Ngày 27/5/2020, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chủ trì Hội thảo “Các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, gắn với nhu cầu nghiên cứu khoa học và nhóm nghiên cứu”. Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá:
“Chúng ta mong muốn đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhân tài, tinh hoa, nên phải đảm bảo chất lượng đầu ra. Các trường có trách nhiệm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, xây dựng các nhóm nghiên cứu trong trường, từ đó xây dựng uy tín thương hiệu của trường”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo, ảnh: moet.gov.vn. |
Cũng tại hội thảo, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy đã chia sẻ những định hướng sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, với nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và quy trình tổ chức đào tạo.
Đại diện Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh, trong hai năm qua, từ đăng ký chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ của các trường cho thấy, số trường đào tạo tiến sĩ gia tăng. [1]
Đây là một hoạt động rất đáng hoan nghênh về mặt quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là sự chú trọng của Bộ đối với chất lượng đào tạo tiến sĩ cho xứng đáng với 2 chữ "nhân tài" và "tinh hoa".
Tuy nhiên, thực tiễn đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam lâu nay đang tồn tại hàng loạt vấn đề nhức nhối. Nhức nhối vì 2 hiện trạng: a) Từ vấn nạn đạo văn và tự đạo văn [2] cho đến các "lò ấp tiến sĩ" [3] đáp ứng nhu cầu của một "bộ phận không nhỏ" cần bằng tiến sĩ không phải để nghiên cứu hay giảng dạy, mà để thăng tiến trên quan trường [4].
b) Là tình trạng cộng đồng xã hội chưa coi việc này là hành vi ăn cắp nghiêm trọng để quyết tâm lên án; cơ quan chức năng chưa coi đây là sự “tham nhũng và gian dối” tinh vi để vào cuộc và xử lý thích đáng; cơ quan lập pháp chưa xem ăn cắp văn chương người để xây dựng tài sản cho mình là hành vi nguy hiểm cho sự phát triển của đất nước, cần phải luật hóa để chế tài.
Chính vì vậy, việc sửa đổi và bổ sung Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ lần này thực sự là một cơ hội tốt để Bộ Giáo dục và Đào tạo chấn chỉnh hoạt động đào tạo tiến sĩ, nâng cao chất lượng đội ngũ "tinh hoa" này, mà việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải chống cho được nạn đạo văn và tự đạo văn.
Đạo văn và tự đạo văn không chỉ làm băng hoại đạo đức xã hội, lưu manh hóa những người được xem là "tinh hoa" hay "nhân tài", "trí thức", mà còn có thể phá hủy cả nền giáo dục - đào tạo từ bên trong bởi thực chất đây là hành vi ăn cắp và gian dối.
Thu hồi bằng tiến sĩ với cáo buộc tác giả đạo văn, bị tòa xử thua kiện
Tháng 6/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được phản ánh của Báo Nhân Dân về việc ông Hoàng Xuân Quế “đạo văn”. Bộ đã yêu cầu Trường Đại học Kinh tế quốc dân xác minh báo cáo Bộ.
Tháng 7/2013, Bộ nhận được đơn tố cáo chính danh do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội chuyển. Bộ đã tiến hành thụ lý giải quyết tố cáo theo đúng quy định.
Ngày 11/4/2013 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định 4674/QĐ-BGDDT thu hồi bằng tiến sĩ ngành kinh tế của ông Hoàng Xuân Quế.
Ngày 28/10/2013, ông Hoàng Xuân Quế đã khởi kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (khi đó là Nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận) ra tòa hành chính Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua đối chiếu cuốn luận án tiến sĩ “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” của ông Hoàng Xuân Quế (bảo vệ năm 2003), với cuốn luận án tiến sĩ “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường” của ông Mai Thanh Quế (bảo vệ năm 2002 - cả hai cuốn cùng được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia), Tổ xác minh của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định:
Ảnh chụp màn hình một phần nội dung Thông cáo báo chí ngày 15/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên Bộ thua kiện. |
Mức độ sao chép (hoàn toàn giống nhau về nội dung) giữa cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế với cuốn luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế là 52,5 trang/159 trang;
Cụ thể: Chương I sao chép 17 trang/ 54 trang; chương II sao chép 6,5 trang/ 61 trang; chương III sao chép 29 trang/ 44 trang.
Trong phần “Tài liệu tham khảo” cuối cuốn luận án, ông Hoàng Xuân Quế hoàn toàn không nhắc tới cuốn luận án tiến sĩ “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường” của ông Mai Thanh Quế.
Như vậy hành vi sao chép của ông Hoàng Xuân Quế là rất rõ ràng, mức độ sao chép rất nghiêm trọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định. [5]
Ngày 14/12/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên hủy Quyết định 4674/QĐ-BGĐT ngày 11/10/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thu hồi bằng tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế.
