Tiết dạy học cuối cùng, tôi gần như phát điên!

01/06/2020 06:00
Vũ Ninh
GDVN- Mòn mỏi chờ đợi Thành phố Hà Nội xét đặc cách; một số giáo viên hợp đồng lâu năm đã không thể chờ được phải làm đơn xin nghỉ việc vì áp lực tâm lý quá mệt mỏi.

“Tôi gần như phát điên!”

Cô Nguyễn Mai Hương, giáo viên Trường Trung học cơ sở Hiền Ninh (Sóc Sơn, Hà Nội) kết thúc quãng thời gian hơn 20 năm đứng trên bục giảng bằng hai hàng nước mắt chảy dài.

Trong tiết dạy cuối cùng, cô Hương ngậm ngùi viết lên những dòng thơ: Cô xa trò dù chẳng muốn thế đâu; Nhưng cuộc sống đã buộc cô phải thế; Áp lực hợp đồng làm cô không thể; Kéo dài thời gian lãng phí lắm Trò ơi…

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng kết thúc của cô Hương chẳng thể nào cay đắng hơn.

Thế nhưng đây là sự lựa chọn của cô Hương – một sự lựa chọn vừa dũng cảm, vừa bất lực.

Cách đây hơn 1 năm, cô Hương là 1 trong số 245 giáo viên hợp đồng Sóc Sơn kêu cứu.

Trải qua một năm, cuộc sống của những con người đó rẽ theo nhiều hướng khác nhau.

Có giáo viên vẫn kiên trì đấu tranh; cũng có những người vì chịu áp lực từ công việc, mệt mỏi và tâm lý nên đã nghỉ việc.

Lá đơn xin nghỉ việc của cô Hương viết những lời gan ruột: “Trải qua quá trình công tác tại trường cấp 2 Hiền Ninh nay đã hơn 20 năm.

Trong suốt 20 năm cống hiến cho ngành giáo dục tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

Việc giáo viên hợp đồng đã kéo dài 2 năm nay chưa được giải quyết dứt điểm khiến tôi rất mệt mỏi buộc phải tìm cho mình một công việc mới…”.

Chung tình cảnh như cô Hương, nhiều giáo viên hợp đồng tại Hà Nội rơi vào tình trạng khủng hoảng, áp lực tâm lý rất nặng nề.

Bởi theo thầy cô: Khi sự việc phải đưa lên báo chí tức là giáo viên đã dũng cảm đánh mất đi sự tôn nghiêm, hình ảnh của người giáo viên.

Tuy nhiên hơn 2000 giáo viên hợp đồng Hà Nội chẳng còn cách nào khác phải đấu tranh cho quyền lợi đáng lẽ ra họ phải được hưởng từ năm 2012.

Đơn xin nghỉ việc của cô giáo Nguyễn Mai Hương (Ảnh:V.N)

Đơn xin nghỉ việc của cô giáo Nguyễn Mai Hương (Ảnh:V.N)

Cô giáo N.Q.P (Sóc Sơn) chia sẻ: “Tôi gần như phát điên vì những mệt mỏi trong hơn 1 năm qua.

Không chỉ là chuyện trong công việc mà còn chuyện từ gia đình từ ánh nhìn của mọi người.

Chồng tôi nói: Tại sao có mỗi chuyện giáo viên hợp đồng mà mãi không giải quyết xong?

Nhưng lỗi có thuộc về chúng tôi đâu.

Nhiều lần áp lực quá tôi đang từ trong nhà phải chạy ra ngoài đường ngồi khóc rất to.

Những điều đó lãnh đạo làm sao mà thấy được.

Thực sự chúng tôi rất mệt mỏi vì chuyện này nhưng đây là quyền lợi chúng tôi được hưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ”.

Thành phố Hà Nội xin bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên hợp đồng

Theo báo cáo của Sở Nội vụ Hà Nội, năm 2020, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập thuộc ủy ban nhân dân các quận huyện thị xã được giao 75.421 biên chế viên chức giáo viên.

Trong khi số giáo viên hiện có là 70.285.

Như vậy, thành phố sẽ có 5126 chỉ tiêu biên chế (Mầm non: 1938, Tiểu học:1644, Trung học cơ sở: 1554)

Qua rà soát của Sở Nội vụ: Hiện có 2028 trường hợp giáo viên hợp đồng đủ điều kiện tuyển dụng đặc cách theo tinh thần công văn số 5387 ngày 5.11.2019 của Bộ Nội vụ (Mầm non: 841, Tiểu học:380, Trung học cơ sở: 807).

Dù chỉ tiêu biên chế của Hà Nội nhiều hơn gấp đôi số giáo viên hợp đồng đủ điều kiện xét tuyển đặc cách đang tồn đọng, nhưng xảy ra thực trạng ở một số môn học, số giáo viên hợp đồng lại nhiều hơn số chỉ tiêu giáo viên.

Đó là những môn ngoại ngữ ở cấp tiểu học; môn Toán, Văn, Ngoại ngữ ở cấp Trung học cơ sở.

Để tháo gỡ khó khăn này, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất bổ sung biên chế giáo viên ở các môn học thiếu theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không vượt quá số biên chế theo từng môn học.

Cụ thể, số biên chế cần bổ sung gồm 23 giáo viên ngoại ngữ khối tiểu học, 68 giáo viên toán, 75 giáo viên văn, 58 giáo viên ngoại ngữ khối Trung học cơ sở (tổng cộng 224 biên chế).

Sau khi được Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ phân bổ 224 biên chế trên, ban hành quyết định phê chuẩn kế hoạch tổ chức xét tuyển theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, đảm bảo khách quan, minh bạch.

Trước thông tin này nhiều giáo viên hợp đồng tại Hà Nội cảm thấy vui mừng nhưng vẫn còn băn khoăn.

Bởi đây không phải là lần đầu Thành phố Hà Nội đưa ra lời hứa: Sẽ giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng.

Vì thế hơn 2000 giáo viên hợp đồng lâu năm tại Hà Nội đều mong muốn rằng đây sẽ là lần cuối cùng họ phải chịu cảnh thấp thỏm lo âu, vui mừng vỡ òa rồi lại thất vọng hụt hẫng.

Thành phố Hà Nội xin thêm 224 chỉ tiêu biên chế để giải quyết dứt điểm vấn đề giáo viên hợp đồng (Ảnh:V.N)

Thành phố Hà Nội xin thêm 224 chỉ tiêu biên chế để giải quyết dứt điểm vấn đề giáo viên hợp đồng (Ảnh:V.N)

Thầy giáo Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây cho biết: “Tôi đã công tác tại trường từ lúc ra trường đến nay được 18 năm.

Sau khi rà soát, tôi đã đủ điều kiện xét đặc cách theo tiêu chuẩn của Bộ Nội vụ và của Thành phố Hà Nội.

Vì vậy, tôi mong muốn được tiếp tục sự nghiệp giáo dục tại mảnh đất này nên đã quyết định đăng ký xét tuyển đặc cách môn Toán tại trường Trung học cơ sở Xuân Sơn - Sơn Tây để góp phần sức lực nhỏ bé của mình cho giáo dục.

Tôi cũng mong Thành phố Hà Nội sớm xét đặc cách cho thầy cũng như các giáo viên hợp đồng khác đủ tiêu chuẩn để các thầy cô yên tâm với sự nghiệp trồng người”.

Vũ Ninh