Tự chủ đại học: Hội đồng trường, cơ quan chủ quản và vai trò của tổ chức Đảng

25/05/2020 06:44
Vũ Ngọc Hoàng
GDVN- Không thể lấy các quy định về công tác cán bộ đối với đối tượng là cán bộ công chức để áp vào cho trường đại học tự chủ - nơi không có cán bộ công chức.

Tự chủ đại học là vấn đề hết sức quan trọng, một việc đã rõ như ban ngày, trước đây khoảng chừng vài chục năm cứ nghe nói đến là sợ phạm húy, nay thì rất dễ thống nhất và đã được ủng hộ từ nhiều hướng, mà ủng hộ thật chứ không phải nói để ngoại giao.

Nhưng đi vào những vấn đề cụ thể để thực hiện nó thì còn lắm ý kiến khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau. Nếu không bàn tiếp cho rõ thì không đi đến được.

Khi ấy việc quan trọng nhất của giáo dục đại học sẽ không được thực hiện, dù đã có chủ trương của các cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước. Bài này muốn tham gia ý kiến về việc đó.

Một nền giáo dục đại học phát triển nhất định phải gắn với tự chủ đại học. Đại học chưa tự chủ là đại học chưa đủ trưởng thành. Đại học chưa trưởng thành thì không tạo được những sản phẩm-người hoàn thiện và cũng sẽ khó thành công trong hội nhập quốc tế ngày nay.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, ảnh do Tiến sĩ cung cấp.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, ảnh do Tiến sĩ cung cấp.

Rất nhiều nước có nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới đã thực hiện tự chủ đại học từ lâu rồi, còn một số nước khác thì chưa hoặc tự chủ mới một phần. Mà tự chủ một phần thì cũng có nghĩa là chưa tự chủ, mới chỉ là một bước đi.

Vấn đề tự chủ nói ở đây theo cách hiểu tự chủ hoàn toàn, tất cả mọi việc, chịu trách nhiệm trực tiếp và cao nhất về chủ trương và kết quả công việc, có thể gộp lại ở 4 nội dung chính là tự chủ về chương trình (có người gọi là chuyên môn), về nhân sự, về tài chính và về quản trị, trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Ta nói tự chủ hoàn toàn ở đây không có nghĩa là không cần pháp luật, muốn làm gì thì làm, bởi vì mỗi đơn vị đào tạo đều là một bộ phận hợp thành của một xã hội có trật tự, thượng tôn pháp luật.

Trách nhiệm giải trình trước cộng đồng xã hội và tuân thủ pháp luật là nghĩa vụ phải làm của hội đồng trường. Và tất nhiên đó là pháp luật tiến bộ, chấp nhận tự chủ đại học, chứ không phải ngăn cấm tự chủ.

Nếu pháp luật chưa cho tự chủ đại học thì quốc gia đó chưa có nền đại học phát triển, chất lượng con người và nguồn nhân lực bị hạn chế.

Ở nước ta những năm trước đây chưa có chủ trương về tự chủ đại học, kể cả ít ai nói đến, chỉ trừ ở miền nam trước năm 1975. Những năm gần đây các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã chính thức chủ trương mạnh mẽ là phải thực hiện tự chủ đại học.

Chủ trương đã có nhưng việc thực hiện thì chưa mạnh mẽ và chưa nhất quán.

Tự chủ là tự mình làm chủ. Tự mình quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định ấy đối với công việc của nhà trường.

Nhưng ai làm chủ, ai là chủ thể? Câu trả lời là tập thể nhà trường, chứ không phải cá nhân hiệu trưởng. Đại diện của tập thể nhà trường là hội đồng trường.

Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của trường, họ được quyết định mọi công việc theo 4 nhóm vấn đề đã nói trên đây. Vậy còn hiệu trưởng, hiệu phó làm việc gì?

Ông hiệu trưởng sẽ làm những việc do hội đồng trường giao, điều hành thực hiện các chủ trương của hội đồng trường, còn hiệu phó thì thực hiện các công việc do hiệu trưởng phân công, ủy quyền.

Hội đồng trường quyết định ai là hiệu trưởng chứ không phải ngược lại, không phải hiệu trưởng chọn hội đồng trường để hỗ trợ cho hiệu trưởng, làm lá chắn cho hiệu trưởng.

