Chưa tăng lương cơ sở theo lộ trình, giáo viên sẽ bị ảnh hưởng nhiều không?

21/05/2020 06:40
THANH AN
GDVN- Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng và cần sự chung tay của mọi người, mọi ngành trên cả nước để góp phần vào mục tiêu chung của đất nước.

Theo lộ trình, chỉ còn hơn 1 tháng nữa (01/7) là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người đang hưởng lương hưu sẽ tăng mức lương cơ sở từ 1.490.000 lên 1.600.000 đồng.

Việc tăng lương cơ sở sẽ là khoản tiền có thể giải quyết bớt đi những khó khăn cho hàng triệu người đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, sáng ngày 20/5/2020 thì trong báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Quốc hội chưa tăng mức lương cơ sở đối với từ ngày 1-7-2020- điều này khiến cho nhiều người có phần lo lắng.

Chính phủ đề nghị chưa tăng lương cơ sở vào ngày 01/7 tới đây (Ảnh minh họa: VOV.vn)

Chính phủ đề nghị chưa tăng lương cơ sở vào ngày 01/7 tới đây

(Ảnh minh họa: VOV.vn)

Những năm qua, lộ trình tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu đều thực hiện đúng theo lộ trình mà Chính phủ đề ra.

Thế nhưng, đối với năm nay thì khó khăn thực sự đã đến với tất cả các nước trên thế giới chứ không riêng gì nước ta.

Dịch bệnh Covid-19 đến bất thình lình và gây nên nhiều khó khăn cho nguồn thu của ngân sách. Vậy nên, việc người đứng đầu Chính phủ đề nghị Quốc hội chưa tăng lương cũng là điều dễ lý giải trong hoàn cảnh hiện nay.

Bởi, nước ta không chỉ bị giảm nguồn thu do dịch bệnh mà còn phải chi ra nhiều khoản tiền lớn để đảm bảo an sinh xã hội.

Chẳng hạn như gói 62.000 tỉ đồng hỗ trợ cho những gia đình nghèo, cận nghèo, người mất việc, người có công…trong thời gian qua cũng đã là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các địa phương trong việc bố trí nguồn chi này.

Chính vì thế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Càng trong điều kiện khó khăn, chúng ta càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc làm, người yếu thế, không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau".

Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng và cần sự chung tay của mọi người, mọi ngành trên cả nước để góp phần vào mục tiêu chung của đất nước.

Đời sống của hàng triệu giáo viên sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Trong số những người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường hiện nay đang chiếm hơn một nửa số lượng.

Trong số đó, có rất nhiều thầy cô giáo mới vào nghề, những thầy cô giáo đang dạy hợp đồng ở các nhà trường chỉ hưởng mức lương rất thấp, thậm chí là hưởng mức lương tối thiểu (1.490.000) thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Việc tăng lương từ 1.490.000 lên 1.600.000 đồng dù không nhiều nhưng nó cũng giúp cho đội ngũ giáo viên vơi bớt được khó khăn trước mắt.

Vì thế, ngay sau khi có thông tin chưa tăng lương vào ngày 01/7 tới đây đã khiến cho nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, đây cũng là điều đã được nhiều người dự đoán từ trước.

Trong lúc Chính phủ đang phải cố gắng để tìm nguồn thu, duy trì mức tăng trưởng kinh tế nhằm tránh lạm phát thì việc chưa tăng mức lương cơ sở cũng là một giải pháp “nhằm phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội trong trạng thái "bình thường mới" sau dịch COVID-19- như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thực ra, khi đưa ra những lời đề nghị như vậy, chắc chắn người đứng đầu Chính phủ và các thành viên trong Chính phủ cũng đã phải cân nhắc rất kỹ về tình hình kinh tế của đất nước.

Nhưng, khó khăn chung của thời điểm hiện nay đã không cho phép Chính phủ tăng lương theo lộ trình đã đề ra nên những tất cả các cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng cần chia sẻ với Chính phủ vào lúc này.

Tăng lương, tăng thêm thu nhập cho người lao động, nhất là người lao động trực tiếp như giáo viên là mong muốn chính đáng để cải thiện đời sống hiện tại nhưng trong lúc này có lẽ điều mong muốn ấy khó có thể thực hiện được.

Chỉ mong Chính phủ chưa cắt phụ cấp thâm niên nhà giáo

Theo lộ trình của Luật giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/7 tới đây cũng là thời điểm đội ngũ nhà giáo sẽ không còn phụ cấp thâm niên nữa.

Chính vì thế, việc chưa tăng lương cơ sở theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mà cắt phụ cấp thâm niên của nhà giáo vào ngày 1/7 tới đây thì đội ngũ nhà giáo sẽ khó khăn vô cùng.

Vì thế, Chính phủ cũng nên cân nhắc chưa cắt thâm niên nhà giáo cho đến khi mức lương cơ sở được tăng lên để giảm bớt khó khăn cho nhà giáo. Bởi, nếu cắt phụ cấp thâm niên theo lộ trình sẽ đẩy phần lớn các nhà giáo hiện giảm mất từ 1/4 đến 1/3 tổng thu nhập hàng tháng.

Thiết nghĩ, việc chưa tăng lương cơ sở thì chúng ta nên đồng lòng, chung sức, chia sẻ khó khăn cùng Chính phủ để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Hơn lúc nào hết, những thầy cô giáo cùng với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người đang hưởng lương hưu cần đồng lòng sẻ chia khó khăn với Chính phủ trong lúc này và một số tháng tiếp theo cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế đất nước phát triển ổn định trở lại.

Tài liệu tham khảo:

//tuoitre.vn/chinh-phu-kien-nghi-chua-tang-luong-co-so-tu-1-7-20200520121038611.htm

THANH AN