Xem một vở hài kịch, người xem có những trận cười sảng khoái, bớt đi những căng thẳng, buồn phiền, mệt nhọc. Ở đó, những diễn viên hài cống hiến hết mình vì khán giả…
Theo dõi phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi đang diễn ra ở Sơn La, chúng ta thấy một số cựu quan chức của Sở Giáo dục tỉnh này như đang diễn hài. Chỉ khác, những diễn viên hài thực sự đem đến cho người xem những trận cười…
Còn những “diễn viên” trong vụ án gian lận điểm ở Sơn La chỉ đem đến cho công chúng một nỗi buồn phiền, thất vọng nên không thể nào cười được. Người thì trâng tráo đổ tội cho cấp dưới, người thì ngơ ngác đến tội nghiệp, người thì cứ diễn hoài điệp khúc “đi chữa bệnh”.
Bị cáo Trần Xuân Yến đang cố phủ nhận việc làm của mình (Ảnh: Vũ Phương) |
Tội nghiệp bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga!
Chúng tôi dùng từ “tội nghiệp” không phải là thương cảm gì bà Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) bởi chỉ là một chuyên viên nhưng bị cáo này cũng đã nhận hàng tỉ đồng để làm việc phi pháp.
Bà Nga là một trong những thành viên tích cực nhất trong vụ án gian lận điểm thi ở Sơ La khi đã cùng với nhiều bị cáo khác bày mưu, tính kế để nâng điểm cho 44 thí sinh ở tỉnh Sơn La.
Chữ “tội nghiệp” ở đây là vì các bị cáo khác đã đổ lỗi hết cho bà Nga trong sự việc tiêu cực điểm thi ở kỳ thi Trung học phổ thông năm 2018 ở tỉnh này. Người giao nhiệm vụ nâng điểm thì bây giờ nói “xem điểm”, người đưa tiền chạy điểm thì bây giờ chỉ nói “đến nhà chơi”...
Họ đã từng là cấp trên, hay đồng nghiệp cùng gắn bó, làm việc ở Sở với nhau nhiều năm trời giờ đây phủ nhận việc nhờ nâng điểm. Người ta chỉ nhờ “xem điểm” trước thôi, cớ gì bà Nga phải “nâng điểm” rồi lại còn khai nhận tiền của một số người nữa chứ?
Vì thế, nhiều bị cáo là những người có chức vụ cao hơn chỉ bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ" thì bà Nga và 3 bị cáo khác ngoài tội danh này ra còn bị truy tố thêm “nhận hối lộ”.
Khi cấp trên tìm các chối và né tội
Trong số 12 bị cáo được đem ra xét xử trong vụ án gian lận điểm thi ở Sơn La, chúng ta thấy có tới 6 người đã từng công tác trong ngành giáo dục.
Trong số 6 bị cáo này có tới 5 lãnh đạo, chuyên viên của Sở Giáo dục Sơn La. Bị cáo có chức vụ cao nhất trong vụ án này là ông Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La).
Ngoài 5 bị cáo này ra thì còn một số lãnh đạo Sở Giáo dục cũng được xác định liên quan đến vụ án. Đó là, ông Hoàng Tiến Đức- người được Trần Xuân Yến khai ban đầu là gửi danh sách 8 thí sinh để nâng điểm.
Ông Nguyễn Duy Hoàng- Phó Giám đốc Sở, ông Phan Ngọc Sơn- Chánh Thanh tra Sở, ông Nguyễn Ngọc Hà- nguyên Trưởng phòng Giáo dục Trung học cũng có con được nâng điểm.
Thế nhưng, giờ đây khi đứng trước tòa thì họ tìm cách phủ nhận việc làm của mình. Trong lời khai ban đầu với cơ quan điều tra thì bị cáo Trần Xuân Yến khai đã chuyển danh sách cho bà Nga để nâng điểm cho 13 thí sinh.
Trong số 13 thí sinh này có 8 thí sinh do ông Hoàng Tiến Đức- cựu Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La lúc bấy giờ gửi gắm.
