Băn khoăn về việc tổ chức hoạt động sau chương trình chính khoá lớp 1?

18/05/2020 06:16
VÕ PHI HÙNG
(GDVN) - Tổ chức các hoạt động trong thời gian còn lại sau khi học chính khóa mỗi ngày theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 như thế nào cho phù hợp?

Thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 đang cận kề.  

Hiện nay các nhà trường tiểu học đã tập trung xây dựng kế hoạch dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Những băn khoăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong khi xây dựng kế hoạch dạy học đó là việc thiết kế các hoạt động giáo dục ở nhà trường trong thời gian còn lại sau khi học chính khóa mỗi ngày đối với lớp 1 như thế nào cho phù hợp, thực hiện chi trả kinh phí cho các hoạt động này thế nào cho đúng.  

Đây thực sự là bài toán khó đối với các nhà trường khi xây dựng kế hoạch dạy học và thời khóa biểu cho học sinh lớp 1 năm học 2020-2021.

Ở lớp 1, chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định thời lượng dạy các môn chính khóa là 25 tiết/tuần, các môn tự chọn 2 tiết/tuần và yêu cầu nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần) trừ những trường chưa đủ các điều kiện để tổ chức.

Tổ chức hoạt động sau chương trình chính khoá cho học sinh lớp 1 theo chương trình mới như thế nào? (Ảnh minh hoạ: infonet.vietnamnet.vn)
Tổ chức hoạt động sau chương trình chính khoá cho học sinh lớp 1 theo chương trình mới như thế nào? (Ảnh minh hoạ: infonet.vietnamnet.vn)

Hiện tại, theo hướng dẫn kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Công văn số 10176/TH ngày 7/1/2000), đa số các nhà trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo thời khóa biểu: sáng 4 tiết, chiều 3 tiết.

Thời gian còn lại sau khi học các tiết chính khóa (QĐ:16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) các nhà trường sử dụng cho việc ôn tập Toán, Tiếng Việt, hướng dẫn tự học, dạy một số tiết Giáo dục kỹ năng sống, tổ chức một số hoạt động trải nghiệm…

Từ năm học 2020-2021, theo tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục, nội dung dạy học theo định hướng hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; quy định về thời lượng dạy các môn học chính khóa và tự chọn ở các khối lớp rất rõ ràng.  

Chính vì vậy mà việc đưa thêm các tiết ôn tập Toán, ôn tập Tiếng Việt, ôn tập Tiếng Anh, hướng dẫn tự học …như hiện nay sẽ không còn phù hợp với yêu cầu của đổi mới.

Mặt khác, theo công văn 3866/BGDĐT ngày 26/8/2019 hướng dẫn chuẩn bị tổ chức dạy học lớp 1 năm học 2020-2021 có nêu:

Hoạt động sau thời gian học chính khóa trong ngày là hoạt động theo nhu cầu, sở thích, hứng thú của học sinh trong khoảng thời gian sau giờ học chính thức cho đến thời điểm được cha mẹ học sinh đón học sinh về nhà nhưng chưa hướng dẫn nội dung tổ chức các hoạt động một cách cụ thể.

Nếu tổ chức các hoạt động trong thời gian này như hướng dẫn của Bộ đòi nhiều thời gian, công sức chuẩn bị, kinh phí tổ chức... sẽ không phải nhiều trường thực hiện được chưa nói đến việc tổ chức thường xuyên.  

Bộ Giáo dục yêu cầu cung cấp kết quả chọn sách giáo khoa lớp 1 trước 20/5
Bộ Giáo dục yêu cầu cung cấp kết quả chọn sách giáo khoa lớp 1 trước 20/5

Tổ chức các hoạt động dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ chưa chắc đã gây hứng thú cho số đông học sinh lớp 1.

Sau thời gian nghiên cứu đặc điểm tâm lý học sinh lớp 1, tổ chức xây dựng kế hoạch, trưng cầu ý kiến của cha mẹ học sinh… chúng tôi đã có giải pháp tổ chức các hoạt động giáo dục sau thời gian học chính khóa trong ngày khá phù hợp với điều kiện nhà trường và địa phương, đáp ứng đúng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất, các năng lực một cách bền vững, bớt áp lực cho giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh yên tâm lao động sản xuất.

Chúng tôi xin trình bày để mọi người tham khảo và đóng góp ý kiến nhằm thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1.

Giải pháp đã dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau:

Phải dựa vào cơ sở pháp lý: Thông tư số 14/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 2 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định hoạt động Giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa; nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018; Hướng dẫn số 3866/BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Mỗi một hoạt động phải xác định mục tiêu cụ thể: Cơ sở để lựa chọn mục tiêu cho các hoạt động  chúng tôi đã dựa vào quy định của chương trình giáo dục phổ thông 2018 về các phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm), các năng lực chung (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo), các năng lực đặc thù (năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất).

