Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; đề nghị các tổ chức, cá nhân quan tâm góp ý kiến về dự thảo Thông tư trước khi ban hành.
Điều 18. Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có ghi:
“Nhiệm vụ của giáo viên:
….
5. Thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành, các quyết định của Hiệu trưởng; nhận nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công, chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục.
…”
Nếu giáo viên cứ nhất nhất nghe theo hiệu trưởng thì sẽ có những trường hợp hiệu trưởng độc đoán, chuyên quyền. (Ảnh minh hoạ: NOP17) |
Tôi góp ý cho Điều 18, Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học “cắt bỏ” Khoản 5 “Thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành, các quyết định của Hiệu trưởng; nhận nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công, chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục”.
Tại sao lại cắt bỏ Khoản 5?
Thứ nhất: Phàm là công dân Việt Nam bắt buộc thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật chứ không chỉ giáo viên trung học mới thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật; quy định này không cần thiết;
Gây hiểu nhầm không đáng có khi người không phải là giáo viên trung học, đọc thông tin này, sẽ nghĩ “À, mình không phải là giáo viên trung học, nên không phải thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật”.
Thứ hai: Giáo viên là công dân Việt Nam, phải thực hiện theo hiến pháp, pháp luật, trong đó có luật pháp liên quan đến giáo dục, nên không cần quy định lại.
Thứ ba: Hiệu trưởng thường vin vào nhiệm vụ của giáo viên “Thực hiện các quyết định của Hiệu trưởng; nhận nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công, chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng…” để làm “vòng kim cô” điều hành nhà trường.
Thực tế “hiệu trưởng luôn luôn đúng” cũng vì hiệu trưởng có “vũ khí hủy diệt” này, được Điều lệ nhà trường trang bị.
Những quyết định, nhiệm vụ hiệu trưởng giao giáo viên thực hiện có thể sai pháp luật, chưa đúng với lương tâm, nhưng giáo viên buộc phải thực hiện; giáo viên chẳng có cơ hội tranh luận, phát biểu quan điểm của mình, vì pháp luật quy định … như thế rồi.
Chỉ cần giáo viên nào có biểu hiện chống đối, không thực hiện, “chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng” sẽ được thực thi ngay; chính vì vậy dân chủ trong trường học không được thực hiện.
Thói quen tạo nên tính cách, giáo viên chỉ biết răm rắp phục tùng, có người đã viết “Không có nơi nào thiếu đấu tranh như trong ngành giáo dục”; “Làm hiệu trưởng chân chính khó lắm”…vv.
Giáo viên chỉ biết răm rắp phục tùng, trở thành cả “tập thể gù” làm “người ngay” thành khuyết tật như lời một bị can đã nói.
Hậu quả của “chỉ biết răm rắp phục tùng” nên nâng điểm theo chỉ đạo miệng, làm những việc trái pháp luật, trái lương tri khi … có cấp trên chỉ đạo.
Vô hình trung, Điều lệ nhà trường đã tạo điều kiện cho hiệu trưởng độc đoán chuyên quyền; hình ảnh hiệu trưởng trở nên méo mó, xấu xí trong con mắt dư luận, trong ký ức của chính giáo viên;
Thói quen phục tùng vô điều kiện làm người ngay thành người khuyết tật tâm hồn; kẻ khuyết tật tâm hồn sao vẽ nên bức tranh tươi sáng trong tâm hồn học trò! Xin đừng làm giáo viên thành … kẻ khuyết tật!
Thứ tư: Tạo sự thống nhất giữa Điều lệ trường tiểu học với Điều lệ trường trung học. Trong Điều lệ trường tiểu học, giáo viên không có nhiệm vụ mà Khoản 5, Điều 18 Điều lệ trường trung học, có ghi.