Ngày 18/5/2020, trên giaoduc.net.vn đã đăng tải bài viết Vì sao có những giáo viên lại thích thi học sinh giỏi? của tác giả Mai Hoa. Đọc bài viết này, chúng tôi cảm thấy chạnh buồn và có lẽ nhiều thầy cô giáo đã từng ôn thi học sinh giỏi các cấp cũng sẽ buồn giống như chúng tôi thôi.
Bởi công việc ôn thi học sinh giỏi của giáo viên trong các nhà trường không phải là “thích” hay “không thích” mà đó là nhiệm vụ được nhà trường phân công.
Một khi đã được phân công thì bắt buộc người giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình và ai cũng biết đây là một công việc không hề dễ dàng đối với các thầy cô ôn luyện cho học trò.
Ôn thi học sinh giỏi là trách nhiệm của người thầy khi được phân công (Ảnh minh họa trên báo Thiếu niên Tiền phong). |
Có lẽ, trong tất cả các phong trào ở ngành giáo dục hiện nay, không có phong trào nào lại nặng và vất vả hơn việc giáo viên được nhà trường phân công ôn thi học sinh giỏi. Ròng rã nhiều tháng trời thì học trò mới dự thi…
Nhưng, đây là nhiệm vụ mà nhà trường phân công nên giáo viên không thể thoái thác trách nhiệm.
Những thầy cô được Ban giám hiệu nhà trường “nhắm tới” phần lớn là giáo viên cốt cán, những thầy cô có kinh nghiệm giảng dạy trong trường đảm nhận công tác ôn thi học sinh giỏi hàng năm.
Chính vì thế, tác giả Mai Hoa phản ánh trong bài viết của mình có nhiều điều gây hiểu lầm cho độc giả. Tác giả Mai Hoa viết:
“Học trò thi có giải thì đương nhiên thầy cô sẽ vui nhưng vui vì trò thì ít mà vui cho chính mình rất nhiều.
Bởi, chỉ cần học sinh đạt giải thưởng (càng cao càng tốt) thì ngoài việc giáo viên được nhà trường khen thưởng, ưu tiên trong việc đánh giá xếp loại công chức cuối năm, điều thu về lớn nhất chính là danh tiếng với nhà trường, với học sinh và phụ huynh .
Danh tiếng sẽ đi kèm với công danh và tiền bạc, nhà trường sẽ xếp thầy dạy lớp chọn, ôn đội tuyển.
Sẽ có người khen thầy giỏi, mát tay, có duyên với giải thưởng, sẽ có nhiều người tìm đến xin học, xin được thầy ôn luyện…Nhờ đó, nghề tay trái (thu nhập từ dạy thêm) sẽ là nguồn thu chính của những giáo viên này”.
Ai đã từng ôn thi học sinh giỏi sẽ hiểu cảm giác lo lắng, chờ đợi học sinh của mình tham gia từ vòng này qua vòng khác. Và, ai chẳng mong học trò của mình đậu cao, có ai trồng cây mà lại không mong đến ngày hái quả.
Nhưng, niềm vui của người thầy không phải là học trò đỗ cao để mình được nhận khen thưởng, được ưu tiên trong xếp công chức chức cuối năm và được học sinh đến nhà học thêm nhiều để tăng thu nhập.
Tác giả Mai Hoa có biết từ khi bắt đầu ôn cho đến khi học sinh thi là mấy tháng trời hay không? Tác giả Mai Hoa có biết nhà trưởng thưởng cho giáo viên có học sinh đạt giải là bao nhiêu không?
Ôn từ tháng 9 của năm này sang đến tháng 3 năm sau, thậm chí như năm học này đến thời điểm này vẫn chưa thi nhưng học sinh đạt giải thì cũng chỉ thông thường được thưởng khoảng trên dưới 500 ngàn đồng, tùy vào từng giải.
