Dân chủ Tà lưa, Công lý đang trốn đi đâu?

08/06/2020 06:00
Xuân Dương
GDVN- Dân chủ tại một số nước phương Đông chú trọng đến ổn định xã hội và đôi khi nghiêng về hy sinh quyền lợi cá nhân hay nhóm nhỏ để phục vụ nhóm lớn hơn.

Báo Hoa Kỳ đưa tin “Nhà hàng Việt Nam Saigon Bay bị thiêu rụi trong một cuộc biểu tình bạo động hôm thứ bảy tuần trước ở thành phố Tampa, thuộc bang Florida”.

Báo Anh Quốc đưa tin: “Một tiệm kim hoàn của người Việt tại khu vực Hackney đã bị tấn công”; “Tiệm NGO Diamonds và tiệm Xchange đang bị cướp phá tại Hackney”;…

Các cơ sở kinh doanh nói trên thuộc quận Hackney, thủ đô London, nơi tập trung nhiều và đầy đủ các loại dịch vụ dành cho cộng đồng người Việt, cung ứng mọi nhu cầu mua sắm thực phẩm, văn hóa phẩm, dịch vụ vé máy bay hay chuyển tiền nhanh về Việt Nam…

Báo Hàn Quốc viết: “Khoảng 70 cửa hàng do người Hàn Quốc điều hành đã chịu thiệt hại từ các cuộc biểu tình bạo loạn trên toàn nước Mỹ…

Người tham gia biểu tình đã lợi dụng hỗn loạn để cướp bóc, hôi của, đập phá, cướp sạch đồ đạc trong cửa hàng vào ban đêm”.

Báo Mỹ trong bài “Nỗi kinh hoàng của người Việt trong trận cướp phá ở Minnesota” tường thuật ý kiến một chủ cơ sở kinh doanh người Việt”:

“Khi được hỏi tại sao không kêu cứu cảnh sát, ông Sỹ nói: “Ai sống trong cảnh này mới biết. Giờ đó nó hỗn loạn, không có chính quyền. Chúng tôi gọi 911 tới cháy máy nhưng không có ai bắt.

Tất cả các đường dây cảnh sát đều bị cúp hết. Họ lo bảo vệ cho những chỗ lớn, còn những tiệm nhỏ như mình đều không có sự bảo vệ”.

Không ít người ca ngợi nền dân chủ phương Tây mà tiêu biểu là tại một số quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp,…

Cảnh sát bắn hơi cay vào một cuộc biểu tình trái phép trước tòa án ở Paris, Pháp, hôm 2/6. Ảnh: Reuters.
Cảnh sát bắn hơi cay vào một cuộc biểu tình trái phép trước tòa án ở Paris, Pháp, hôm 2/6. Ảnh: Reuters.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán – Trung Quốc, đặc biệt là sau vụ một người da màu ở Mỹ bị cảnh sát ghì cổ nghẹt thở đến chết, nạn kỳ thị người gốc Á và nạn cướp phá, hôi của nhằm vào các cơ sở kinh doanh của người gốc Á - trong đó có người gốc Việt - trở nên tồi tệ và lan rộng từ Mỹ sang Âu, tại chính các quốc gia đang tự nhận là “dân chủ, văn minh” nhất thế giới!

Cũng trong thời kỳ Covid-19, khi báo chí phương tây ca ngợi “Việt Nam chống dịch thành công với nguồn lực hạn hẹp”, người ta không quên lồng vào vài nhận định kiểu như:

“Việc thành công này sẽ trao cho chính phủ, do đảng lãnh đạo, thêm lợi thế chính trị. Ngoài ra, họ cũng chấp nhận việc kiểm soát chặt chẽ hơn các phương tiện truyền thông”. [1]

Có một câu hỏi của người dân mà chính tờ báo trên đăng tải:

“Rất nhiều người chế giễu Mỹ, Pháp, các nền dân chủ phương Tây về việc: dân chủ chẳng để làm gì vì quý vị không có khả năng bảo vệ dân khỏi một con virus.

Đúng, hậu quả về nhân mạng của chúng tôi sẽ không cao như ở châu Âu hay ở Mỹ. Nhưng sẽ phải trả cái giá nào?”. [1]

Vậy thì khi nào dân chủ là sự thật và khi nào là “Tà lưa”?

Nói cách khác, liệu dân chủ có một khuôn mẫu duy nhất?

Dân chủ phương Tây nhấn mạnh đến quyền con người, đến sự bình đẳng trước pháp luật, đến quyền biểu tình, quyền biểu đạt chính kiến, quyền lập hội đoàn,…

Dân chủ tại một số nước phương Đông chú trọng đến ổn định xã hội và đôi khi nghiêng về hy sinh quyền lợi cá nhân hay nhóm nhỏ để phục vụ nhóm lớn hơn (nhưng chưa hẳn đã là cả dân tộc).

Dù có sự khác biệt thì dân chủ ở đâu cũng được đặt trong khuôn khổ pháp luật và nền pháp luật đó lại thường do lực lượng cầm quyền chi phối.

Saint Augustine, nhà thần học và triết gia thời trung cổ (354-430 sau Công nguyên), người được cho là vị thánh bảo hộ các nhà xuất bản báo chí có câu nói nổi tiếng:

“Nếu không có công lý, nhà nước sẽ là gì nếu không phải là một băng cướp có tổ chức?”.