Chủ đề hoạt động: Cần phải gắn với nhu cầu thiết thực của học sinh trong việc giải quyết các vấn đề hàng ngày ở lớp, ở trường, ở nhà.

Đưa một phần thực tế hoạt động xã hội vào trường cho các em học tập, trải nghiệm làm khắc sâu giá trị sống trong tâm thức các em.

Các kỹ năng cơ bản cần được chú trọng hướng dẫn: Kỹ năng chăm sóc bản thân, kỹ năng giữ gìn bản thân, kỹ năng giúp đỡ người khác, kỹ năng giao tiếp với người thân thầy cô và bạn bè, kỹ năng tư duy toán học...

Ví dụ: 

Chủ đề Nhân ái: Có thể tổ chức cho học sinh thực hiện các nội dung: Biết ơn cô nuôi bằng việc làm thiết thực (lau bàn ghế, bát đũa trước khi ăn…), chúng em tập quét nhà (tổ chức cho học sinh tập cầm chổi quét nhà đúng cách)

Chủ đề chăm chỉ: Tổ chức cho học sinh chăm sóc cây và hoa, trồng rau trong vườn trường… lau bàn ghế, cửa lớp học, đồ dùng học tập…

Chủ đề về trách nhiệm: Tổ chức cho học sinh thực hành việc xếp đồ dùng, sách vở, ngăn nắp, tập xếp chăn chiếu, gối màn sau khi ngủ dậy (sẽ rất hiệu quả đối với học sinh lớp bán trú).

Chủ đề trung thực: Có thể xây dựng các kịch bản để học sinh thực hành: biết nhận lỗi, nói lời xin lỗi, nói lời cảm ơn… hoặc cho học sinh xem đoạn phim có nội dung chuẩn mực trong lời nói, thái độ, hành vi, việc làm của các nhân vật yêu cầu học sinh bắt chước và thể hiện lại.

Chủ đề tự chủ: Tổ chức cho học sinh thực hành rửa tay bằng xà phòng đúng cách, cách đánh răng, rửa mặt, cách xếp quần áo... Thực hành xây dựng thời gian biểu của mình khi ở nhà…

Chủ đề về các năng lực: Tổ chức cho học sinh xem phim về khoa học tự nhiên có đặt ra các tình huống các câu hỏi để kích thích sự sáng tạo của học sinh, tổ chức thi trang trí góc học tập của mình qua câu lạc bộ mỹ thuật, hướng dẫn các em thực hành theo nhóm, thảo luận nhóm (rất quan trọng trong việc bộ trợ phương pháp dạy học các môn học chính thức); trò chơi đóng vai thành viên trong gia đình kịch bản có các tình huống mà mọi người trong gia đình phải thể hiện vai, trò chơi bán hàng…, hướng dẫn chơi cờ vua và các trò chơi dân gian khác hoặc chơi ô ăn quan, nhảy dây cho từng nhóm…

Tổ chức các hoạt động rèn luyện năng lực đặc thù: chơi ghi nhớ nhanh bằng cách cho xem một hình ảnh, một đoạn phim trong thời gian nhất định rồi đặt ra các câu hỏi nhằm rèn luyện năng lực quan sát của các em.

Tổ chức hoạt động đọc sách trong thư viện… rèn luyện tư duy toán học bằng cách yêu cầu học sinh đoán xem đồ vật xung quanh mình có dạng hình tròn, vuông… giống con chữ…?

Hoặc vật nào có chiều dài khoảng 12cm và dùng thước kiểm tra lại… thực hành thi cắm hoa theo nhóm nhân ngày 20/11 hay 8/3…

Với học sinh lớp 1 chỉ có khái niệm thích và không thích. Những hoạt động nào gây hứng thú thì đó là việc dễ, không hứng thú đó là việc khó.

Vì vậy tổ chức các hoạt động cần đặt ra việc tạo hứng thú cho học sinh khi tham gia lên hàng đầu.

Đối với học sinh lớp 1 buổi đầu học ở trường tiểu học sự chú ý đa số là vô thức và không bền nên phải thường xuyên thay đổi các hoạt động để kích thích sự chú ý.

Thấy học sinh quan tâm nhiều tới cái gì, chúng ta lập tức điều chỉnh thời lượng và nội dung dạy trẻ cái đó, thay đổi theo hứng thú của trẻ. 

Hình thức tổ chức: Đảm bảo phù hợp với đặc điểm tâm lý của trẻ lớp 1: “Chơi mà học”.

Phải tổ chức thực hành, không nặng nề về lý thuyết.