Thậm chí có trường không thưởng cho giáo viên. Chỉ có những giáo viên trường chuyên, trường Trung học phổ thông lớn mới thưởng tiền triệu cho người thầy có học sinh giỏi.
Hơn nửa năm trời ôn (tuần từ 4-6 tiết) để lấy khoảng trên dưới 500 ngàn đồng – nếu học sinh đạt giải, còn học sinh không đạt giải là không thưởng.
Giáo viên ôn thi học sinh giỏi hiện nay, nhất là cấp Trung học cơ sở gần như các trường không hề chi chế độ thù lao, chủ yếu là nhà trường động viên tinh thần. Vậy mức thưởng ấy có cao lắm không? Nếu người thầy không tâm huyết với ngành liệu họ có ôn tập cho học trò hay không?
Còn yêu tiên xếp loại công chức cuối năm ư? Tác giả Mai Hoa cũng biết là nếu không có sáng kiến kinh nghiệm thì học sinh thi học sinh giỏi có đạt giải gì đi chăng nữa thì giáo viên cũng xếp ở mức “hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Trong khi, trường học bây giờ có mấy ai xếp mức “hoàn thành nhiệm vụ” nên tất cả đều một mức “hoàn thành tốt nhiệm vụ” như nhau- chỉ trừ người có sáng kiến kinh nghiệm là xếp ở mức “xuất sắc”.
Việc quy đổi học sinh giỏi đạt từ giải III, cấp tỉnh sang sáng kiến kinh nghiệm cho giáo viên đã bãi bỏ từ mấy năm nay rồi.
Còn việc giáo viên ôn thi học sinh giỏi lấy “danh tiếng” để “có nhiều người tìm đến xin học, xin được thầy ôn luyện…Nhờ đó, nghề tay trái (thu nhập từ dạy thêm) sẽ là nguồn thu chính của những giáo viên này” thì không hẳn là như vậy.
Học thêm, dạy thêm chỉ diễn ra nhiều ở khu vực đô thị và chỉ có thể dạy thêm một số môn chính.
Trong khi, việc tổ chức thi học sinh giỏi hiện nay có đến cả chục môn học. Liệu những môn học được xem là môn phụ thì có học sinh đi học thêm hay không?
Bản thân người viết không đánh giá cao việc tổ chức thi học sinh giỏi các cấp, nhất là học sinh giỏi cấp tỉnh trở xuống bởi nó chưa thực sự tôn vinh được công sức của cả thầy và trò và có nơi vẫn tiềm ẩn tiêu cực.
Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh năm nay thì việc một số tỉnh vẫn tổ chức kỳ thi học sinh giỏi là không phù hợp.
Nhưng, người viết luôn đánh giá cao trách nhiệm của những thầy cô đảm nhận công việc ôn thi học sinh giỏi hàng năm và sự chịu khó ôn luyện của học trò.
Ở đây, không phải là vì thầy cô ham thành tích, ham lợi ích trong việc ôn thi học sinh giỏi bởi có ham thì những đồng tiền thưởng có đáng là bao nhiêu so với công sức người thầy bỏ ra và xếp loại thi đua cũng không được tính quy đổi.
Thầy cô ôn thi trước hết là vì đó là một nhiệm vụ được nhà trường phân công, một khi nhà trường đã phân công thì giáo viên không thể chối từ. Hơn nữa, một khi học sinh đã đăng ký ôn thi thì giáo viên sao nỡ chối từ ôn tập cho các em.
Cái được duy nhất của người thầy là một khi ôn thi học sinh giỏi là cũng đồng nghĩa đang tự trau dồi, bồi dưỡng thêm chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy cho mình và nếu học sinh đậu thì không bị quở trách…
Nhưng, nếu học sinh rớt (mà phần lớn là rớt vì tỉ lệ đậu chỉ 20-30%) thì buồn và thương học trò nhiều lắm…
Tài liệu tham khảo:
//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vi-sao-co-nhung-giao-vien-lai-thich-thi-hoc-sinh-gioi-post209441.gd