Chiến thuật ôn tập hiệu quả môn Toán cho kì thi tốt nghiệp 2020

28/05/2020 06:38
Linh Linh
GDVN- Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ diễn ra. Đây là thời điểm gấp rút, đòi hỏi học sinh phải có lộ trình ôn tập thật tốt.

Chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Anh Tuấn - giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI có những lời khuyên hữu ích giúp các bạn thí sinh ôn luyện và làm bài thi môn Toán một cách tốt nhất trong thời điểm này.

Kiến thức trọng tâm nằm ở học kì 1 lớp 12

Căn cứ vào cấu trúc của đề thi minh họa môn Toán tốt nghiệp trung học phổ thông, thầy Lê Anh Tuấn cho biết: “Đề gồm 50 câu sắp xếp từ dễ đến khó theo 4 cấp độ của kiến thức từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng đến vận dụng cao. Các em học sinh cần đặc biệt lưu ý và chú trọng vào các chuyên đề được học ở học kì 1 lớp 12 và một phần ở đầu học kì 2.

Ở câu hỏi vận dụng cao, kiến thức mà các em phải chú trọng bao gồm 5 chuyên đề, trong đó có 3 chuyên đề của giải tích là:

Hàm số và bài toán liên quan, Mũ và Logarit, Nguyên hàm và tích phân cùng 2 chuyên đề của hình học là: Thể tích khối đa diện và Thể tích khối tròn xoay.

Các kiến thức còn lại của lớp 12 và 11, các em chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản.”

Muốn đạt điểm cao, phải có kế hoạch cụ thể

“Thời gian gấp rút, vậy nên các em cần có kế hoạch học tập cụ thể theo từng ngày, từng tuần thì mới có thể mong ước đạt được điểm số cao theo mong muốn.

Vấn đề quyết định vẫn là kiến thức cơ bản vững chắc, kết hợp với tổng ôn luyện đề để hình thành kỹ năng xử lý nhanh câu hỏi”, thầy Lê Anh Tuấn cho biết.

Thầy Lê Anh Tuấn (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thầy Lê Anh Tuấn (Ảnh nhân vật cung cấp)

Theo đó, thầy Tuấn có gợi ý chiến thuật giúp các bạn học sinh có được cách ôn luyện tốt nhất trong thời điểm này như sau:

Thứ nhất, các em học sinh cần học tổng ôn lại toàn bộ kiến thức của 7 chương trong sách giáo khoa lớp 12, bao gồm lý thuyết và các dạng toán:

Ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị hàm số; Lũy thừa, Mũ và Logarit; Nguyên hàm, Tích phân và Ứng dụng; Số phức; Thể tích khối đa diện; Thể tích khối tròn xoay; Phương pháp tọa độ trong không gian Oxyz.

Mỗi dạng toán này các em hãy đọc lại những bài tập thật cơ bản (không nhất thiết phải làm lại); thống kê lại và ghi vào vở những sai lầm cơ bản có thể gặp trong các dạng toán.

Thứ hai, cần học và bổ sung kiến thức cơ bản lớp 11 và các dạng câu hỏi vận dụng thực tế.

Thứ ba, luyện đề bằng các đề thi thử nghiệm của các sở giáo dục trên cả nước hoặc từ những nguồn cung cấp đề uy tín.

Sau khi tổng hợp và học xong, cứ 2 tuần/lần, hãy đọc lại lí thuyết và tổng hợp lí thuyết bổ sung dựa vào những tình huống ta gặp trong làm đề.

Khi luyện đề, các em nên đánh dấu những câu mình chưa chắc chắn, những câu lí thuyết mình quên, những câu thú vị, những câu có cách giải còn dài.

Sau khi làm xong, các em hãy đọc lại các câu này, chỗ nào lí thuyết chưa vững thì đọc lại sách, câu nào giải còn dài thì tìm cách giải ngắn hơn. Việc này giúp chúng ta “rèn kỹ năng thành kỹ xảo”.

Khi nắm vững kiến thức thì em sẽ dễ dàng đạt điểm 8, 9; và việc đạt điểm 10 cũng sẽ nằm trong khả năng của các bạn có lực học tốt.

Ổn định tâm lý trước và trong phòng thi

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý ôn thi của các bạn học sinh.

Tuy nhiên, thầy Tuấn cho rằng, các em học sinh không nên quá hoang mang vì toàn bộ các kiến thức mà các em phải học trực tuyến đều được Bộ Giáo dục đưa vào các câu hỏi nhận biết thông hiểu, hoặc giảm tải.

Những kiến thức quan trọng khác đều đã được học trực tiếp trên lớp và ôn luyện kỹ từ học kì 1.

Chính vì vậy, việc của các em bây giờ là tập trung vào ôn thi, có kế hoạch nghỉ ngơi hoạt động thể dục thể thao hợp lý để nâng cao sức khỏe, đầu óc minh mẫn.

Trong phòng thi, giai đoạn căng thẳng nhất và cũng là giai đoạn khiến chúng ta dễ bị tâm lý nhất là lúc chờ đợi và được phát đề, chỉ cần các em biết cách vượt qua thời điểm này thì mọi việc sẽ ổn.

Do đó, lúc đang chờ đợi đến giờ phát đề thi (thời gian chờ đợi này khá lâu, gần 10 phút), các em có thể lẩm nhẩm bài hát hoặc giai điệu yêu thích để thư giãn.

Khi nhận đề, các em cứ bình tĩnh đọc đề một lượt, gặp câu hỏi mình thấy nhớ mang máng thì đừng cố nhớ ngay, hãy quay lại lần lượt làm các câu từ 1 trở đi, đến câu nào ta sẽ xử lý câu đó.

“Khi làm bài, đừng quan tâm đến những thứ xung quanh, đừng quan tâm thí sinh khác đang làm gì và phải xem thời gian làm bài.

Việc đảm bảo và phân bổ được thời gian làm bài một cách hợp lí sẽ giúp các em không bị bỏ sót những câu dễ và quá sa đà vào những câu khó. Đây cũng là một lưu ý quan trọng khi làm bài thi”, thầy Tuấn chia sẻ.

Nắm vững kiến thức và có được tâm thế thật tốt khi đi thi, đó là những gì các em cần thực hiện để có một kết quả tốt nhất cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 sắp tới.

Linh Linh