Đồng thời, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan chức năng có thẩm quyền khôi phục học hàm, học vị cho ông Hoàng Xuân Quế.
Thua kiện vì “lỗ hổng” quy chế đào tạo tiến sĩ?
Báo Tuổi Trẻ ngày 14/12/2018 tường thuật, theo tòa, nếu ông Hoàng Xuân Quế có hành vi sao chép luận văn mà không dẫn nguồn thì phải bị kỷ luật, xử phạt hành chính... chứ không thể bị thu hồi bằng tiến sĩ, bởi quy chế đào tạo sau đại học không quy định. [6]
Ảnh chụp một phần trang đầu bản án số 197/2018/HCST ngày 14/12/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vụ ông Hoàng Xuân Quế khởi kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, ảnh: Ngọc Quang. |
Điều này được Luật sư Trần Hồng Phúc, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Hoàng Xuân Quế, phân tích cụ thể hơn:
Thứ nhất, theo quy định thì Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành kinh tế học không có chức năng, nhiệm vụ xác minh luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng tiến sĩ.
Theo Luật sư, không có quy định nào của pháp luật cho phép Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành kinh tế học có thẩm quyền đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành thu hồi bằng tiến sĩ của nghiên cứu sinh.
Thứ hai, căn cứ pháp lý để Hội đồng này đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo là dựa vào Điều 41 Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 08/6/2000 [7] và Điều 47 Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT [8].
Tuy nhiên theo Luật sư Trần Hồng Phúc, Điều 41 Quy chế đào tạo sau đại học không có chế tài thu hồi bằng tiến sĩ, còn Điều 47 Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ thì ban hành vào tháng 5/2009, không áp dụng hiệu lực hồi tố đối với sự việc từ năm 2003 (văn bản ra đời sau không áp dụng đối với sự việc xảy ra trước đó) [9].
Đây là một vụ kiện khá hy hữu khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tin chắc mười mươi rằng ông Hoàng Xuân Quế “đạo văn” của ông Mai Thanh Quế và tự tin ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ, nhưng cuối cùng bị Tòa xử thua và buộc phải hủy quyết định, phục hồi bằng tiến sĩ cho ông Quế vì chính quy chế của Bộ không có chế tài thu hồi bằng tiến sĩ.
Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2009 dù đã có chế tài thu hồi bằng tiến sĩ không có hiệu lực hồi tố với luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế, nhưng những tưởng sau vụ kiện này, Bộ sẽ không còn khó khăn trong việc xử lý các luận án Bộ cho là “đạo văn”.
Thực tế không phải như vậy.
Nghi vấn Giáo sư Nguyễn Đức Tồn - cựu Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, đạo văn của học trò đã kéo dài gần 2 thập kỷ [10], Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải có công văn yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ, bảo đảm nghiêm minh, khách quan và báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ [11], nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ nghi vấn Giáo sư Nguyễn Đức Tồn đạo văn, ảnh: Báo Dân Việt / VCCI. |
Nguyên nhân do đâu, phải chăng “lưới chống đạo văn, chống tự đạo văn” của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang có lỗ hổng quá lớn? Chúng tôi sẽ phân tích những vấn đề này trong các bài viết tới và đề xuất các nội dung cần làm rõ khi Bộ sửa đổi Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=6683
[2]http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/33-khach-moi-cua-tap-chi/12520-can-thanh-lap-uy-ban-liem-chinh-hoc-thuat
[3]https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/lo-ap-thac-si-tien-si-lam-thay-tat-phai-nhieu-ma-post179293.gd
[4]https://www.tienphong.vn/giao-duc/chat-luong-tien-si-cung-nam-bay-duong-1479502.tpo
[5]https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/thong-cao-bao-chi.aspx?ItemID=5735
[6]https://tuoitre.vn/bo-gd-dt-thua-kien-vu-thu-hoi-bang-tien-si-20181214143302452.htm
[7]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-18-2000-QD-BGDDT-Quy-che-dao-tao-sau-dai-hoc-46594.aspx
[8]http://vbpl.vn/bogiaoducdaotao/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=12063&Keyword=
[9]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tai-sao-nhung-tai-lieu-ho-so-cua-hoang-xuan-que-o-bo-giao-duc-lai-bien-mat-post171634.gd
[10]https://m.vcci.com.vn/nghi-van-gs-nguyen-duc-ton-%E2%80%9Cdao-van%E2%80%9D-gan-2-thap-ky-chua-hoi-ket
[11]https://www.tienphong.vn/giao-duc/pho-thu-tuong-yeu-cau-lam-ro-nghi-van-gs-nguyen-duc-ton-dao-van-1278041.tpo