Học sinh lớp 1 đang ở giai đoạn sinh trưởng và phát triển cần tới sự hoạt động của hệ thần kinh, cơ bắp..., trẻ không thể ngồi một chỗ trong thời gian quá lâu, không gian tổ chức nên là không gian mở, hạn chế bó hẹp trong khuôn viên phòng học.

Phương pháp: chú trọng và ưu tiên các phương pháp phù hợp với lứa tuổi (6-7 tuổi) như đóng vai, trò chơi, thực hành, trình bày ý tưởng, thảo luận nhóm, xem phim, truyện tranh và nêu nhận xét cá nhân...

Thời điểm tổ chức và quy mô học sinh tham gia: cần linh hoạt trong việc lựa chọn thời gian tổ chức các hoạt động  cho phù hợp với điều kiện của nhà trường (không nhất thiết là cuối buổi hay đầu buổi, buổi sáng hay buổi chiều.

Có những hoạt động cần nhiều thời gian thì bố trí kín các tiết học chính trong ngày để tạo đủ thời gian cho tổ chức hoạt động, có những hoạt động có thể lặp lại trong nhiều tuần nhưng khác nhau về mức độ yêu cầu cần đạt, mức độ sau nên cao hơn mức độ trước); nên phù hợp với nội dung chương trình đang dạy để tăng thêm khả năng bổ trợ cho các môn học.  

Căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, nội dung công việc để xác định quy mô: có thể toàn khối, hoặc từng lớp, từng nhóm lớp.

Không nhất thiết tại cùng một thời gian học sinh các lớp phải tham gia cùng một hoạt động.

Tên gọi các hoạt động: Có thể đặt tên gọi theo chủ đề hoặc theo các phẩm chất, năng lực được xác định trong mục tiêu của từng hoạt động.

Phân công trách nhiệm hướng dẫn: Người được phân công trách nhiệm trong việc hướng dẫn học sinh tham gia hoạt động cần được hiểu rõ về mục tiêu, hình thức và phương pháp tổ chức.

Đối tượng được phân công không chỉ là giáo viên chủ nhiệm mà còn là giáo viên bộ môn, Tổng phụ trách Đội, nhân viên y tế, nhân viên thư viện, nhân viên nấu ăn bán trú, đại diện cha mẹ học sinh, đại diện các chi hội, các tổ chức đoàn thể ở địa phương… tùy theo mục tiêu và nội dung từng hoạt động để phân công người phụ trách hợp lý.

Đánh giá nhận xét: Không quá nặng nề, hạn chế so sánh, chủ yếu khen thưởng, tuyên dương (không thưởng bằng tiền), hướng dẫn sửa sai một cách nhẹ nhàng, bao giờ cũng phải tìm được một chút thành công dù nhỏ của mỗi học sinh trong các hoạt động. 

Công tác phối kết hợp: Cần vận động, tuyên truyền để cha mẹ học sinh, cá nhân, tổ chức đoàn thể địa phương… tham gia một cách tự nguyện và thường xuyên.

Có như vậy mới giảm áp lực cho giáo viên, tạo hứng thú học tập cho học sinh; tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của nhà trường đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, tập thể, tổ chức xã hội và cha mẹ học sinh trong việc phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục.

Chương trình mới học sinh không phải đóng học phí, giáo viên sẽ được thêm lương?
Chương trình mới học sinh không phải đóng học phí, giáo viên sẽ được thêm lương?

Để đảm bảo nội dung các hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện dạy học của nhà trường và giúp giáo viên, cha mẹ học sinh hiệu rõ hơn mục tiêu của việc tổ chức các hoạt động sau thời gian học chính thức trong ngày, quản lý các nhà trường cần huy động tất cả cán bộ giáo viên, nhân viên tham gia xây dựng kế hoạch đồng thời trưng cầu ý kiến của cha mẹ học sinh.

Trên cơ sở những yêu cầu đặt ra cho nhiệm vụ cần phải tổ chức các hoạt động trong thời gian sau khi học chính khóa trong ngày, nhà trường tổ chức cho giáo viên (đặc biệt là giáo viên dạy lớp 1) tổ chuyên môn: xây dựng kịch bản, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, thời điểm tổ chức, đối tượng tham gia sau đó lên thời khóa biểu xuyên suốt 35 tuần học cho phù hợp.

Chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện khác sẵn sàng cho việc tổ chức các hoạt động: thư viện, tư liệu trình chiếu, vườn trường, khu vực rửa tay…

Tập huấn cho đối tượng tham gia hướng dẫn về mục tiêu, nội dung, cách thức tiến hành các hoạt động,…

Xây dựng các tình huống đảm bảo an toàn cho học sinh đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm mà học sinh rời khỏi địa phương.  

Cần phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để tham gia quản lý, liên hệ đặt vấn đề trước với nơi đến, đề nghị họ giúp đỡ thêm nếu cần thiết.