Hội đồng trường sẽ là tốt khi nó thực chất là cơ quan quyền lực, và sẽ là xấu khi nó hình thức chứ không thực chất, khi ấy còn xấu hơn là không có nó.

Nhưng khi không có nó thì quyền tự chủ đúng đắn sẽ không có trên thực tế và đề phòng sẽ thay vào đó là sự cai trị độc đoán của một cá nhân. Lúc ấy tự chủ sẽ xấu ngoài mong muốn chứ không tốt như ta suy nghĩ.

Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà trường, quyết định nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Vậy thì cơ quan chủ quản cấp trên làm gì, vai trò và quyền hạn ra sao?

Nói cơ quan chủ quản là nói theo tư duy cũ, cơ chế cũ, chưa có tự chủ đại học.

Còn theo chủ trương tự chủ đại học thì đồng nghĩa với chủ trương không còn, không có cơ quan chủ quản. Vẫn còn giữ cơ quan chủ quản tức là chưa hiểu rõ về tự chủ đại học, chưa có tự chủ đại học.

Việc thôi cơ quan chủ quản đã nói cũng khá lâu, nhưng thực hiện thì rất khó khăn, kể cả trong giáo dục và trong kinh tế. Nói còn khó khăn là nói nhẹ, thực ra là các cơ quan chủ quản nhìn chung là chưa quán triệt, chưa thực hiện.

Nói chung tất cả các trường đại học đều không nên có cơ quan hành chánh làm chủ quản, chỉ trừ trường chuyên ngành của Quốc Phòng và Công An. Vì sao vậy?

Khi có cơ quan chủ quản thì cơ quan ấy sẽ can thiệp, chỉ đạo công việc của nhà trường, trong khi họ không phải là cơ quan sự nghiệp đào tạo, không có chuyên môn sâu và cũng không chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng đào tạo của nhà trường.

Còn Quân đội, Công an là các chuyên ngành đặc thù, họ có chuyên môn sâu về công việc của ngành đó, lại trực tiếp sử dụng tất cả sản phẩm do họ đào tạo ra, chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng sản phẩm ấy.

Nói cách khác là nghành quân sự và công an tự đào tạo con người cho mình (khi cần, các ngành ấy cũng có thể gởi người đi học ở các trường không phải của mình để tiếp thu sử dụng kinh nghiệm và kỹ thuật từ nơi khác nhằm tự nâng cao năng lực).

Tuy nhiên cho đến nay vẫn nhiều cơ quan chủ quản chưa chịu, không chịu thôi vai trò chủ quản, cứ như là bị mất cái gì thuộc sở hữu của mình vậy.

Có nơi khi tham khảo ý kiến của hiệu trưởng thì hiệu trưởng đề xuất nên giữ cơ quan chủ quản, vậy là sao? Chắc chắn không phải là từ chối vấn đề tự chủ, mà có thể lời ấy nằm trong mối quan hệ với cơ quan chủ quản.

Sở dĩ vấn đề trở nên phức tạp như vậy là vì đằng sau của câu chuyện tự chủ là câu chuyện về quyền lực và sự phân chia quyền lực.

Thế còn vai trò của đảng ủy thì sao? Đây là nói sang một lĩnh vực khác, một lĩnh vực nữa, thuộc về công việc của đảng lãnh đạo, cầm quyền, tất nhiên là mới nói trong giới hạn lãnh đạo phát triển giáo dục đại học.

Phảng phất đây đó cũng có ý kiến và suy nghĩ rằng nếu hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất thì vai trò của đảng ủy bị giảm sút đi.

Cần thiết phải bàn cho rõ việc này để thống nhất về nhận thức. Tư duy và nhận thức đúng thì sẽ thực hiện đúng.

Chính nhờ cơ chế tự chủ toàn diện, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã và đang vươn lên phát triển mạnh mẽ, ảnh minh họa, nguồn: TDTU.

Chính nhờ cơ chế tự chủ toàn diện, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã và đang vươn lên phát triển mạnh mẽ, ảnh minh họa, nguồn: TDTU.

Còn tư duy và nhận thức không phù hợp thì sẽ cản trở trong công việc, thậm chí nơi này nơi khác còn ra những chủ trương, nghị quyết trái với tinh thần và quan điểm chỉ đạo chung.

