LTS: Trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Đức Thái (Giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thái Bình, Thăng Bình, Quảng Nam) chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề bạo lực học đường, cụ thể là mối quan hệ giữa phụ huynh học sinh và giáo viên.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau thời gian nghỉ học dài ngày để phòng chống dịch bệnh Covid- 19, trường học mở cửa trở lại.
Học sinh đến trường và giáo viên tiếp tục công việc của mình.
Chỉ mới một thời gian ngắn, một vấn đề gây nhức nhối và làm đau lòng cho những người trăn trở với sự nghiệp giáo dục lại tiếp tục tái diễn mang tên “bạo lực học đường”.
Giáo viên bạo hành học sinh và ngược lại, phụ huynh bạo hành giáo viên.
Có thể nói, việc phụ huynh bạo hành giáo viên không phải là vấn đề mới trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, vấn đề này đang có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Mới nhất vụ việc phụ huynh học sinh ở Long An vào tận lớp học, đánh cô giáo của con mình đến nhập viện quả thực khiến nhiều người giật mình.
Xử lý phụ huynh này là tất nhiên, nó thuộc về nhiệm vụ của các cơ quan thực thi pháp luật.
Vấn đề là trường học, đội ngũ giáo viên có thể làm gì để ngăn chặn những sự việc tương tự, vừa đảm bảo an toàn cho giáo viên đồng thời đảm bảo môi trường bình yên trong học đường.
(Ảnh mang tính minh hoạ/ Vungcaovietbac.edu.vn) |
Nguyên nhân từ đâu?
Tôn sư trọng đạo là truyền thống đáng quý trong văn hóa người Việt.
Điều này có lẽ không cần chứng minh thêm.
Ngay cả các Vua chúa ngày xưa dù nắm quyền hành tuyệt đối trong tay nhưng vẫn tỏ ra khiêm nhu trước các thầy dạy của mình và con mình.
Thế nhưng vì sao thời gian gần đây lại xảy ra liên tiếp các vụ việc phụ huynh thẳng tay hành hung giáo viên.
Có rất nhiều lý do nếu chúng ta đi sâu phân tích và mổ xẻ.
Tuy nhiên theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất là những phụ huynh này cảm thấy mất niềm tin vào đội ngũ những người làm giáo dục.
Chứng kiến và tiếp nhận thông tin những vụ bạo hành của giáo viên đối với học sinh xảy ra liên tục, hình ảnh về những người Thầy, người Cô trong họ dần bị méo mó.
Công bằng mà nói, mặc dù đã mạnh tay xử lý kỉ luật những giáo viên bạo hành học sinh trong thời gian qua nhưng việc học sinh bị bạo hành từ giáo viên vẫn không có dấu hiệu giảm bớt, thậm chí ngày càng nghiêm trọng.
Cảm giác mất niềm tin kéo dài tạo cái nhìn tiêu cực từ một bộ phận phụ huynh đối với đội ngũ nhà giáo.
Vì thế khi hay tin con cái gặp vấn đề với giáo viên ở trường học thay vì bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, một số phụ huynh sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Xây dựng niềm tin về một môi trường học đường an toàn
Còn nhớ trong một lần phát biểu về xây dựng trường học hạnh phúc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ tiêu chí về trường học hạnh phúc.
Theo Bộ trưởng có ba tiêu chí cơ bản đó là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Phụ huynh học sinh khi đưa con em đến trường, họ luôn mong muốn về một môi trường học đường với ba tiêu chí này.
Ở đó, học sinh được thầy cô hết lòng yêu thương, được đảm bảo an toàn tuyệt đối và được tôn trọng sự khác biệt về tính cách để có thể phát huy tối đa sở trường riêng của mình.
Mỗi một nhà giáo cần ý thức trách nhiệm và vai trò của mình trong công tác giáo dục học sinh.
Nhà giáo trong giai đoạn hiện nay cần phải thay đổi một cách triệt để về tư duy giáo dục.
Đã qua rồi thời kỳ giáo viên có thể sử dụng roi vọt như là một phương pháp giáo dục.
Xin đừng biện minh cho tư tưởng “thương cho roi cho vọt” dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Cách giáo dục bắt học sinh vâng phục dựa vào uy quyền, vào bạo lực đã không còn phù hợp trong thời đại mới.
Giáo viên không thể dạy học sinh sự nhân ái, khoan dung, tôn trọng nhân phẩm người khác khi chính mình lại sử dụng bạo lực để giải quyết các tình huống sư phạm.
Nó thực sự là phi giáo dục.
Giáo viên phải dựa vào tình yêu thương, sự kiên trì và nhẫn nại, nắm bắt tâm lí học sinh để cảm hóa các em.
Tôi cho rằng chính sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ đối với học sinh là chìa khóa để giáo viên làm tốt công việc của mình.
Dĩ nhiên, để làm được điều đó không phải là điều dễ dàng.
Nhưng khó mới cần đến nhà giáo.
Hơn ai hết, chính nhà trường cần phải là nơi an toàn tuyệt đối.
Thực tế gần mười năm trong công tác trong ngành giáo dục, nhiều năm liền làm công tác chủ nhiệm, khi đứng trước những vi phạm của học sinh, nếu giáo viên bình tĩnh xử lý tình huống bằng các biện pháp giáo dục tích cực với cái tâm trong sáng và tấm lòng yêu thương học sinh, tôi chắc chắn giáo viên sẽ nhận được sự phản hồi tích cực và niềm tin từ phía phụ huynh.
Trong giáo dục, niềm tin giữa nhà trường và phụ huynh là chất xúc tác giúp hai bên tìm được tiếng nói chung, tạo sự liên kết mật thiết giữa hai bên, ngõ hầu tìm ra phương pháp hữu hiệu nhất để giáo dục học sinh hiệu quả.
Chính niềm tin được xây dựng, phụ huynh cũng sẽ đồng cảm với công việc của nhà giáo.
Từ đó dễ cảm thông với những sai sót nếu có từ giáo viên.
Giáo dục là cả một quá trình dài, tôi hy vọng các nhà giáo chúng ta cần trang bị cho mình một bản lĩnh nghiệp vụ sư phạm để giải quyết tốt nhất các tình huống nảy sinh với học trò.
Chỉ có như vậy, chúng ta mới giúp phụ huynh yên tâm khi đưa trẻ đến trường.
Đồng thời tạo cái nhìn tích cực của xã hội đối với giáo viên.
Khi những thông tin giáo viên bạo hành học trò không còn xuất hiện, tôi tin rằng những vụ việc phụ huynh bạo hành giáo viên cũng sẽ dần dần biến mất.
Rộng hơn một chút, muốn chấm dứt bạo lực học đường, nhà giáo hãy là những người đi tiên phong.