Về kinh phí tổ chức các hoạt động đang tồn tại các ý kiến trái chiều. 

Có ý kiến cho rằng: tổ chức các hoạt động này là trách nhiệm của nhà trường, của giáo viên và cha mẹ học sinh theo luật đã quy định nên không phải trả tiền cho người hướng dẫn, không thu tiền của cha mẹ học sinh để trả công.

Chỉ chi trả kinh phí để mua sắm các dụng cụ các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho việc tổ chức các hoạt động.

Kinh phí có được từ nguồn ngân sách và nguồn huy động tài trợ tự nguyện cho từng hoạt động cụ thể.

Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường tiểu học: “Tổ chức giảng dạy, học tập và hoạt động giáo dục đạt chất lượng theo mục tiêu, chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học do Bộ trư­ởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành” (Điều 3 - Điều lệ trường tiểu học). 

Hoạt động giáo dục “Hoạt động giáo dục bao gồm hoạt động giáo dục trong giờ lên lớp và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp nhằm rèn luyện đạo đức, phát triển năng lực, bồi dưỡng năng khiếu, giúp đỡ học sinh yếu phù hợp đặc điểm tâm lí, sinh lí lứa tuổi học sinh tiểu học”. (Điều 29 - Điều lệ trường tiểu học).   

Nhiệm vụ của giáo viên: “Giảng dạy, giáo dục đảm bảo chất lượng theo ch­ương trình giáo dục, kế hoạch dạy học; soạn bài, lên lớp, kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh; quản lí học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giảng dạy và giáo dục. (Điều 34- Điều lệ trường tiểu học). 

Tại điều này chúng ta hiểu rằng giáo viên phải làm nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục, quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức, chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giảng dạy và giáo dục.

Mặt khác, các hoạt động như trên không chỉ rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh mà còn góp phần bổ trợ cho các môn học chính khóa góp phần nâng cao chất lượng.

Nhiệm vụ và quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định tại Điều 4 và điều 6 của Thông tư 55 ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh: 

Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh” ;

Phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp đầu năm học của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường”. 

Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT, Điều 3: Nội dung vận động và tiếp nhận tài trợ quy định:

1. Cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau:

a) Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục;

b) Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.

2. Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng: Việc tổ chức các hoạt động này là ngoài giờ học chính khóa, bản chất của hoạt động là rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh và không có trong chương trình.

Theo quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 2 năm 2014 và một số văn bản hiện hành khác nên được thu tiền và trả chi trả cho các hoạt động này kể cả trả tiền thù lao cho người hướng dẫn, giảng dạy: 

“Hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong quy định này được hiểu là hoạt động giáo dục giúp cho người học hình thành và phát triển những thói quen, hành vi, thái độ tích cực, lành mạnh trong việc ứng xử các tình huống của cuộc sống cá nhân và tham gia đời sống xã hội, qua đó hoàn thiện nhân cách và định hướng phát triển bản thân tốt hơn dựa trên nền tảng các giá trị sống.” (Khoản 1 điều 2 - Thông tư số 14/2014/TT-BGD ĐT). 

Hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trong quy định này được hiểu là hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu người học không thuộc chương trình, kế hoạch giáo dục do các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt.” (Khoản 2 điều 2-Thông tư số 14/2014/TT-BGD ĐT). 

Cơ sở giáo dục, đơn vị được thu học phí để chi trả thù lao cho giáo viên, báo cáo viên, công tác quản lý, khấu hao tài sản cố định, chi thường xuyên khác” (Khoản 1 điều 16 - Thông tư số 14/2014/TT-BGDĐT).

Tại công văn số 3866/BGDĐT ngày 26/8/2019 về hướng dẫn chuẩn bị tổ chức dạy học lớp 1 năm 2020-2021:

Việc tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống,các hoạt động ngoài giờ chính khóa không thuộc chương trình, kế hoạch giáo dục do các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo Thông tư số 14/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 2 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo...”. (Mục 2 công văn số 36866).

Nhà trường phải có phương án, kế hoạch đảm bảo kinh phí cho hoạt động giáo dục nói chung đảm bảo cho kế hoạch giáo dục nói riêng, trong đó xác định cụ thể các hoạt động được đảm bảo kinh phí từ ngân sách, sự đóng góp của cha mẹ học sinh và nguồn thu hợp pháp khác” (Mục IV công văn số 36866)

Về kinh phí tổ chức các hoạt động giáo dục sau giào học chính thưc trong ngày ở nhà trường, chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành sớm văn bản hướng dẫn thục hiện nội dung này một cách cụ thể và kịp thời để các nhà trường có cơ sở thực hiện cho đúng.

VÕ PHI HÙNG