Trung ương Đảng đã có một số nghị quyết chung và nghị quyết chuyên đề về giáo dục, ví dụ Nghị quyết 29-NQ/TW ở nhiệm kỳ XI và Nghị Quyết 19-NQ/TW ở nhiệm kỳ XII…, trong đó đã có chủ trương mạnh mẽ về tự chủ đại học.

Chủ trương đã có nhưng thực hiện thì còn nhiều vấn đề vướng mắc cần được tháo gỡ.

Trong mối quan hệ giữa đảng ủy và hội đồng trường có vấn đề liên quan đến tư duy về vai trò, chức năng và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các trường đại học cần được nhận thức cho đúng và phải được đổi mới một cách căn bản.

Chủ trương về tự chủ đại học là rất đúng đắn. Sự lãnh đạo của Đảng là nhằm mục tiêu phát triển quốc gia, dân tộc. Tư duy về tự chủ là tư duy phát triển. Để phát triển. Cho phát triển. Vì sự phát triển.

Có tự chủ mới có độc lập về tư duy. Có độc lập tư duy thì mới có phản biện khoa học và tự do sáng tạo. Có phản biện khoa học mới có con đường tiếp cận chân lý khách quan. Có tư do sáng tạo mới tự giải phóng năng lực nội sinh và tìm ra con đường phát triển tốt nhất.

Tự chủ sẽ phát triển tư duy độc lập và nâng cao trách nhiệm, do đó mà trưởng thành.

Khi không được tự chủ, chịu sự áp đặt từ bên ngoài sẽ làm cho nhà trường trở nên thụ động, xơ cứng, ngồi chờ lệnh, không có sáng tạo, làm mất sức mạnh nội sinh, không có đổi mới để nâng cao chất lượng.

Sự tự chủ của nhà trường không hề làm giảm đi vai trò của tổ chức Đảng lãnh đạo, mà ngược lại còn tăng lên vì đây là việc đúng, việc tốt, do Trung ương Đảng chủ trương.

Đó là nói đối với nội dung và phương thức lãnh đạo đúng đắn, chứ không phải sự lạm dụng, nhân danh, “đá lộn sân”, không thúc đẩy mà trở thành kìm hãm.

Nhớ lại ngày chưa cầm quyền Đảng đã lãnh đạo bằng cách nào mà có cả một dân tộc đi theo để giành độc lập, trong thời chiến tranh cũng vậy, ở các khu vực bị chiếm Đảng không có chính quyền nhưng nhân dân cũng đã tự nguyện đi theo trong chiến tranh vệ quốc hết sức gian khó và ác liệt?

Một điều chắc chắn rằng ngày đó Đảng không (và không thể) lãnh đạo nhân dân bằng biện pháp hành chánh hay sử dụng quyền lực, mà là thuyết phục bằng các giá trị văn hóa trong khai trí, phát huy sức mạnh của lòng yêu nước và văn hóa dân tộc, cộng với những tấm gương về nhân cách sống của cán bộ đảng viên.

Với cách đó, từ một đảng chính trị đã trở thành một đảng lãnh đạo toàn dân tộc, được nhân dân tự nguyện đi theo, tự nguyện chấp nhận (chứ không phải bằng quyền lực).

Sau này khi đã có chính quyền và trong hòa bình thì dần dần phương thức lãnh đạo của Đảng đã thay đổi theo hướng dùng nhiều biện pháp tổ chức-hành chánh, kể cả dùng quyền lực để thực hiện các công việc mà Đảng muốn làm mặc dù trong đó có những việc dân thật lòng chưa muốn, không muốn (như cải tạo nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, cải cách ruộng đất như đã làm, rồi có lúc hạn chế kinh tế tư nhân, định xóa bỏ sở hữu tư nhân…v.v).

Xét về tính chất, đảng chính trị là tổ chức luôn lấy giá trị văn hóa làm nền tảng và cốt lõi, đảng không phải là nhà nước, mà nhà nước mới là cơ quan quyền lực được nhân dân giao phó, đảng dù là cầm quyền cũng không phải là cơ quan quyền lực.

Khi đảng trực tiếp sử dụng quyền lực thì đảng lại tự mình trở thành nhà nước, dài tay và bao biện, tự làm thay đổi bản chất của mình, thành cơ quan quyền lực, trong điều kiện một đảng mà lại thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực thì đảng đó sẽ thoái hóa (do) quyền lực.

