Sao lại để Chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm Hiệu trưởng trường đại học?

21/05/2020 11:44
Thanh Sơn
GDVN- Chia sẻ với Giáo dục Việt Nam nhiều chuyên gia cho rằng, không nên để người đang làm công tác quản lý nhà nước kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng trường đại học.

Ngày 18/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có văn bản công nhận ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo đó, ông Thắng sẽ làm hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long từ ngày 18/5/2020 (theo văn bản 1588 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh do ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh ký thay Chủ tịch).

Ông Nguyễn Văn Thắng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, nhiệm kỳ 2020-2025. (Nguồn ảnh: Vietnamnet)Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, nhiệm kỳ 2020-2025. (Nguồn ảnh: Vietnamnet)

Trước quyết định này của tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam nhiều chuyên gia cho rằng, không nên để người đang làm công tác quản lý nhà nước kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng trường đại học.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ:

“Công việc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hay hiệu trưởng thực quyền ở một trường đại học đều rất bận rộn, đòi hỏi làm việc toàn thời gian, một cá nhân làm sao có thể kiêm nhiệm để làm tốt được cả hai công việc?.

Nếu ông Nguyễn Văn Thắng làm kiêm chức vụ Hiệu trưởng danh dự của Trường Đại học Hạ Long thì có thể được”.

Xung quanh việc này, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam bình luận: “Thiên hạ hết người hay sao mà phải kiêm nhiệm như vậy?”.

Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng, làm hiệu trưởng một trường đại học là một công việc khác hẳn công việc quản lý hành chính sự nghiệp. Hơn nữa, để làm hiệu trưởng thì trước tiên phải là nhà khoa học, nhà tri thức vừa là nhà sư phạm thì mới có thể làm tốt.

Ngoài ra, cũng theo Giáo sư Phạm Tất Dong, công tác hiệu trưởng là một công việc đòi hỏi phải thực sự am hiểu về giáo dục đại học để đưa toàn bộ công tác giảng dạy và đào tạo hiện nay của nhà trường bắt kịp với giáo dục thế giới, bắt kịp với công nghệ 4.0.

Các trường đại học phải tiên phong số hóa thì mới dẫn dắt tổ chức sản xuất trong việc áp dụng công nghệ 4.0, theo chuẩn quốc tế được.

Hơn nữa, Quảng Ninh là địa phương rất phát triển về công nghiệp mà công nghiệp 4.0 của Quảng Ninh sẽ phụ thuộc vào khả năng đào tạo đại học 4.0 ở tỉnh này. Do đó muốn quản trị trường đại học đòi hỏi hiệu trưởng phải dành thời gian nghiên cứu và am hiểu những xu thế phát triển đại học của thế giới.

Trong khi Chủ tịch của một tỉnh cũng rất vất vả khi phải giải quyết rất nhiều công việc liên quan đến ổn định, phát triển địa phương. Vậy làm sao có thể kiêm nhiệm làm hiệu trưởng được nữa?.

Thậm chí theo Giáo sư Phạm Tất Dong, chỉ cần một vụ việc xảy ra ở mỏ than, cưỡng chế nhà đất đã mất vài tháng để giải quyết, vậy khi đó Chủ tịch tỉnh làm sao có thời gian đi giải quyết các vấn đề ở trường đại học?.

Được biết, ông Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1973, nguyên quán huyện Từ Liêm, Hà Nội, là tiến sĩ Tài chính - Lý thuyết tiền tệ, trình độ Cao cấp lý luận chính trị.

Trước đó, ông từng trải qua các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam - Vietinbank, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 5/7/2019, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Trường Đại học Hạ Long là trường công lập, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Trường được thành lập theo Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 13/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Hạ Long trên cơ sở sáp nhập 2 trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long.

Theo Luật số 34/2018/QH14, nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau:

a) Là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học, trừ trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận có quy định khác;

b) Tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế, hoạt động khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quyết định của hội đồng trường, hội đồng đại học;

c) Trình văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường, hội đồng đại học sau khi tổ chức lấy ý kiến của tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong cơ sở giáo dục đại học; ban hành quy định khác của cơ sở giáo dục đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;

d) Đề xuất hội đồng trường, hội đồng đại học xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý thuộc thẩm quyền của hội đồng trường, hội đồng đại học; thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý khác của cơ sở giáo dục đại học, quyết định dự án đầu tư theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;

đ) Hằng năm, báo cáo trước hội đồng trường, hội đồng đại học về kết quả thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học và ban giám hiệu, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện công khai, minh bạch thông tin; thực hiện chế độ báo cáo và chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao;

e) Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước hội đồng trường, hội đồng đại học và các bên liên quan; chịu sự giám sát của cá nhân, tổ chức có liên quan về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao.”.

Thanh Sơn