhiều người thì không lẽ mỗi năm thay một hiệu trưởng?

Có thể năm đầu học chưa thực sự tốt thì những năm kế tiếp, các vị trong Ban giám hiệu sẽ rút ra những bài học cho mình, kịp thời điều chỉnh mình thì sẽ làm tốt hơn, hoàn thiện hơn!

Bản thân tôi là một hiệu phó, phụ trách cơ sở vật chất. Công việc rất nặng nề. Quanh năm đi sớm để kiểm tra; lúc cả trường về hết, mình phải đi sau cùng để kiểm tra đèn, quạt (lỡ để quên xảy ra cháy nổ thì mình phải chịu trách nhiệm).

Nhưng đôi lúc còn nóng nảy, có khi lớn tiếng với một vài người… Thế là khi bỏ phiếu tín nhiệm, bị gạch tên cũng tương đối!

Do đó, cần cân nhắc kỹ việc bỏ phiếu tín nhiệm Ban giám hiệu hàng năm vì những lý do trên.

LÊ ĐỨC ĐỒNG