Vì vậy cần thiết phải đổi mới căn bản phương thức lãnh đạo của đảng theo hướng tập trung cho nhiệm vụ khai hóa văn minh và bằng phương thức thuyết phục, bằng các cơ sở khoa học, chứ không phải chỉ huy mọi công việc bằng cách sử dụng trực tiếp quyền lực, chồng chéo với các cơ quan quyền lực khác.

Làm được như thế vừa đúng tính chất, chức năng và tổ chức Đảng sẽ trưởng thành, phát triển về trí tuệ, năng lực tư duy tăng lên, đủ sức để theo kịp và lãnh đạo công cuộc đổi mới (người lãnh đạo quan trọng nhất là có cái đầu trí tuệ mới có thể dẫn dắt), nếu không sẽ tụt hậu và kìm hãm.

Vận dụng tinh thần đó vào công việc của nhà trường, phương án tốt nhất sẽ là tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo phát triển tư duy về giáo dục hiện đại hướng đến chất lượng cao, để từ đó mà tham gia thúc đẩy công cuộc khai hóa văn minh, chứ không phải can thiệp vào công việc của hội đồng trường hay của ban giám hiệu.

Đảng ủy không quyết định nhiệm vụ chính trị mà đó là việc của hội đồng trường (điểm này khác với cấp ủy địa phương). Tóm lại, đảng ủy không làm chức năng của cơ quan quyền lực mà hội đồng trường mới là cơ quan quyền lực.

Đảng ủy không phải là cấp trên, cũng không phải là cấp dưới của hội đồng trường. Hội đồng trường và đảng ủy song song tồn tại nếu ở trong trường có đảng viên đủ số lượng, mỗi bên làm chức năng của mình, không trùng dẫm lên nhau.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu tại hội thảo về tự chủ đại học, ảnh: TDTU.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu tại hội thảo về tự chủ đại học, ảnh: TDTU.

Đối với công tác cán bộ thì sao? Đảng thuyết phục về tiêu chuẩn cán bộ quản lý chủ chốt của nhà trường và có thể tìm chọn nhân sự cụ thể để giới thiệu ra tham gia thành viên hội đồng trường hoặc ứng cử bình đẳng chức danh chủ tịch hội đồng trường.

Trước đây đã có một ý kiến vừa gợi mở, vừa chỉ đạo quan trọng yêu cầu bí thư Đảng ủy làm chủ tịch hội đồng trường. Yêu cầu đó có lý do khách quan lúc đó. Nên hiểu và vận dụng điều này như thế nào cho tốt trong điều kiện thực hiện tự chủ đại học?

Chủ tịch hội đồng trường là chức danh bầu cử, phải do/được tập thể hội đồng trường bầu lên. Bầu cử thì phải thật sự dân chủ chứ không hình thức, đối phó.

Đảng ủy có thể giới thiệu một trong số các ứng cử viên để ra tranh cử bình đẳng như đã nói, chứ không thể chỉ định hoặc phân công.

Trong trường hợp bí thư đảng ủy trúng cử chủ tịch hội đồng trường sẽ có thuận lợi trong phối hợp công việc giữa đảng ủy và hội đồng trường, nhưng đồng thời cũng có nhược điểm là bí thư phải làm công việc quyền lực và hành chánh khác với tính chất khai hóa văn minh bằng thuyết phục của tổ chức đảng.

Khi trực tiếp nắm quyền lực thì bản chất đã bắt đầu có thay đổi, không còn nguyên như trước, vì quyền lực luôn có hai mặt đối ngược nhau, vừa mạnh mẽ hơn trong điều hành vừa dễ tha hóa con người và bộ máy, nhất là khi chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực tốt.

Theo đó, bí thư của đảng là người trực tiếp nắm quyền lực thì nói chung phải đề phòng tổ chức đảng ở đó sẽ bị thoái hóa là không tránh khỏi, và mặt khác, hội đồng trường thì bị đảng hóa gây lẫn lộn về tính chất công việc.

Cũng có ý kiến cho rằng, tốt nhất, gọn nhất, để ít cồng kềnh nên gộp 3 chức danh vào một người, vừa là bí thư đảng, vừa là chủ tịch hội đồng trường, vừa là hiệu trưởng.

