Chủ tịch huyện Mang Thít đứng đầu hội đồng xử lý kỷ luật giáo viên

16/05/2020 08:07
Việt Dũng
(GDVN) - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã có những giải thích liên quan đến trường hợp cô Ngọc Thúy bị kỷ luật cảnh cáo.

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy – giáo viên trường trung học cơ sở Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã chuyển ý kiến của mình tới tòa soạn Giáo dục Việt Nam, cho rằng trường hợp mình bị kỷ luật trong thời gian vừa qua là sai.

Cô Thúy thuật lại: Ngày 12/11/2019 vừa qua, do ba của cô Thúy mất, chồng bị đánh vô cớ, nên cô Phạm Thị Ngọc Thúy không kiềm chế được cảm xúc của mình, nên trong một lần chat trên nhóm nội bộ gồm 36 thành viên của trường, cô Thúy đã nói ra những câu nói nhạy cảm về chính trị.

Một giáo viên trong trường thấy vậy mới chụp lại những dòng tin nhắn này, đi tuyên truyền và thổi phồng lên khắp huyện Mang Thít.

Cô Ngọc Thúy sau đó cũng đã lên tiếng nhận lỗi, Hiệu trưởng và Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện khi đó cũng đã nói là nhắc nhở, kiểm điểm và bỏ qua lỗi của cô giáo.

Tuy nhiên, khi kết thúc học kỳ 1 năm học này, khi cô Thúy phản ánh về vụ việc nâng điểm 165 bài kiểm tra môn Địa khối 7, thì lãnh đạo huyện Mang Thít lại tiếp tục mang sự việc của cô Thúy ra để xử lý việc nhắn tin trong nhóm chat nội bộ.

Quyết định xử lý kỷ luật cô Phạm Thị Ngọc Thúy, giáo viên trường trung học cơ sở Mỹ An (ảnh: P.L)
Quyết định xử lý kỷ luật cô Phạm Thị Ngọc Thúy, giáo viên trường trung học cơ sở Mỹ An (ảnh: P.L)

Hồi tháng 3 vừa qua, sự việc này được đẩy lên tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mang Thít, và đích thân ông này làm Chủ tịch hội đồng xử lý kỷ luật cô Phạm Thị Ngọc Thúy.

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy khẳng định, cô không đăng tải các thông tin nhạy cảm, mà các thông tin này chỉ nói trong nhóm chat nội bộ của nhà trường, chỉ gồm 36 giáo viên.

Đồng thời, cô Thúy còn đặt vấn đề: Liệu việc một Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện có hay không thẩm quyền làm Chủ tịch hội đồng xử lý kỷ luật một viên chức nhỏ bé trong ngành giáo dục, như trường hợp của cô Phạm Thị Ngọc Thúy?

Ngày 15/5/2020, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, ông Đỗ Phi Sơn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Trường hợp kỷ luật cảnh cáo của cô Phạm Thị Ngọc Thúy, huyện đã cân nhắc rất kỹ.

Theo giải thích của ông Đỗ Phi Sơn, trường hợp của cô Thúy là do nói ra nhiều vấn đề nhạy cảm, liên quan đến chính trị, kể cả nói ra trong một nhóm chat nội bộ của nhà trường, hay trong lúc giảng bài cho học sinh, đã đủ tài liệu và căn cứ của lực lượng Công an huyện, nên mới tiến hành xử lý kỷ luật cô Thúy.

Văn bản 102 do Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long ký (ảnh: P.L)
Văn bản 102 do Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long ký (ảnh: P.L)

Về lý do tại sao Chủ tịch huyện Mang Thít lại đích thân làm Chủ tịch hội đồng xử lý kỷ luật giáo viên, ông Đỗ Phi Sơn nói tiếp: Việc này có ý kiến trả lời của Phó Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Vĩnh Long ký tại văn bản 102/SNV-TCCCVC, trong đó nêu rõ:

Căn cứ vào khoản 3, điều 48 của Luật Viên chức năm 2010, do các trường học công lập của huyện Mang Thít chưa được giao quyền tự chủ, nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện là người ký hợp đồng lao động với giáo viên, thì cũng chính Chủ tịch huyện là người đứng đầu hội đồng xử lý kỷ luật.

Tại quyết định 1263/QĐ-UBND do ông Nguyễn Văn Diên – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mang Thít ký ngày 20/3/2020, cô Thúy bị cảnh cao, do đã có hành vi lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, được quy định tại khoản 6, điều 11, nghị định 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ ra ngày 6/4/2012, về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.

Tuy nhiên, cho đến nay, huyện Mang Thít vẫn chưa thể tống đạt quyết định kỷ luật này tới cô Thúy, do cô đang tiến hành khiếu nại lên các cấp việc kỷ luật này.

Việt Dũng