Nhưng rồi ông Hoàng Tiến Đức chỉ nhận là mình “nhờ xem điểm” cho thí sinh, rồi ông Trần Xuân Yến cũng phủ nhận lời khai trước đây là “nhờ nâng điểm” vì cho rằng ông bị ép cung.
Điều đáng chú ý nhất là trong những ngày diễn ra phiên tòa này thì ông Hoàng Tiến Đức- cựu Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La vẫn tiếp tục vắng để đi “chữa bệnh”. Đây không phải là lần đầu tiên ông Đức bệnh mà chúng ta đã thấy ông này đã nhiều lần “diễn” cảnh này.
Khi Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức cách hết chức vụ trong Đảng, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La thu hồi Quyết định nghỉ hưu và Ủy ban Kiểm tra Trung ương về Sơn La làm việc thì ông Đức đã làm đơn xin đi chữa bệnh.
Giữa tháng 10/2019, phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi ở Sơn La thì ông Đức lại xin vắng mặt vì đang đi chữa bệnh.
Bây giờ, hơn nửa năm trôi qua, phiên tòa được mở lại sau khi điều tra bổ sung thì ông Hoàng Tiến Đức vẫn tiếp tục không đến tòa vì sức khỏe yếu.
Sự trùng hợp đến ngẫu nhiên hay là đây chỉ là một phân cảnh trong một vở kịch nên ông Đức mới phải diễn như thế?
Rồi cả ông ông Nguyễn Ngọc Hà- nguyên Trưởng phòng Giáo dục Trung học thừa nhận trước tòa là bản thân có chuyển danh sách thông tin 8 thí sinh nhưng chỉ nhờ “xem điểm” thi chứ không nhờ nâng điểm…
Nếu xem điểm trước thì ghi số điểm để làm gì?
Một số bị cáo trong phiên tòa như Trần Xuân Yến hay người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án như ông Nguyễn Ngọc Hà- nguyên Trưởng phòng Giáo dục Trung học đều cho rằng mình chỉ nhờ “xem điểm” trước cho các thí sinh.
Nếu chỉ xem điểm trước thì liệu những người này có cần ghi điểm trong danh sách chuyển cho bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga hay không?
Xem điểm thì chỉ cần tên, số báo danh là đủ chứ cần gì phải ghi “điểm dự kiến”. Nếu biết điểm dự kiến cao như vậy thì cần phải nhờ xem trước mấy hôm để làm gì? Nếu xem trước thì làm gì có chuyện phần lớn những thí sinh nhờ “xem điểm” này được nâng điểm?
Có những trường hợp điểm thi thật chỉ có 0,45 điểm đã được nâng lên 27 điểm. Việc chênh lệch đến 26,55 điểm/3 môn thi có lẽ mãi mãi là kỷ lục trong một kỳ thi quốc gia ở Sơn La và cả nước!
Nếu xem điểm trước thì bà Nga không phải nộp cho cơ quan điều tra 1 tỉ 40 triệu đồng.
Bị cáo Lò Văn Huynh (nguyên Phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) không khai nhận nâng điểm cho con trai bà Lò Thị Trường (làm tự do) với giá 300 triệu đồng và nhận của Nguyễn Minh Khoa một tỷ đồng để nâng điểm cho 4 thí sinh đủ điểm đỗ vào trường công an.
Liệu bị cáo Nga, bị cáo Huynh… có khờ dại đem tiền nhà đi nộp cho cơ quan điều tra hay không? Và, nếu chỉ xem điểm trước thì có lẽ nhiều lãnh đạo, chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La không phải đứng trước vành móng ngựa như bây giờ!
Vậy mà một số người trong vụ án gian lận điểm ở Sơn La đang cố tình “diễn”- những vai diễn kệch cỡm đến bất ngờ!
Tài liệu tham khảo:
//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bi-cao-nga-nhan-hon-1-ty-tien-cam-on-vi-phu-huynh-co-long-post209615.gd
//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cuu-pho-giam-doc-so-giao-duc-son-la-phu-nhan-chi-dao-cap-duoi-nang-diem-post209538.gd