Bình luận như nào về phương án này? Thế trong trường hợp không phải đảng viên nhưng giỏi thì cũng không được làm chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng, (trong khi sự nghiệp giáo dục là của toàn xã hội chứ không phải riêng của Đảng), còn bí thư không giỏi ở lĩnh vực này vẫn phải làm?

Nếu thế thì coi chừng sẽ làm giảm uy tín của Đảng.

Nghị quyết 19-NQ/TW đã khẳng định hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học. Đó là tư duy chuẩn và rất tiến bộ, không nên để các sai lệch trong quá trình thực hiện làm giảm ý nghĩa thực tiễn của vấn đề này.

Đã là cơ quan quyền lực cao nhất thì hội đồng trường hoàn toàn có quyền quyết định nhân sự quản lý của nhà trường.

Có cơ quan chủ quản sử dụng quy định của Đảng về công tác cán bộ nói chung để áp đặt vào quyền tự chủ nhân sự của trường đại học tự chủ.

Không thể lấy các quy định về công tác cán bộ đối với đối tượng là cán bộ công chức để áp vào cho trường đại học tự chủ - nơi không có cán bộ công chức.

Cũng tại Nghị quyết 19-NQ/TW đã có chủ trương cho thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là bước tiến rất đáng kể về tư duy lãnh đạo, xuất phát chính từ vấn đề hiệu quả quản lý chứ không phải ai sở hữu, ai trực tiếp quản lý, nắm giữ.

Theo đó, hiệu trưởng nhà trường có thể do hội đồng trường thuê, còn làm việc tốt thì còn thuê, hết làm việc tốt thì thuê người khác, không giới hạn tuổi tác, nhiệm kỳ. Tại nước ngoài, đã có trường hợp hiệu trưởng trường đại học làm đến 7 nhiệm kỳ, đến tuổi 81 vẫn được thuê tiếp.

Tất cả các tổ chức và đảng viên của Đảng đều hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, vừa tuân thủ nghị quyết của Đảng vừa phải làm đúng theo quy định của pháp luật.

Tổ chức đảng tại các trường đại học cần tổ chức thực hiện tốt nghị quyết của Trung ương về tự chủ đại học và gương mẫu trong thực hiện các quy định của luật pháp về sự tự chủ của các trường.

Ngoài những ý kiến đã trình bày, qua nghiên cứu thực tế cho thấy, để giải quyết tốt vấn đề tự chủ đại học cần có thêm 4 điều kiện:

- Thứ 1, cấp trên đủ độ chín về tư duy, có văn hóa và nhân cách tốt, biết chăm lo cho sự trưởng thành và phát triển của con người hơn là lo cho quyền lực của cấp mình, của bản thân mình.

- Thứ 2, cấp dưới đủ phẩm chất và trách nhiệm, với động cơ trong sáng vì sự nghiệp vinh quang là sự phát triển của con người, không có ý định lợi dụng việc phân cấp để tìm kiếm lợi ích cá nhân.

- Thứ 3, cộng đồng xã hội đủ nhận thức để tác động bằng dư luận, phê phán các cách làm bảo thủ, lạm dụng chủ trương về tự chủ đại học, ôm giữ công việc mà không chịu phân cấp giao quyền, tìm mọi cách để không cho bên dưới được tự chủ.

- Thứ 4, có cơ chế kiểm soát quyền lực tại chỗ và minh bạch thông tin, thực hiện nghiêm và tốt trách nhiệm giải trình.

Khi gặp các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương về tự chủ đại học, tổ chức Đảng trong các trường cần phải bám sát Nghị quyết 29 và Nghị quyết 19 của Trung ương, các văn bản quy phạm pháp luật để có ý kiến với các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ và thực hiện cho được chủ trương về tự chủ đại học – đây đang là vấn đề lớn và quan trọng nhất hiện nay đối với sự phát triển của giáo dục đại học của nước ta.

Tổ chưc Đảng ở các trường đại học luôn đóng vai trò quan trọng nhất để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong cơ chế tự chủ đại học mà không một tổ chức Đảng ở bên ngoài nào (hay một cơ quan hành chính nào) có thể làm thay được ./.

Quảng Nam ngày 22/5/2020

Vũ Ngọc Hoàng