Khi các cuộc bạo loạn đang tràn lan tại các nước phương Tây, khi một bộ phận dân chúng tại Hoa Kỳ, Anh Quốc,… trở thành những băng cướp vô tổ chức thì công lý trốn đi đâu?

Và khi người người dân kêu cứu mà chính quyền làm ngơ, chỉ lo cho những ông kễnh mà bỏ rơi người thấp cổ bé họng thì ở đó có dân chủ, có công lý?

Phải chăng đó là cái giá của nền dân chủ phương Tây?

Ở phương Đông, khi bác sĩ Lý Văn Lượng cảnh báo về sự nguy hiểm của virus corona chủng mới bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vị bác sĩ này “bị khiển trách, triệu tập lên đồn công an và ký biên bản thừa nhận phát tán thông tin sai lệch về dịch bệnh”. [2]

Phải chăng đó là hành động vì ổn định xã hội, một cách biện minh cho dân chủ như ý kiến được một tờ báo Anh Quốc đăng tải:

“Tuy nhiên những quốc gia tôn trọng quyền tự do và dân chủ thì trước mắt hơi khó khăn trong vấn đề bảo vệ ổn định (xã hội – NV). [3]

Mặc dù với đại đa số người Việt, dân chủ kiểu “Cách mạng Cam”, “Cách mạng Ô dù” không phải là mục đích hướng tới nhưng khẳng định nền dân chủ hiện thời là toàn thiện, toàn mỹ liệu có hơi vội vàng?

Không thể có một chuẩn mực “Dân chủ” chung cho mọi thể chế chính trị nhưng chắc chắn phải có một giá trị chung cho nhân loại, đó là sự tôn trọng quyền con người, quyền được biểu đạt ý kiến,…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một cách rất giản dị:

“Dân chủ thật ra có nghĩa là để cho dân được mở miệng”.

Chùng nào còn tồn tại các thể chế chính trị đối nghịch thì chừng đó, dân chủ vẫn được diễn giải theo các logic đối nghịch.

Liệu có thể khẳng định, rằng những diễn giải hôm nay về dân chủ được xem là đúng đắn thì tương lai vẫn hoàn toàn đúng và điều hôm nay bị coi là sai thì tương lai vẫn sai?

Theo dòng lịch sử, khái niệm dân chủ lẽ nào lại không bị biến đổi như chính các hình thái kinh tế xã hội mà loài người đã trải qua?

Tạp chí Xây dựng Đảng in tháng 8/2012 có chủ đề trọng tâm về phát huy dân chủ trong Đảng. Tạp chí giới thiệu bài viết “Động lực cơ bản của quá trình đổi mới” của Phó giáo sư Trần Đình Huỳnh. [4]

Phần cuối bài viết, tác giả kết luận: “Một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân mà gây ra nhiều phản ứng gay gắt của số đông người dân đến nỗi phải dùng cách hạ lệnh và huy động lực lượng vũ trang, an ninh để cưỡng chế nhân dân - đối tượng phục vụ của mình - như là một giải pháp của hoạt động công vụ là hoàn toàn trái với Tư tưởng Hồ Chí Minh, trái với Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng”. [5]

Ảnh chụp màn hình bài viết trên Tạp chí Xây dựng Đảng ngày 06/06/2020
Ảnh chụp màn hình bài viết trên Tạp chí Xây dựng Đảng ngày 06/06/2020

Vấn đề nằm ở chỗ, những cuộc bạo loạn, cướp phá của khá nhiều kẻ quá khích gần đây tại một số nước phương Tây, các cuộc Cách mạng Hoa hồng ở Gruzia (2003), Cách mạng Cam ở Ukraine (2004), Cách mạng Hoa tulip ở Kyrgyzstan (2005)... hay Mùa Xuân Ả rập ở Tunisia, Ai Cập, Yêmen, Libya, Syria có cho thấy những mầm mống bất ổn hàm chứa trong nền dân chủ phương Tây mà dân chúng đôi khi trở thành kẻ phụ họa?

Cùng với đó là “Cách mạng Ô dù”, “Phong trào áo vàng, áo đỏ” hay những dồn nén trong nền dân chủ phương Đông đều có khả năng dẫn tới những bùng phát nguy hiểm không thể dự đoán.

Dẫu là Đông hay Tây thì một trong các thủ đoạn chính trị là che giấu sự thật, nói theo ngôn ngữ bình dân là dối trá.

Phủ nhận điều này hoặc là quá ngây thơ hoặc là cuồng tín.

Các sự kiện đang dồn dập xảy ra trong 20 năm đầu của Thiên niên kỷ thứ ba đòi hỏi lực lượng lãnh đạo nhà nước - cụ thể là nhóm cầm quyền - cần rút ra bài học về dân chủ cho chính quốc gia, dân tộc mình chứ không phải là chờ đợi sự bùng phát rồi mới vội vàng “tân trang nền dân chủ”.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.rfi.fr/vi/việt-nam/20200330-virus-corona-việt-nam-chống-dịch-thành-công-với-tiềm-lực-hạn-hẹp

[2]https://tuoitre.vn/trung-quoc-rut-quyet-dinh-khien-trach-bac-si-ly-van-luong-20200319220138678.htm

[3] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52940433

[4]http://xaydungdang.org.vn/Home/Nhip-cau-ban-doc/2012/5419/Gioi-thieu-noi-dung-Tap-chi-Xay-dung-Dang-in-so-82012.aspx

[5]http://xaydungdang.org.vn/Home/PrintMagazineStory.aspx?ID=933&print=true

Xuân Dương