Vừa qua, Giáo dục Việt Nam đăng tải các bài viết Bộ Giáo dục nói gì về sửa đổi quy định đánh giá, xếp loại học sinh trung học?; Bớt đầu điểm, giảm tải áp lực và trao quyền chủ động cho giáo viên là cần thiết; Thay đổi đánh giá, kiểm tra học sinh trung học là tốt nhưng không dễ thực hiện, nêu các điểm mới, các ý kiến xung quanh thay đổi đánh giá, nhận xét học sinh
Chúng tôi tiếp tục nhận được ý kiến của giáo viên góp ý về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Nhiều điểm mới về thay đổi nhận xét, đánh giá học sinh được giáo viên ủng hộ. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới |
Một giáo viên dạy môn Ngữ Văn (đề nghị không nêu tên) tại một trường Trung học phổ thông đã chia sẻ một số góp ý và mong muốn được cơ quan soạn thảo lắng nghe, xem xét để tiếp tục hoàn thiện dự thảo.
Theo vị giáo viên này, các điểm mới của dự thảo như tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng, tức kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số; đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá; tăng cường vai trò môn Ngoại ngữ trong xét danh hiệu học sinh giỏi được nhiều giáo viên nhất trí.
Bởi thực tế, giáo viên, các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện nay đã thực hiện những điều này.
Việc kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số đã được thực hiện thường xuyên ở hai cấp học này.
Giáo viên không chỉ nhận xét trên mỗi một bài kiểm tra lấy điểm mà thường xuyên nhận xét thái độ và hành vi học sinh trong quá trình học tập.
Để kiểm tra lấy điểm, giáo viên cũng không dừng lại ở việc yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức mà kiểm tra nhận thức vấn đề của học sinh.
Về việc đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, thực tế giáo viên đã thực hiện tốt điều này.
Để lấy một điểm kiểm tra định kì, giáo viên ra nhiều hình thức khác nhau chứ không chỉ hỏi đáp, không chỉ yêu cầu học sinh viết bài ra giấy mà giáo viên đánh giá quá trình học tập, chú trọng vào sự tiến bộ của học sinh.
Giáo viên cũng không chỉ kiểm tra một lần là lấy điểm luôn mà tạo điều kiện cho học sinh được kiểm tra nhiều hơn để nâng điểm số của mình.
Việc tăng cường môn Ngoại ngữ trong đánh giá học sinh cũng là một điểm tích cực nên thực hiện.
Về một điểm dự thảo đề cập thay đổi, đó là giảm số đầu điểm đánh giá với học sinh. Theo vị giáo viên này, điều này là chưa hoàn toàn hợp lí.
Nên giảm, nhưng giảm nhiều đến mức độ như dự thảo là điều không cần thiết.
Vị giáo viên này phân tích, ví dụ với môn Toán, Tiếng Anh hay Ngữ văn ở cấp Trung học phổ thông (tức là môn học trên 70 tiết/năm), hiện nay số đầu điểm kiểm tra thường xuyên là 4, số đầu điểm kiểm tra một tiết là 3/ học kỳ một và 2/học kỳ hai.
Làn điểm này có thể và nên giảm bớt. Nhưng nếu cả năm chỉ có 4 đầu điểm là quá ít. Vì thời lượng các môn học này nhiều, số lượng giờ dạy lớn hơn các môn khác.
Ở góc độ là người trực tiếp giảng dạy, vị giáo viên này nhận thấy việc đánh giá bằng điểm có vai trò rất quan trọng trong quá trình đánh giá sự tiến bộ của học sinh.
Thực tế hiện nay, hiện tượng học sinh lười học càng ngày càng trở nên phổ biến.
Phương châm lấy học sinh làm trung tâm đang lộ ra những mặt trái của nó.
Đó là hiện tượng học sinh coi mình là quan trọng, là số một ở trường và tâm lí coi thường, thiếu tôn trọng thầy cô bắt đầu nảy sinh từ đây.
Nếu lượng bài kiểm tra quá ít sẽ càng tạo điều kiện cho tâm lí lười phát triển.
Bài học thực tế từ cấp tiểu học cho thấy, việc giảm số điểm và tăng cường đánh giá bằng nhận xét đã chứng minh rằng, học sinh thực chất không hiểu mình đang ở mức độ nào.
Đánh giá bằng nhận xét chỉ làm tăng sự vất vả cho giáo viên mà học sinh lại không xác định được mức độ nhận thức của mình.
Thiết nghĩ, Bộ nên điều chỉnh về số điểm, giảm bớt điểm kiểm tra thường xuyên còn 03 điểm, điểm 01 tiết còn 02 điểm, điểm kiểm tra cuối kì giữ nguyên.
Theo vị giáo viên này, số đầu điểm như nói ở trên vừa để đánh giá chính xác mức độ nhận thức của học sinh vừa giúp học sinh nhận thấy tầm quan trọng của quá trình rèn luyện thường xuyên để cố gắng vượt lên trong học tập.